• Zalo

'Rau có sâu chưa chắc an toàn'

Kinh tếThứ Hai, 02/07/2012 06:49:00 +07:00Google News

(VTC News) – Tại Hà Nội, hơn 80% cơ sở sơ chế và bao gói rau, quả tươi không đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP).

(VTC News) – Theo kết quả từ một cuộc điều tra mới đây, tại Hà Nội, hơn 80% cơ sở sơ chế và bao gói rau, quả tươi không đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP).


Rau có sâu chưa chắc đã an toàn


Trong khuôn khổ dự án hợp tác với VECO, tổ chức phi Chính phủ của Vương quốc Bỉ, tháng 11/2011 Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đã tổ chức một cuộc điều tra về nhận thức của người tiêu dùng về rau an toàn (RAT) tại 6 tỉnh và thành phố phía Bắc, gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Bình.

Theo đó, ngay tại Hà Nội, nơi được coi là có trình độ hiểu biết cao về tiêu dùng, nhưng có đến hơn 90% NTD được hỏi không thể phân biệt được giữa RAT và rau không an toàn bằng mắt thường.

Rau có sâu chưa chắc đã an toàn 

Hà Nội là địa phương đi đầu về phong trào sản xuất rau an toàn nhưng, diện tích RAT mới chỉ có 68,3 ha và 312 ha có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Không chỉ thế, hơn 80% cơ sở sơ chế và bao gói rau, quả tươi không đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP).


Nhiều người tiêu dùng dựa vào cảm quan và hình thức khi cho rằng rau tươi, xanh, không có sâu cũng là rau an toàn. Trái lại có NTD cho rằng rau có sâu là biểu hiện không bị phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đó là RAT.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Trên thực tế, rau có thể bị ô nhiễm ngoài ý thức chủ quan của người trồng rau khi vùng canh tác bị ô nhiễm bởi chất thải, nước thải chưa qua xử lý từ các khu đô thị, khu công nghiệp, bệnh viện, các vùng có dịch mà xác động vật không được xử lý đúng cách...

Khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều,  điều đáng nói là rất nhiều khu công nghiệp mọc lên giữa những vùng sản xuất nông nghiệp “bờ xôi, ruộng mật” trong khi đó nước thải hầu như chưa được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để.

Nhiều người tiêu dùng chưa có khả năng "tự vệ" trước những loại rau không an toàn 

Cũng không ít trường hợp người sản xuất vì hám lợi đã xem thường sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng các hóa chất độc hại như chất kích thích nảy mầm để làm giá đỗ, cho tỷ lệ nảy mầm cao hơn, chất bảo quản để hoa quả tươi lâu, hình thức bắt mắt, hoặc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ không đúng quy định, thậm chí dùng thuốc BVTV ngoài danh mục được phép sử dụng dẫn đến tồn dư thuốc BVTV trên rau, quả gây mất an toàn cho người sử dụng.


Đặc biệt nhiều nơi, người sản xuất vẫn giữ tập quán bón phân chưa phân hủy, gây ô nhiễm vi sinh vật và ký sinh trùng cho rau. Những cửa hàng bán rau sạch nhưng nguồn gốc lại không rõ ràng thì chưa hẳn đã là RAT.
Có  thể nói, hiện nay việc cung ứng rau xanh mới đáp ứng về số lượng, còn về chất lượng mới kiểm soát được một phần nhỏ”.

Bất lực nhìn rau không an toàn “lộng hành”?

TS. Đào Thế Anh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp cho biết, mặc dù nhiều chương trình, dự án thúc đẩy mặt hàng này, nhưng đến cuối năm 2010, diện tích rau có kiểm soát chất lượng trên toàn quốc chỉ là xấp xỉ 0,1%. Đến năm 2012, diện tích này không những không tăng mà còn bị giảm đi.

Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT, với hơn 2,4 triệu người, nhu cầu rau ở khu vực nội thành Hà Nội rất lớn – khoảng 1.500 tấn mỗi ngày và đặc biệt tăng cao trong dịp lễ tết. Tuy nhiên, sản lượng rau an toàn cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 14% nhu cầu của người tiêu dùng.

Thế nên mới có chuyện, nhiều sản phẩm “rau thường” bị các nhà kinh doanh lợi dụng “hô biến” thành rau sạch để đánh lừa người tiêu dùng, và các bà nội trợ hàng ngày vẫn đưa vào bữa ăn gia đình cái gọi là “rau sạch” nhưng chất lượng rau như thế nào thì… chẳng ai biết.

 

Một trong những khó khăn khiến RAT chưa thể tới tay nhiều người tiêu dùng đó là diện tích sản xuất RAT manh mún, nhỏ (trung bình chưa đến 1.000 m2/hộ) trong khi chi phí chứng nhận lớn.


Ngoài ra, người trồng rau thường là những lao động có trình độ thấp, hoặc ở độ tuổi cao nên khó nắm bắt, tuân thủ các yêu cầu về sản xuất theo quy trình an toàn. Nói cách khác, các hộ sản xuất quy mô nhỏ khó đáp ứng được các yêu cầu về quản lý chất lượng hiện nay cả về kỹ năng quản lý và chi phí đầu tư.

Bên cạnh đó, phải kể tới “lỗi” của không ít người tiêu dùng tại Việt Nam. Họ luôn ở thế yếu, thiếu thông tin, thiếu kiến thức chuyên môn, chưa có khả năng tự bảo vệ mình trước những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo VSATTP.

 

Một số chuyên gia về VSATTP cho rằng, các tổ chức xã hội của người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng lại thiếu các phân hội chuyên ngành, các chi hội cơ sở, các tổ chức trực thuộc ở cấp huyện, xã hoặc phần lớn người tiêu dùng chưa biết đến vai trò của hội cũng là một trong những tác nhân khiến rau không an toàn còn nhiều “đất” để lộng hành.


Trước thực trạng này, ông Hùng khuyến nghị: “Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có quyền được an toàn, quyền được thông tin, VINASTAS rất mong các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi tăng cường hơn nữa biện pháp quản lý và kiểm tra, kiểm soát từ khâu sản xuất đến lưu thông, chế biến.

Người sản xuất, kinh doanh đề cao hơn nữa trách nhiệm và lương tâm trong việc sản xuất, chế biến và cung ứng ra thị trường ngày càng nhiều sản phẩm rau an toàn phục vụ người tiêu dùng, trong đó có bản thân và gia đình mình”.


Minh Quân


Bình luận
vtcnews.vn