Quân sự

Xung đột Nga-Ukraine thay đổi cách thế giới chi mua vũ khí?

Thứ Năm, 31/03/2022 09:41:00 +07:00

(VTC News) - Chiến sự Nga-Ukraine có thể kéo theo sự thay đổi trong ưu tiên và hình thức mua sắm trang thiết bị quốc phòng.

Xung đột Nga-Ukraine dường như kéo theo làn sóng tăng chi tiêu quốc phòng trên thế giới. Ngoài ra, theo các chuyên gia, xung đột còn có thể làm thay đổi các trào lưu mua sắm quân sự, với sự quan tâm đến các loại vũ khí và hình thức mua sắm mới.

Ông Arjun Sreekumar, chuyên gia về lĩnh vực hàng không và quốc phòng cho rằng giống như nhiều xung đột khác từng diễn ra, chiến sự Nga-Ukraine có thể dẫn đến những thay đổi trong “cán cân mua sắm”, và các nhà lãnh đạo nên sẵn sàng cho sự thay đổi này. “Ví dụ, việc triển khai thiết bị tác chiến điện tử của Nga ở Ukraine vào năm 2014, và sau đó là ở Syria, đã thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển và áp dụng các giải pháp liên lạc hoạt động trong môi trường không sử dụng GPS”.

Xung đột Nga-Ukraine thay đổi cách thế giới chi mua vũ khí? - 1

Máy bay không người lái Bayraktar TB2. (Ảnh: Savunmahaber)

UAV – “bộ mặt” chiến tranh hiện đại?

Những ngày đầu xung đột, máy bay không người lái (UAV) được nhắc đến nhiều ở Ukraine.

UAV giờ đây không nhất thiết là một phương tiện để sử dụng vũ lực, mà là để nâng cao khả năng của các hoạt động quân sự và tình báo. Theo Trung tướng không quân Mỹ đã nghỉ hưu Dave Deptula trả lời Kathimerini, tác động của UAV trong tương lai sẽ có thể giống như câu quảng cáo: “Chúng tôi không làm ra những thứ bạn sử dụng, mà làm cho những thứ bạn sử dụng tốt hơn”.

Về cơ bản, những tác động của UAV bao gồm: Tăng hiệu quả - cho phép quan sát, đánh giá và sau đó hành động nhanh hoặc dành tất cả thời gian cần thiết để chắc chắn trước khi có một hành động cụ thể. Bất khả xâm phạm một cách tương đối - cho phép dùng sức mạnh mà không để lộ những lỗ hổng có thể bị tấn công như các hệ thống có người. Chính xác – sử dụng vũ lực theo cách giảm thiệt hại tài sản và giảm thiểu thương vong. Chi phí thấp – giúp trang bị số lượng lớn và có thể áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương.

UAV cũng có thể điều khiển từ khoảng cách xa. Giao tiếp giữa máy bay không người lái và bộ điều khiển thường thông qua tín hiệu radio, wifi hoặc GPS. Loại và cường độ của hình thức giao tiếp ảnh hưởng đến khoảng cách mà loại thiết bị này có thể bay, nhưng một số UAV có tầm bay xa nhất có thể di chuyển đến hàng chục km.

Vì vậy, UAV mang lại cho người sử dụng một lợi thế lớn so với các đối thủ không sở hữu chúng.

Xung đột Nga-Ukraine thay đổi cách thế giới chi mua vũ khí? - 2

Một chiếc máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được trưng bày ở Kiev, Ukraine, tháng 8/2021. (Ảnh: AP)

Với xung đột tại Ukraine, việc Kiev sử dụng thành công máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp Ankara có được nhiều đơn đặt hàng hơn với các thiết bị tương tự, trong khi những nhà phát triển quân sự khác tại thị trường phương Tây “thấp thỏm”.

Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói các lực lượng Ukraine đã sử dụng thành công những chiếc Bayraktars có vũ trang để thực hiện một số cuộc tấn công Nga (các báo cáo về việc quân đội Nga sử dụng máy bay không người lái về sau cũng xuất hiện nhiều hơn). Máy bay không người lái này cũng được sử dụng để trinh sát, tìm kiếm mục tiêu cho quân Ukraine. Thành công và sự chú ý của giới truyền thông với TB2 như vậy sẽ có lợi cho Baykar - nhà sản xuất thiết bị, trong bối cảnh một số quốc gia đang muốn mua lại các phi đội UCAV mới.

Thổ Nhĩ Kỳ còn có máy bay không người lái Anka của Turkish Aerospace Industries và máy bay không người lái chiến lược tầm cao, tầm xa (High Altitude Long Endurance - HALE) của Baykar Akinci, cho khách hàng tùy chọn các hỗn hợp UAV/UCAV đa dạng, phù hợp với nhu cầu hoạt động của họ. Tuy nhiên, mới chỉ có TB2 đã chứng minh được khả năng chiến đấu rộng rãi.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, trước xung đột, giải pháp UCAV truyền thống được một số bên mua ưa chuộng là MQ-9 Reaper của General Atomics, Mỹ hoặc các phiên bản tương tự. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Đài Loan đã cố gắng mua một số đơn vị MQ-9, nhưng quá trình sắm sửa các thiết bị tiên tiến này cần nhiều thời gian và đôi khi tương đối rắc rối. Mỹ cần Bộ ngoại giao thông qua trước khi bán thiết bị quân sự cho nước ngoài, và điều đó có thể dễ gây ra những lo ngại về chính trị. Ngoài ra các giao thức an ninh Washington áp dụng đối với các nhà khai thác UCAV nước ngoài được cho là rất phức tạp và có thể hạn chế hoạt động.

Xung đột Nga-Ukraine thay đổi cách thế giới chi mua vũ khí? - 3

MQ-9 Reaper. (Ảnh: AF.mil)

Hệ thống bảo vệ và ngụy trang

Một “lĩnh vực đầu tư” tiềm năng khác nổi lên trong xung đột Ukraine là các hệ thống bảo vệ chủ động tiên tiến (APS) và các giải pháp ngụy trang tiên tiến.

Quân đội Ukraine được cho là đã thách thức cuộc tấn công của thiết giáp Nga, phá hủy một số xe tăng và xe bọc thép bằng tổ hợp tên lửa Javelin và “vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới” (NLAW). Theo chuyên gia, một số xe tăng trong số này trang bị APS cũ, không có khả năng chống lại các hệ thống tên lửa dẫn đường hiện đại và không được trang bị các giải pháp ngụy trang phù hợp.

Vì vậy, làn sóng hiện đại hóa xe tăng/xe chiến đấu bộ binh chủ lực tiếp theo ở một số quốc gia có thể chú trọng vào nâng cấp APS và ngụy trang, dấu hiệu tốt cho các công ty cung cấp giải pháp ngụy trang/APS như Rafael và Saab.

Mua nhanh sắm gọn, phòng thủ tập thể

Phương thức mua sắm thiết bị quân sự ở châu Âu cũng được dự đoán là sẽ thay đổi do xung đột.

Các quốc gia như Đức, vốn có truyền thống ủng hộ các chương trình mua sắm quân sự chung tốn nhiều thời gian, có thể trở nên cởi mở hơn với việc mua hàng ngay để cải thiện khả năng của họ. Nếu vậy Đức có thể phải xem xét các nhà cung cấp quân sự phi truyền thống và đa dạng hóa danh mục thiết bị của mình. Trong trường hợp này, ngành công nghiệp quốc phòng Israel có thể được hưởng lợi và trở thành một nhà cung cấp được ưa chuộng, vì Israel đã cho Đức thuê UAV.

Một sự thay đổi khác có thể đến từ khu vực Bắc Âu. Na Uy và Thụy Điển, vốn trước đó giảm bớt hợp tác trong các hoạt động mua sắm chung, có thể bắt tay trở lại vào các hoạt động mua sắm tập thể để cải thiện khả năng tương tác của thiết bị quốc phòng chống lại đối thủ. Ở đây các nhà cung cấp đưa ra được các giải pháp phù hợp hơn cho “phòng thủ tập thể” có thể giành được hợp đồng.

Các xung đột thường gây ra những thay đổi vĩnh viễn trong phương trình cung - cầu đối với khí tài quân sự và các giải pháp liên quan, khi các quốc gia đánh giá lại các bài học kinh nghiệm - có thể về chính trị, kinh tế hoặc công nghệ. Xung đột Nga-Ukraine dường như cũng không nằm ngoài vòng xoáy này khi những diễn biến mới tác động đến loạt hoạt động chi tiêu quốc phòng.

Phương Anh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn