Có lẽ tôi đã mất tất cả rồi!
Gặp tôi trong một buổi chiều trong khuôn viên của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chị Hoàng Thị Phương, bác sĩ làm việc tại khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện rơi nước mắt xúc động kể lại câu chuyện của đời mình, một bước ngoặt mà có lẽ chị sẽ chẳng bao giờ quên.
Trước mắt tôi là một người phụ nữ mới bước sang tuổi 30, tràn đầy cảm xúc nhiệt huyết của tuổi thanh xuân phơi phới với bao ước nguyện của cuộc đời. Nhìn chị không phải ai có thể tin được, người phụ nữ ấy vừa trải qua một biến cố kinh hoàng và biến thành một con người chán ghét cuộc sống tới cùng cực.
Hôm đó, là một ngày làm việc như bao ngày khác tại khoa Tai Mũi Họng, của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chị Phương trở về nhà với triệu chứng sốt, đau một bên quai hàm.
Bằng kinh nghiệm của một người bác sĩ, chị có liên lạc với BS Nguyễn Minh Ngọc – Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để được trợ giúp.
Và rồi, điều gì cần đến cũng phải đến, sau khi xét nghiệm, chị được xác định bị mắc bệnh quai bị, nguyên nhân có thể do lây từ một người bệnh nhân nào đó, trong quá trình điều trị cho người bệnh.
Rất nhanh chóng, ngay hôm sau chị Phương được điều trị với tất cả những phương pháp tối tân hiện đại nhất bệnh viện có lúc bấy giờ. Nhưng thật không may, chị lại trở thành người đen đủi nhất khi bị biến chứng mất đi thính lực một bên tai.
Tai họa chưa hết, một ngày sau khi biết một tai bị điếc, bác sĩ Phương tiếp tục nhận tin dữ. Chị đang giảm thính lực bên tai còn lại. Chỉ trong thời gian ngắn, chị bị điếc hoàn toàn 2 bên tai mà không cách nào cứu vãn. Lúc này, người phụ nữ đang tuổi xanh xuân ấy, bắt đầu gục ngã, nước mắt của chị rơi đầy tuyệt vọng.
“Là bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, giờ tại gặp chính vấn đề về tai, tôi hiểu lắm chứ. Tôi phải đối diện thế nào với tình trạng hai bên không nghe thấy. Rồi tôi sẽ phải đối diện với gia đình, đồng nghiệp, bệnh nhân và chính mình như thế nào. Rồi sự nghiệp, những ước mơ còn dang dở... Có lẽ tôi đã mất tất cả rồi”, chị Phương kể lại.
Tột cùng của sự khổ đau
Một người bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân, nay bị lâm bệnh, chị Phương nào có thể trách ai, chỉ trách sao số phận mình lại khổ, sự nghiệt ngã lại tới với mình khi mới chỉ 28.
Bác sĩ Phương kể: "Đau xót lắm, khi bị điếc hoàn toàn hai bên tai cũng là lúc tôi vừa mới sinh con được vài tháng. Nhiều lần con thơ khóc ngằn ngặt đòi mẹ, trong khi mẹ "vô tư" không nghe thấy gì, lòng tôi như thắt lại.
Đã có lúc tôi tuyệt vọng, cảm giác như mọi thứ đóng sập trước mắt mình. Thời điểm đó tôi còn khá trẻ, mới bước sang tuổi 28, còn bao nhiêu dự định ấp ủ cho tương lai, cho chồng con và gia đình mà giờ đây bị bỏ dở. Tôi thực sự rất đau đớn”.
Cuộc sống vốn dĩ thật trớ trêu, “sinh nghề tử nghiệp” vốn là quan niệm khắc nghiệt từ xưa tới nay vừa để cảnh báo vừa để răn dạy mọi người. Nhưng đối với bác sĩ Phương, hoàn cảnh của chị như gắn liền với câu nói đó.
Theo chia sẻ của các đồng nghiệp, trước khi bị bệnh, chị là một bác sĩ trẻ, có tài và luôn tận tụy với công việc. Không chỉ có vậy, chị còn được trời phú cho có một ngoại hình xinh đẹp và giọng hát hay như chim họa mi. Mỗi khi chị cất tiếng ca :"Ai nghe cũng yêu, cũng quý"...
Nhưng thật buồn, tạo hóa lại thích đùa giỡn trêu ngươi con người, từ sau khi gặp biến cố, không ai còn được nghe chị hát nữa, mọi thứ thay đổi, trầm lặng và đầy phiền muộn.
“Người điếc thường sống rất tách biệt với tất cả mọi người, tôi cũng vậy, chỉ thích đọc sách, ngồi xem phim một mình. Đó không hẳn là trầm cảm nhưng là sự khủng hoảng về tinh thần, rất buồn. Khi nghĩ tới nhiều điều tiếc nuối, dở dang tôi lại khóc, khóc rất nhiều”, chị Phương tâm sự với hai hàng nước mắt rưng rưng.
Vỡ òa khi nghe tiếng con gọi “Mẹ”
6 tháng trời kể từ khi bị điếc hoàn toàn, người bác sĩ 28 tuổi cũng có từng ấy thời gian dằn vặt với nỗi đau không gì bù đắp nổi. Hàng ngày, chị âm thầm chịu đựng những dằn vặt về tinh thần đè nén lên thân xác. Nhưng, nhìn con chị bắt đầu gượng lên và nuôi hi vọng sống, chị học cách giao tiếp bằng điện thoại và tập làm quen với giao tiếp bằng tay thay cho lời nói.
Rồi thời gian trôi đi, ông trời cũng xót xa cho chị. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nơi chị công tác có phối hợp với một số bệnh viện khác, thực hiện cấy ghép điện cực ốc tai điều trị điếc cho các bệnh nhân. Chị xung phong làm người đầu tiên thử nghiệm kỹ thuật mới này.
Nói về quyết định này của đồng nghiệp, BS Nguyễn Minh Ngọc – Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Lúc đó, cấy điện cực ốc tai trên thế giới không phải hiếm, nhưng ở bệnh viện 108 thì còn khá mới mẻ, chưa được thực hiện. Ngoài ra, để làm được kỹ thuật này không phải dễ, thiết bị đó rất kén chọn bệnh nhân, không phải ai cũng có thể thành công, cho nên quyết định đó của bác sĩ Phương là khá dũng cảm”.
Và rồi, tạo hóa không phụ người, giây phút chị cảm giác được âm thanh cũng là lúc chồng chị và các bác sĩ vỡ òa trong hạnh phúc. Còn chị thì chỉ biết khóc, khóc nhiều hơn cả lúc chị dằn vặt, quằn quại trọng "địa ngục" từng rơi vào trước đó.
Chị kể: "Những ai từng làm mẹ chắc hẳn sẽ biết cảm giác hạnh phúc khi con gọi mẹ lần đầu tiên. Nhưng với tôi, khoảnh khắc nghe được tiếng con khóc, nghe thấy con gọi mẹ chính là niềm hạnh phúc của cả cuộc đời.
Trong suốt thời gian bị bệnh, tôi luôn nghĩ về con, về những dự định cho con trong tương lai. Tôi nghĩ với tình trạng của tôi, con khóc tôi còn không hay huống chi là được nghe con gọi tiếng: 'Mẹ ơi'".
“Người ta thường nói điếc thường đi kèm với câm, bản thân tôi đã mất hoàn toàn tín hiệu âm thanh trong hơn nửa năm trời, nên khi nghe được, tôi lại bắt đầu tập nói như những đứa trẻ.
Nếu gặp tôi khi đó, một người phụ nữ khỏe mạnh, 28 - 29 tuổi đầu bắt đầu tập phát âm từng từ sao cho đúng bạn sẽ thấy nực cười lắm. Tôi đã mất tháng 6 tháng để học lại giao tiếp âm thanh, hàng ngày phải tập nói, tập cầm văn bản để đọc, dần dần giọng nói cải thiện tốt hơn”, BS Phương kể lại.
Thông tin cho PV. VTC News, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Ngày 12/9, tại Khu khám và điều trị theo yêu cầu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bác sĩ Hoàng Thị P chính thức được trở lại vị trí là bác sĩ điều trị Tai Mũi Họng, với tư cách là một chuyên viên thính học.
Cũng trong ngày 12/9, bác sĩ P. trực tiếp bật máy cấy điện cực ốc tai thành công, cho một bệnh nhân N.B.N 20 tuổi, bị điếc bẩm sinh.
Từ một bác sĩ trở thành bệnh nhân, bác sĩ Phương cho biết, ngay lúc này chị thấu hiểu hơn bất kỳ ai về nỗi khổ mà người bệnh mất thính lực phải chịu đựng. Chị không con ham muốn hay đòi hỏi gì quá nhiều, mà nhìn mọi thứ nhẹ nhàng, thoải mái hơn, thấy thứ quan trọng nhất là hạnh phúc. Niềm vui của chị là làm được gì đó cho bệnh nhân và đóng góp gì đó cho cuộc đời này.
Video: Giây phút xúc động, nữ bác sĩ điếc hoàn toàn 2 tai lấy lại được thính giác
Bình luận