• Zalo

Phong cách ăn Tết bằng cách đấm nhau kỳ lạ ở Peru

Thế giớiThứ Ba, 14/01/2014 07:45:00 +07:00Google News

(VTC News) - Thế giới có hàng trăm kiểu ăn Tết khác nhau nhưng kỳ lạ như cả thị trấn xông vào đấm nhau trả thù những hiềm khích trong năm cũ thì Peru mới có.

(VTC News) - Thế giới có hàng trăm kiểu ăn Tết khác nhau nhưng kỳ lạ như cả thị trấn xông vào đấm nhau trả thù những hiềm khích trong năm cũ thì Peru mới có.

 

 

Đeo lên những chiếc mặt nạ đầy màu sắc, cánh đàn ông ở Peru sẵn sàng nghe lệnh của trọng tài rồi lao vào đấm đá nhau túi bụi.

Khi kết thúc trận đấu, mặt mũi họ sưng lên và rướm máu nhưng đó cũng là lúc họ tay bắt mặt mừng, ôm nhau để cùng bỏ qua những hiềm khích trong năm cũ. Đấy chính là cách người dân ở đây đón năm mới, vô cùng đặc biệt và ấn tượng.

đánh nhau đón năm mới
Một cảnh đánh nhau đón năm mới ở Peru 

Tục lệ ‘đẫm máu’

Mỗi năm, tỉnh Chumbivilcas và một số khu vực khác của Peru lại tổ chức lễ hội Takanakuy vào thời điểm chuẩn bị đón năm mới. Ở độ cao hơn 3.600m so với mặt nước biển, những người đến với lễ hội sẽ hòa mình vào những cuộc vui chơi, ăn uống, ca hát và nhảy múa xuyên ngày đêm.

Điều dễ nhận thấy của lễ hội này là những bộ trang phục nhiều màu sắc và những vũ điệu đậm chất Latin.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất so với các nước láng giềng đó là khi cuộc vui lên đến đỉnh điểm. Những người đàn ông sẽ lao vào ‘tẩn’ nhau thật lực, để giải tỏa những hiềm khích còn lại trong năm cũ, sẵn sàng đón năm mới hòa đồng, đoàn kết hơn.

đánh nhau đón năm mới
Họ lao vào nhau và đánh hết mình để giải quyết ân oán còn lại trong năm cũ 

Khi lễ hội diễn ra đến màn đánh nhau, cả thị trấn sẽ quây quanh sân đấu để xem những màn đánh đấm hết sức bạo lực. Sàn đấu thường là những sân chơi thể thao có sẵn của địa phương, tất cả mọi người đều có thể tham gia, từ người lớn, trẻ nhỏ, đàn ông hay đàn bà đều được.

Tuy nhiên, những trận chiến ‘ác liệt’ nhất thường là giữa các đấng mày râu và đa số là đang say xỉn.

Mục đích của Takanakuy là để giải quyết các khúc mắc của năm cũ, thường là tranh chấp dân sự hoặc mâu thuẫn cá nhân trên sân chơi cộng đồng. Mỗi lần tổ chức Takanakuy là một lần người dân Peru muốn gắn kết nhau hơn và hướng đến sự hòa bình trong năm mới.

Nhưng có vẻ như 365 ngày là quá dài để duy trì ‘nền hòa bình’ trong cộng đồng, thế nên hàng năm giải đấu Takanakuy vẫn có rất nhiều người tham gia.

Takanakuy trong tiếng địa phương có nghĩa là ‘dòng máu đang sôi’. Mặc dù, có cái tên khá bạo lực nhưng cuộc chơi lại là những màn đấu võ với các kỹ thuật truyền thống và không có khả năng đe dọa đến tính mạng người chơi. Mỗi trận đấu thường kéo dài rất nhanh, đa số chưa đến 1 phút đồng hồ.

đánh nhau ở peru
Phụ nữ cũng không kém phần máu lửa 

Đàn ông chủ yếu là sử dụng quả đấm trong khi phụ nữ thì hâu hết là đá và dường như cũng không hiệu quả cho lắm, rất ít chấn thương xảy ra trong các cuộc chiến đấu này.

Giải đấu có các trọng tài theo dõi sát sao trận đấu, ngăn cản không cho những người tham gia sử dụng chiêu xấu với đối phương. Các hành động như nắm tóc, cắn bị cấm hoàn toàn và người chơi không được phép tấn công ai đó đã ngã xuống đất.

Cuối cùng, một trong những quy định nhân văn và phản ánh đúng nhất mục đích của Takanakuy đó là sau khi đánh nhau, mọi người phải bắt tay, ôm nhau giảng hòa trước khi ra khỏi sân đấu.

Họ tin rằng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” là cách xóa bỏ hết những hiềm khích cá nhân trong năm cũ và thắt chặt tinh thần đoàn kết trong năm mới. Dù không mang găng tay hay áo giáp mà chỉ quấn vào tay những tấm khăn với họa tiết truyền thống nhưng rất ít người dân bị chấn thương nghiêm trọng.

Những điều thú vị xung quanh cuộc chơi

Chumbivilcas là tỉnh có Santo Tomas được xem như thủ phủ, nằm sâu trong vùng núi đá của dãy Andes. Đây được xem là vùng nghèo nhất của Peru, nơi không những chia cắt về mặt địa lý với những khu vực phát triển khác của đất nước mà các dịch vụ, lợi ích của Chính phủ cũng không vươn đến được.

Ngoài ra, người ta còn cho rằng, Santo Tomas là nơi mà pháp luật cũng không có tác dụng lắm. Nói vậy là vì cả vùng chỉ có 3 sĩ quan cảnh sát và tòa án gần nhất cách Santo Tomas 12 tiếng đi xe, trên những con đường đầy đá sỏi.

đánh nhau ở peru
Hay những đứa trẻ con có hiềm khích với nhau trong năm cũ cũng tìm đến đây để giải quyết 

Chính vì điều đó, thay vì đưa nhau ra tòa hay tìm cách tống những đối thủ trong các tranh chấp dân sự vào nhà giam, người dân địa phương thường ‘ghi sổ’ các xích mích trong năm và giải quyết trong trận đấu Takanakuy cuối năm.

Những mâu thuẫn chủ yếu của người dân địa phương để giải quyết trong trận đánh này rất đời thường. Đó có thể là tranh chấp tài sản, hận nhau vì bạn trai/bạn gái bị người khác cướp mất, ăn trộm cừu trên bãi chăn thả hay thậm chí là làm đổ bia của nhau trong những cuộc nhậu.

Lý do để lao vào đánh nhau

Tất cả đều nằm trong quy định của Takanakuy. Tuy nhiên, không phải ai tham gia cuộc chiến cũng đều để giải tỏa các mâu thuẫn. Đó có thể chỉ là vì họ đang say rượu.

Một số người trong tham gia vì muốn chứng minh sự can đảm và khả năng chiến đấu, trong khi những người khác muốn nhận được sự tôn trọng của cộng đồng, hoặc đơn giản là làm cho gia đình họ tự hào.

Nhiều người tham gia còn mang theo mặt nạ truyền thống đầy màu sắc, và mặc đồ thú nhồi bông nhằm dọa nạt đối thủ. Một số người rời khỏi trường đấu với thương tích nhẹ nhưng không ai trong số họ thấy tức tối vì họ biết rằng họ sẽ có cơ hội cho một trận tái đấu năm sau.

đánh nhau ở peru
Họ lấy tinh thần và giảm đau bằng rượu 

Trong lễ hội đặc biệt này, ngoài đánh nhau và ca hát, có lẽ thứ mà người dân địa phương quan tâm nhất là rượu. Mỗi dịp Takanakuy được tổ chức là một lượng lớn rượu được tiêu thụ, lý do lớn nhất chính là họ dùng rượu như một loại thuốc kích thích trước trận đấu và thuốc giảm đau sau khi đã ‘nện’ nhau cật lực.

Một điều thú vị nữa đó là, trong khi sân đấu đang sôi sục ý chí chiến đấu, thì những phụ nữ lớn tuổi sẽ đứng bên ngoài và hát những bài ca truyền thống của họ. Cùng với những nhạc cụ cổ điển như đàn hạc, đàn violon là lời hát nói về lòng quả cảm của những người đàn ông: “Con ơi, đừng sợ hãi khi dòng sông kia đang chảy đầy máu”.

Với những người xa lạ, khi chứng kiến lễ hội này có thể xem Takanakuy là biểu hiện của khuynh hướng bạo lực, nhưng đối với người dân Chumbivilcas nó là một phần quan trọng của di sản văn hóa lâu đời.

Chỉ cần ra đấu trường, tặng nhau một cài cú đấm hay đá và sau đó bỏ tất cả mọi thứ lại phía sau và dù trước đó có xảy ra vấn đề gì giữa họ, mâu thuẫn đều được giải quyết ổn thỏa.

 

 

Tùng Đinh
Bình luận
vtcnews.vn