Cuộc hoà đàm chính thức ở Hà Lan hôm nay đã bị dừng sau khi NPA tăng cường phản công ở vùng nông thôn Philippines, Reuters đưa tin.
Ông Jesus Dureza, cố vấn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cho biết các lãnh đạo nhóm ly khai đã yêu cầu quân lính "tăng cường phản công" sau lệnh thiết quân luật được tổng thống ban hành vào 23/5, khi phiến quân thân IS chiếm thành phố Maute.
Phiến quân Maute thân IS không có liên hệ gì với Mặt trận Dân chủ quốc gia (NDF), chi nhánh chính trị của NPA.
Theo ông Dureza, nhóm ly khai đã không đáp lại thương lượng hoà bình của tổng thống. Mặc dù ông Duterte thiện chí muốn đạt được thỏa thuận hoà bình với phiến quân nhưng đã thể hiện sự tức giận khi thấy bạo lực tiếp diễn. Tổng thống nói yêu cầu của NPA là quá mức và ông đã nhượng bộ.
"Các thảo luận chỉ được khôi phục khi có những dấu hiệu rõ ràng rằng một môi trường thuận lợi nhằm đạt được hoà bình bền vững được nêu cao", cố vấn nói.
Trong khi đó, Luis Jalandoni, người phụ trách đàm phán của nhóm nổi dậy, cho biết yêu cầu của chính phủ ngừng các cuộc tấn công là "hài hước" và "không chấp nhận được" vì binh lính chính phủ đang tấn công các khu vực của phiến quân.
Video: IS đánh chiếm Phillippines, nguy cơ khủng bố lây lan toàn Đông Nam Á
Ông Dureza nói ông Duterte đã nỗ lực nhiều để đảm bảo hoà bình bằng cách trả tự do cho hơn 20 lãnh đạo phiến quân và tuyên bố lệnh ngừng bắn đơn phương.
Chính phủ Philippines bày tỏ sự cởi mở về việc tổ chức "đàm phán hoà bình nội địa hóa" vì các lãnh đạo phiến quân, một số sống ở nước ngoài, cho biết họ mất kiểm soát các lực lượng trên thực địa.
Cuộc đàm phán hoà bình có sự kết nối của Na Uy này nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 5 thập kỷ ở Philippines, khiến hơn 40.000 người thiệt mạng.
Đây là lần thứ hai chính phủ Philippines ngừng hoà đàm với NPA do các tay súng tấn công các mục tiêu quân sự và kinh tế, như hầm mỏ và đồn điền.
Việc ngưng hoà đàm diễn ra trong bối cảnh lo ngại về phiến quân thân IS ở miền nam Philippines đang gia tăng.
Bình luận