• Zalo

Thị trường trái phiếu và bất động sản ‘ấm dần’?

Tài chínhThứ Sáu, 09/08/2024 11:19:02 +07:00Google News
(VTC News) -

Thị trường trái phiếu và bất động sản đang có những tín hiệu “ấm dần” với những con số tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Vndirect vừa có báo cáo tổng quan về thị trường trái phiếu và bất động sản với nhiều thông tin mới.

Giá trị phát hành trái phiếu tăng 66,5% 

Theo Vndirect, trong tháng 7/2024 đã có 27 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá phát hành đạt hơn 25.700 tỷ đồng, giảm hơn 64% so với tháng trước và giảm 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 161.000 tỷ đồng, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường trái phiếu đang có những dấu hiệu "ấm hơn". (Ảnh: VND)

Thị trường trái phiếu đang có những dấu hiệu "ấm hơn". (Ảnh: VND)

Vndirect cho rằng, hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 7/2024 có phần sụt giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, nếu so với các tháng đầu năm thì hoạt động phát hành trái phiếu đang tiếp tục “ấm lên”.

Trong tháng 7 có 24 đợt phát hành riêng lẻ của nhóm ngân hàng với tổng trị giá phát hành gần 25.000 tỷ đồng, chiếm 97,2% tổng giá trị phát hành.

Vndirect nhận định, áp lực đáo hạn sẽ tăng trở lại trong tháng 8/2024 và sẽ có khoảng hơn 14.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn. Áp lực đáo hạn gia tăng trong tháng 8 và sẽ duy trì ở mức cao trong các tháng còn lại của năm 2024.

"Hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra sôi động trong tháng 7/2024. Tính đến ngày 30/7 đã có hơn 90 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn là khoảng hơn 153.000 tỷ đồng”, Vndirect đánh giá.

Tín dụng đổ vào bất động sản tăng 

Theo Vndirect tín dụng đổ vào vào lĩnh vực bất động sản đang tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024. Tính đến hết tháng 6, tổng tăng trưởng tín dụng ngành bất động sản đạt 4,6%, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng gần 10,3% và tín dụng cho tiêu dùng bất động sản tăng 1,15%:

Nửa đầu 2024, tín dụng cho nhà ở tại TP.HCM đã duy trì tăng trưởng dương. Trong đó, mục đích cho nhu cầu tự sử dụng tiền vay chiếm tỷ trọng cao nhất, lên đến gần 67,8% trên tổng dư nợ tại TP.HCM.

“Con số tăng trưởng này đã phản ánh tâm lý thị trường chung có sự chuyển biến tích cực trong bối cảnh lãi suất mua nhà duy trì mức thấp”, Vndirect nhận định.

Cũng theo đơn vị báo cáo, tín dụng tăng trưởng còn do các doanh nghiệp phát triển bất động sản chủ động vay nợ để mua lại trái phiếu trước hạn nhằm cơ cấu các khoản nợ vay trái phiếu có lãi suất cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản có pháp lý dự án chuẩn, đủ điều kiện mở bán và cấu trúc tài chính lành mạnh sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu thực của người mua nhà.

Tín dụng đổ vào bất động sản tăng mạnh trong thời gian qua. (Ảnh: LPB)

Tín dụng đổ vào bất động sản tăng mạnh trong thời gian qua. (Ảnh: LPB)

Hiện tại, các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV vẫn đang tiếp tục duy trì lãi suất vay mua nhà, sửa chữa nhà cửa ở mức thấp, nhờ đó kích thích nhu cầu vay của thị trường chung. Mức lãi suất cho vay mua nhà và đất hiện tại chỉ từ 5-7%/năm.

“Tín dụng bất động sản tiếp tục chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế. Chúng tôi cho rằng, khi một số luật được điều chỉnh có hiệu lực từ 1/8 sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản và tín dụng bất động sản hồi phục rõ ràng hơn trong giai đoạn sắp tới. Lúc này, nguồn cung bất động sản dự kiến sẽ trở lại ổn định hơn nhờ pháp lý, giảm thiểu sự chồng chéo giữa các quy định trong luật và các quy định của các cơ quan liên quan”, Vndirect đánh giá.

Bình luận
vtcnews.vn