Tại hội nghị Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Bộ Xây dựng chủ trì, đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã nêu ra những ý kiến “gan ruột” của mình.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, đơn vị này vừa ký hết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng LPBank trị giá 5.000 tỷ đồng. Đây là nguồn tài trợ vô cùng quý báu để doanh nghiệp đưa vào các dự án đang triển khai. Nguồn vốn này sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn nhân viên, người lao động và tạo ra nhiều sản phẩm bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực của người dân.
Theo ông Cường, do các ngân hàng thông báo hết “room” tín dụng bất động sản nên doanh nghiệp đề xuất nới room để ngân hàng tham gia vào công tác tái cơ cấu cùng doanh nghiệp.
“Chúng tôi mong muốn các ngân hàng nới lỏng, tối giản hóa các điều kiện cho vay, đồng thời kéo dài thời gian cho vay hơn so với bình thường. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp xoay sở tài chính trong giai đoạn khó khăn như hiện nay”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, các nhà thầu, nhà cung cấp nguyên vật liệu cho ngành bất động sản chỉ được ngân hàng cấp tín dụng ngắn hạn khiến nhiều doanh nghiệp rất khó khăn. Điều này gây áp lực thanh toán lên chủ đầu tư.
Chính vì vậy, doanh nghiệp này đề xuất NHNN và các ngân hàng thương mại hỗ trợ kéo dài thời gian cho vay cho các nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu.
Cụ thể, thời gian cho doanh nghiệp vay nên kéo dài lên 15 – 24 tháng thay vì từ 6 – 12 tháng như hiện nay. Song song đó, các ngân hàng sẽ giám sát chặt chẽ dòng tiền để thu hồi nợ trước hạn khi doanh nghiệp có dòng tiền về, đảm bảo an toàn cho dòng vốn vay. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.
Tại hội nghị, ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland chia sẻ, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp này trong thời gian qua là vấn đề pháp lý. Thời gian qua, tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và các Bộ, ngành cũng đang tháo gỡ rất tích cực cho các dự án của Novaland.
Hiện tại, Novaland đang có 4 cụm dự án chính tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu. Tất cả các dự án này đều có quy mô rất lớn nhưng đang “vướng” phải nhiều vấn đề pháp lý.
Cụ thể, một số dự án ở TP.HCM chưa thể hoàn thành xác nhận nghĩa vụ về đất đai. Dự án ở Đồng Nai gặp sự “chồng chéo” trong các quy định phát luật và sự "lúng túng" trong việc giải quyết của chính quyền địa phương.
Tại dự án ở Bà Rịa – Vũng Tàu, doanh nghiệp mất 18 tháng để hoàn tất thủ tục pháp lý dẫn tới tiến độ dự án bị chậm trễ. Còn dự án tại Bình Thuận gặp vướng mắc trong việc xác định tiền sử dụng đất của dự án.
Theo ông Dennis Ng Teck Yow, những vướng mắc pháp lý đang chiếm 80% vấn đề cần giải quyết tại Novaland. Trong khi đó, doanh số bán hàng và nguồn phải thu của doanh nghiệp là rất lớn. Thanh khoản phụ thuộc vào việc tháo gỡ pháp lý. Khi được gỡ về vướng mắc pháp lý thì doanh nghiệp mới đủ điều kiện để ngân hàng cho vay và tiếp tục triển khai dự án, bàn giao nhà cho khách hàng.
“Chúng tôi mong muốn mặt bằng lãi suất cho vay được hạ nhiệt, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp về chi phí lãi vay. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất nhưng một số ngân hàng có lãi suất vẫn còn cao”, ông Dennis Ng Teck Yow phát biểu.
Đại diện Novaland cũng cho rằng, ngân hàng nên kéo dài thời gian cho doanh nghiệp vay lên 24 tháng, thay vì tối đa 12 tháng như hiện nay. Việc này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp bất động sản rất nhiều. Bởi theo các dự báo, đến quý 2/2024 thị trường bất động sản mới có dấu hiệu hồi phục.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN chia sẻ, đơn vị này ghi nhận ý kiến của Tập đoàn Hưng Thịnh và Novaland. Về phía ngành ngân hàng, Phó Thống đốc ghi nhận 3 ý chính, đầu tiên là nới lỏng hạn mức tín dụng. Hạn mức này là của các ngân hàng thương mại. Còn về hạn mức tín dụng NHNN giao cho các ngân hàng thương mại thì “thoải mái”, không lo thiếu hạn mức tín dụng.
“Ngay từ đầu năm, NHNN đã rất rõ ràng trong việc điều hành. Còn hạn mức của ngân hàng thương mại dành cho các doanh nghiệp như mở rộng hay cắt bớt thì ngân hàng phải làm việc với doanh nghiệp. Đây không chỉ là ý kiến của Tập đoàn Hưng Thịnh mà nhiều đơn vị cũng vướng mắc ở vấn đề này”, ông Tú nhấn mạnh.
Theo ông Tú, vấn đề thứ hai doanh nghiệp đề xuất đó là tối giản hóa điều kiện cho vay. Tuy nhiên, tối giản hóa nhưng cũng phải đảm bảo nguyên tắc, quy định pháp luật.
Vấn đề thứ ba là về thời hạn cho vay, đây là vấn đề bị “vướng” trong suốt thời gian dài. Bản chất tín dụng ngân hàng là tín dụng ngắn hạn. Thế nhưng, hiện nay, ngành ngân hàng đang cho vay trung, dài hạn. Điều này trái với nguyên lý nhưng ngành ngân hàng vẫn đang triển khai một cách rất tích cực.
NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Bình luận