Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam đang sử dụng phần lớn túi nilon tái chế gây nhiều nguy cơ nhiễm chì, cadimi cho người sử dụng.
Túi nilon có 2 loại, loại thứ nhất được sản xuất từ 100% các hạt nhựa PV và PP nguyên sinh từ dầu mỏ nguyên chất. Loại nhựa này không gây độc hại cho con người.
Loại thứ hai, loại chúng ta đang dùng phổ biến, chính là túi nilon tái chế từ nhiều sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Trong đó, thậm chí có cả hộp thùng sơn, lọ tẩy bồn cầu... Trong quá trình tái chế, nhựa thủ công sẽ hấp thu các kim loại nặng như cadimi, chì (là những chất dẫn đến bệnh ung thư).
Theo PGS Thịnh, quá trình thôi nhiễm chất độc từ túi nilon diễn ra mạnh hơn khi chịu tác động lớn của nhiệt. Túi để đựng thực phẩm nóng như sữa đậu nóng, nước ngô, nước canh, cơm ở 78 - 80 độ C khiến các chất phụ gia làm mềm, dẻo, dai túi nilon, gây phản ứng phụ và dễ dàng thôi nhiễm chất độc vào thức ăn.
Một trong những chất đó là chất DOP (dioctin phatalat) giống như hormon nữ. Vì thế rất có hại cho nam giới và trẻ em. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ nguy cơ dậy thì sớm.
Chuyên gia lưu ý, tuyệt đối không dùng màng bọc thực phẩm nilon lên bề mặt thức ăn để hâm nóng trong lò vi sóng. Sau khi bị quay nóng trong lò vi sóng tới 300 - 500 độ C, các màng bọc nilon này bị chảy và chất dẻo sẽ dính vào thức ăn.
Để sử dụng túi nilon an toàn, người dân nên chọn các loại túi không màu, có độ trong, bóng cao, màu sắc sáng tươi, bề mặt sản phẩm không bị nhám, xước. Hạn chế sử dụng đồ nhựa để đựng thức ăn nóng, chua, cay.
Các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đang nghiên cứu để tạo ra chất dẻo làm túi phối trộn 60% nhựa thông thường với 30% lượng tinh bột (thường là bột mỳ). Loại túi này chỉ mất 3-5 năm sẽ phân hủy được, không phải mất tới 500 năm như túi ni lông tái chế đang dùng. Dự kiến, sản phẩm này sẽ có giá cao hơn túi nilon và sẽ được sử dụng phổ biến trong tương lai.
Bình luận