Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 2/6, ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng tình hình Biển Đông không chỉ còn là vấn đề song phương. Vì vậy, Việt Nam cần phải có những tính toán khi lợi ích của các nước lớn đan xen, không để rơi vào thế "đi giữa hai làn đạn".
- Ông đánh giá thế nào khi Mỹ và Trung Quốc đã có những hành động rất cứng rắn liên quan đến diễn biến phức tạp ở Biển Đông hiện nay? Ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là rõ ràng và nước này cũng muốn mở rộng quyền lợi ở Biển Đông.
Nhưng khu vực vùng biển này không phải chỉ có riêng lợi ích của Trung Quốc. Biển Đông là tuyến hàng hải hết sức quan trọng nên nước nào cũng đều có mối quan tâm và lợi ích chung ở đây.
Vì vậy, cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên có chung quyền lợi ở khu vực này. Nếu xảy ra xung đột thì nhiều nước sẽ thiệt hại chứ không chỉ riêng thiệt hại cho Việt Nam.
- Việt Nam sẽ ứng xử thế nào đối với các nước có quyền lợi ở khu vực Biển Đông như hiện nay, thưa ông?
Tôi cho rằng đã là vùng biển quốc tế thì quyền lợi của các nước bình đẳng. Trên vùng biển quốc tế bình đẳng, các nước cần tôn trọng nhau, không có chuyện anh to anh bé. Nhưng nếu là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam bị xâm phạm thì phải bảo vệ trước.
- Hiện nay, cử tri rất băn khoăn về xu hướng quân sự hóa của Trung Quốc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cử tri cũng cho rằng việc làm này còn nghiêm trọng hơn vụ việc giàn khoan Hài Dương 981. Cử tri cho rằng phản ứng của Việt Nam không tương xứng?
Vấn đề này, chúng ta cần nghiên cứ thật kỹ, không khéo mình đứng giữa hai làn đạn. Thực chất ở đây là việc cạnh tranh giữa hai siêu cường.
Vì vậy những vấn đề nào Trung Quốc vi phạm thì Việt Nam cần đấu tranh cương quyết. Tại Hội nghị Shangri-La, đa số các nước đều nêu vấn đề về Biển Đông nên Trung Quốc có vẻ yên ắng hơn.
Những lần trước, Trung Quốc đưa các đoàn đại biểu của Quốc hội, Bộ Ngoại giao nhưng lần này họ đưa Phó tổng đô đốc hải quân nhưng Trung Quốc lại có thái độ rất nhẹ nhàng.
Cá nhân tôi cho rằng, việc giải quyết phải trên phương diện đa phương vì không có nước nào đứng một mình. Cũng không có nước nào cặp đôi với nhau để tồn tại phát triển bền vững cả. Lợi ích là lợi ích chung.
- Tuy nhiên, việc cử tri băn khoăn là cũng có cơ sở, thưa ông?Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: Tùng Đinh)
Giàn khoan Hải Dương 981 vào hẳn trong lãnh hải của mình rồi. Việc cơi nới của Trung Quốc là trên các đảo Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép. Việc này vi phạm luật pháp Quốc tế khi không giữ nguyên hiện trạng. Nên hai cái phản ứng khác nhau ở ở chỗ ấy.
Nghị quyết của Quốc hội muốn ban hành phải có quy trình, sau đó thực hiện. Nghị quyết ra thì phải thực hiện được. Vậy với vấn đề này, ra nghị quyết có thực hiện được không. Đấy là vấn đề phải cân nhắc.
Trong chương trình kỳ họp dự kiến không bàn về vấn đề Biển Đông nhưng trước tình hình phức tạp hiện nay thì Quốc hội có yêu cầu Chính phủ phải báo cáo tình hình biển Đông. Giải pháp của ta đến thời điểm nào chín muồi cần nghiên cứu và làm đúng quy trình làm luật.
- Nếu không thể ra Nghị quyết về Biển Đông, liệu Quốc hội có ra tuyên bố hay thông cáo về vấn đề không, thưa ông?
Có thể ra thông cáo hoặc tuyên bố nhưng phải chờ Quốc hội thảo luận. Theo tôi thì chưa đến mức như thế.
- Việc Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam trong bối cảnh này có tác động thế nào?
Nhu cầu về trang thiết bị vũ khí của Việt Nam sử dụng cho mục đích phòng vệ chính đáng, bảo vệ chủ quyền độc lập. Kinh tế Việt Nam vẫn khó khăn nhưng phải dành một phần nhất định để củng cố năng lực quốc phòng bảo vệ vùng biển chủ quyền, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định phát triển.
Thực chất tiềm lực quốc phòng của nước ta trên biển mình không thiếu, nhưng sử dụng lúc nào, có nên sử dụng hay không hay dùng liệu pháp hòa bình là điều cần phải tính. Nói như thế không phải là chủ quan nhưng khả năng của chúng ta là đảm bảo được.
Bình luận