Các nhà nghiên cứu sử dụng kỹ thuật chụp ảnh 3D độ phân giải cao không xâm lấn gọi là chụp microCT tia X để tìm hiểu các xác ướp động vật hơn 1.000 năm tuổi bên dưới lớp vải quấn. Trong báo cáo đăng trên tạp chí Scientific Reports hôm 20/8, nhóm nghiên cứu ở Đại học Swansea, Anh, mô tả quá trình xem xét ba xác ướp động vật từ bộ sưu tập ở Trung tâm Ai Cập, bao gồm rắn hổ mang, mèo và chim cắt.
Nhóm nghiên cứu cho biết ảnh chụp cắt lớp hé lộ đặc điểm của các con vật. Con rắn hổ mang có thận bị vôi hóa, chứng tỏ nó mắc chứng bệnh gút, thường gặp ở rắn hiện đại nuôi nhốt trong điều kiện kém. Theo Richard Johnston, giáo sư kỹ thuật ở Đại học Swansea, đồng tác giả nghiên cứu, độ tuổi nhỏ của con rắn cho thấy nó được nuôi để hiến tế.
Johnston và cộng sự nhận thấy con rắn hổ mang được ướp xác trong tư thế há to miệng với lượng nhỏ muối natron đặt ở bên trong. Đây có thể là bằng chứng về nghi thức gọi là "mở miệng". Con rắn không có răng nanh. Dù những chiếc răng có thể bị rụng, nhóm nghiên cứu suy đoán chúng bị bẻ đi để tránh gây thương tích cho người ướp xác.
Con rắn hổ mang chưa trưởng thành có vết nứt ở cột sống. Theo các nhà nghiên cứu, cùng với tổn thương ở phần đầu, vết tích này phù hợp với giả thuyết người Ai Cập cổ đại đã túm đuôi nó và quật mạnh xuống bề mặt cứng như quất một chiếc roi.
Đầu của xác ướp mèo không liền với thân và được vẽ mặt nạ mai táng. Dựa vào kết quả scan, nhóm nghiên cứu suy đoán nó chưa tới 18 tuần tuổi và có thể đã được thuần hóa. Nhiều khả năng con mèo bị siết chết để có thể đặt phần đầu thẳng hướng với thân. Ảnh chụp xác ướp chim hé lộ đó có thể là một con cắt lưng hung nhưng nguyên nhân dẫn tới cái chết của nó vẫn là điều bí ẩn.
Người Ai Cập cổ đại thường ướp xác động vật từ chim tới cá sấu, sư tử, bọ hung. Một số con là vật nuôi chôn cất cùng chủ nhưng hàng triệu động vật bị giết và ướp xác để hiến tế cho thần linh.
Bình luận