Năm 2019 là năm thứ tư Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo Tập đoàn đã chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản trị, tạo sự đồng thuận của người lao động Dầu khí.
Thuận lợi và khó khăn khu thực hiện kế hoạch
Những thuận lợi
Tình hình chính trị - xã hội của đất nước ổn định; tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng và Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, Ban/ngành, các Tổ chức đoàn thể Trung ương và các địa phương liên quan.
Bộ máy cơ quan Tập đoàn sau khi tái cấu trúc đã được tinh gọn, giảm bớt khâu trung gian, tính chuyên nghiệp và kỷ cương được thiết lập lại chặt chẽ, công tác quản trị doanh nghiệp được nâng cao; các đơn vị thành viên đã chủ động mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực.
Những khó khăn
Tình hình hoạt động trên biển có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí của Tập đoàn, cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ cuối tháng 3 năm 2018 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã có những tác động tiêu cực không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Giá dầu trung bình thế giới giảm (trên 7 USD/thùng) so với năm 2018.
Trữ lượng, tiềm năng dầu khí ở vùng nước nông không còn nhiều; Khai thác ở các mỏ chủ lực trong năm 2019 đang trong giai đoạn suy kiệt, sản lượng giảm mạnh; Các mỏ khác còn lại đều là những mỏ nhỏ cận biên, điều kiện phát triển, vận hành phức tạp, chi phí cao....
Văn bản pháp luật về dầu khí có nhiều bất cập, chưa thực sự thúc đẩy công tác phát triển dầu khí;
Nhiệm vụ chính trong thời gian tới
Tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước 02 tháng 04 chỉ tiêu quan trọng đó là: gia tăng trữ lượng dầu khí; tổng doanh thu toàn Tập đoàn; nộp NSNN toàn Tập đoàn và lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn. Các chỉ tiêu còn lại đều hoàn thành vượt mức từ 5-8% kế hoạch đề ra. Trong đó, khai thác dầu trong nước vượt 7,5%, khai thác khí vượt 8,0%, sản xuất đạm vượt 8,0%, sản xuất điện vượt 5,5%, xăng dầu vượt 6,2%.
Sản xuất điện 11 tháng năm 2019 ước đạt 20,61 tỷ kWh, bằng 95,4% kế hoạch năm; sản xuất đạm 11 tháng năm 2019 ước đạt 1,416 triệu tấn, bằng 97,9% kế hoạch năm; sản xuất xăng dầu 11 tháng năm 2019 ước đạt 10,523 triệu tấn, bằng 92,7% kế hoạch năm.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 685,01 nghìn tỷ đồng, vượt 11,9% kế hoạch năm. Dự kiến cả năm đạt 708,5 nghìn tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 97,21 nghìn tỷ đồng, vượt 11,1% kế hoạch năm. Dự kiến cả năm đạt 104 nghìn tỷ đồng, vượt 18,8% kế hoạch năm.
Các hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo được triển khai theo kế hoạch đề ra; công tác an ninh, an toàn dầu khí, an toàn môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ trên các công trình dầu khí được giám sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được tích cực triển khai thực hiện theo cam kết. Công tác truyền thông và xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã bám sát nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và đời sống doanh nghiệp, góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu Petrovietnam, tạo sự đồng thuận xã hội đối với vai trò, vị trí của Tập đoàn và đánh giá khách quan của dư luận về nỗ lực, đóng góp của người lao động Dầu khí.
Bình luận