Tại buổi họp báo công bố thông tin chi tiết về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chiều nay, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, với 36 tổ hợp môn, khả năng thời gian thi bị trùng rất cao. Đồng thời số thí sinh muốn thi 3-4 môn tự chọn không nhiều và điều này dễ gây lãng phí.
"Do đó, thí sinh chỉ được thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Đây cũng là phương án có lợi cho số đông, tiết kiệm thời gian, công sức, giảm chi phí và áp lực", ông Hà nói.
Về đề thi, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu cấu trúc, định dạng, ngân hàng đề thi, tích cực tổ chức hội thảo, mời chuyên gia góp ý. Quan điểm chung đề thi phải đáp ứng được mục tiêu đánh giá năng lực, phù hợp với lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngoài ra, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 sẽ cân đối giữa các môn, tránh được độ lệch điểm lớn giữa một số môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Nội dung đề thì chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.
Còn với những học sinh trượt tốt nghiệp năm 2024, Bộ sẽ tính đến phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp riêng, đảm bảo đúng nội dung và phương thức theo chương trình mà các em học. "Học sinh yên tâm là không có chuyện học chương trình năm 2006 mà thi theo 2018", ông Hà nói.
Theo phương án của Bộ GD&ĐT công bố, từ năm 2025, các thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm. Nội dung thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD&ĐT xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 dựa trên 3 nguyên tắc lớn. Thứ nhất, căn cứ vào các nghị quyết của Đảng và Chính phủ, trong đó nhấn mạnh các từ khóa như "kỳ thi phải giảm áp lực", "gọn nhẹ", "giảm tốn kém cho xã hội".
Thứ hai, kỳ thi bám sát mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Thứ 3, kỳ thi kế thừa kinh nghiệm của những năm gần đây về kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bình luận