Trong số các nước kêu gọi công dân rời Ukraine có Đức, Italy, Anh, Ireland, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Canada, Na Uy, Estonia, Litva, Bulgaria, Slovenia, Australia, Nhật Bản, Israel, Ả Rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Pháp đã khuyến cáo người dân nước này không nên đến các khu vực biên giới phía bắc và đông Ukraine, song không yêu cầu rời khỏi nước này.
Romania - quốc gia có biên giới với Ukraine, đặc biệt khuyến cáo công dân tránh đến Ukraine và "xem xét lại nhu cầu ở lại" nếu đã đến. Romania cũng đã rút các nhân viên ngoại giao không thiết yếu khỏi đại sứ quán ở Kiev.
Phía Nga cũng đã triệu hồi một số nhân viên ngoại giao do lo ngại điều mà nước này gọi là "các hành động khiêu khích" khỏi Kiev vào cuối tuần trước.
Trong khi đó, Canada và Australia cũng đóng cửa đại sứ quán ở Kiev, chuyển các hoạt động ngoại giao đến Lviv. Liên minh châu Âu (EU) khuyến nghị nhân viên ngoại giao không thiết yếu tại Kiev rời Ukraine và ưu tiên làm việc từ xa ở nước ngoài. Còn Israel đã sơ tán gia đình của các nhà ngoại giao và nhân viên đại sứ quán khỏi Kiev.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi công dân nước này ở Ukraine lập tức rời đi do "mối đe dọa gia tăng về hành động quân sự của Nga".
Mỹ đã lệnh rút hầu hết nhân viên ngoại giao của họ ở Kiev. Washington nói rằng một cuộc tấn công của Nga có thể bắt đầu "bất cứ lúc nào". Tuy nhiên, Washington sẽ duy trì sự hiện diện lãnh sự ở thành phố Lviv phía tây Ukraine.
Hôm 12/2, hãng hàng không Hà Lan KLM thông báo sẽ ngừng các chuyến bay đến Ukraine cho đến khi có thông báo mới.
Tuy nhiên, Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine hôm 13/2 nhấn mạnh nước này sẽ không đóng cửa không phận bất chấp những cảnh báo từ phương Tây về nguy cơ Nga tấn công.
Động thái kêu gọi dân rời khỏi Ukraine của các nước diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự Nga - Ukraine gia tăng thời gian gần đây. Mỹ và đồng minh cho rằng Nga đã dồn đủ quân sát biên giới, sẵn sàng tấn công Kiev bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, Moskva nhiều lần bác cáo buộc này.
Bình luận