Nhận định về điều này, các chuyên gia vẫn lạc quan với những kỳ vọng lớn về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam 2024.
GDP 2023 là động lực lớn
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 tăng 5,05% so với năm trước. Mức tăng trưởng này dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn là con số rất tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.
"Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới, thuộc top những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.
Bà Hương phân tích, GDP năm 2023 có xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể: quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47% và quý IV tăng 6,72%. Đáng chú ý, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt trên 10,2 triệu tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng, trong một năm nhiều sóng gió đối với kinh tế thế giới như đại dịch vẫn để lại hậu quả nặng nề, một loạt thách thức mới xuất hiện bao gồm các cuộc xung đột địa chính trị, xu hướng thắt chặt tiền tệ tại các nền kinh tế lớn, tăng trưởng giảm tốc…thì mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là rất ấn tượng.
TS. Võ Trí Thành phân tích: “Trong quý IV, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,72%, tăng tốc nhanh sau khi tăng 5,47% trong quý III và 4,25% trong quý II. Như vậy chứng tỏ kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan so với tiêu chuẩn khu vực và thế giới".
Còn chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh vào bối cảnh đặc biệt của năm 2023 khi kinh tế thế giới quá khó khăn, lạm phát, lãi suất toàn cầu ở mức cao. Trong khi đó, sức cầu về tiêu dùng, đầu tư giảm, thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản trên toàn cầu nhiều rủi ro.
Vì thế, tăng trưởng GDP 5,05% là rất tích cực và sẽ là động lực cho năm 2024.
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% có khả thi?
Con số tăng trưởng GDP 2024 ở mức 6,5% đã được Quốc hội đặt ra tại kỳ họp cuối năm 2003.
Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Hương, đây là một mục tiêu nhiều thách thức khi các tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn khó khăn, thậm chí tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 có thể thấp hơn năm nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia đồng tình rằng con số này là hợp lý và cần thiết bởi 2024 chính là năm áp chót của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Nếu không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay thì mục tiêu của cả kế hoạch cũng sẽ trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích, khi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 từ 6-6,5% có nghĩa là Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu rất kỹ những vấn đề trọng tâm của cả năm 2023 và 2024.
“Khó khăn của những năm trước sẽ trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển vượt bậc của năm 2024. Cùng với đó là các hiệp ước chiến lược giữa Việt Nam và đối tác quốc tế có thể mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội thu hút đầu tư FDI. Do vậy, tôi rất kỳ vọng và tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đúng như đã đặt ra”, ông Thành nói.
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành cho rằng, nhiều tổ chức quốc tế cũng đã dự báo trong năm 2024 Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng từ hơn 5,7 - 6,5%. Con số này chắc chắn được dựa trên cơ sở vững chắc là những phân tích kỹ lưỡng và chi tiết.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu trong thời gian qua bị kìm hãm nhưng cuối năm đã phục hồi tốt. Các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, nhu cầu thị trường thế giới sẽ tăng, khả năng phục hồi của xuất khẩu của nước ta là rõ nét. Cùng với đó, nhu cầu của thị trường trong nước cũng đang sáng sủa hơn, góp phần kích thích sản xuất, tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Dồn lực cho tăng trưởng
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, các chuyên gia cho rằng có rất nhiều việc cần phải làm.
Chính phủ cũng xác định, mục tiêu tăng trưởng sẽ được ưu tiên hàng đầu trong năm 2024. Phải tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đặc biệt là đầu tư (đầu tư công, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài).
Ngoài ra, phải tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ…
TS Bùi Kiến Thành đề xuất phải tích cực giải quyết những chi phí không chính thức. "Chi phí 1% cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, mà giá thành sản phẩm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cạnh tranh quốc tế. Chi phí không chính thức càng cao, càng ảnh hưởng đến giá thành và cạnh tranh quốc tế”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, cùng với đó làchính sách tiền tệ cũng cần tiếp tục được tháo gỡ: “Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm cung ứng đầy đủ lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Không nhiều quá để sinh ra lạm phát, cũng không ít quá để sinh ra thiểu phát và phải bảo đảm lãi xuất hợp lý trong trung hạn và dài hạn”, ông Thành nêu ý kiến.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, cần phải có nỗ lực từ nội tại nền kinh tế và sự tác động từ môi trường bên ngoài. Hiện môi trường bên ngoài đang có dấu hiệu tích cực với nguy cơ suy thoái kinh tế thấp, sức tăng trưởng của các đối tác của Việt Nam từng bước phục hồi. Bên cạnh đó là áp lực tài chính tiền tệ cũng giảm nhiều. Với nền kinh tế mở như Việt Nam thì đó là những điều kiện rất tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Do đó, những nỗ lực nội tại là rất quan trọng, cả xã hội cần phải dồn sức lực cho mục tiêu tăng trưởng.
Ngoài ra, nếu muốn GDP tăng trưởng, phải giải quyết dứt điểm các yếu kém đã hiện hữu trong năm 2023. Đó là lãi vay đè nặng lên nguồn tài chính của doanh nghiệp, doanh nghiệp đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu đơn hàng do nhiều thị trường xuất khẩu "thắt lưng buộc bụng", kênh huy động vốn (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp) gặp sự cố, nhà đầu tư mất niềm tin, thị trường bất động sản trầm lắng, đầu tư công chậm chạp...
Nếu những hạn chế này được tập trung khắc phục thì mục tiêu GDP tăng trưởng 6,5% trong năm 2024 hoàn toàn có thể đạt được.
Bình luận