Nước Pháp không giấu giếm sự tức giận trước việc Australia hủy thỏa thuận sản xuất tàu ngầm và công bố hiệp ước an ninh với Mỹ và Anh. Theo các chuyên gia, điều này sẽ ảnh hưởng đến vai trò của Pháp và châu Âu trong NATO cũng như các mối quan hệ vốn đã căng thẳng.
Pháp ngày 17/9 thông báo triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia. Các quan chức Pháp cáo buộc Australia, Mỹ và Anh hành xử lén lút, lừa dối và xúc phạm nước này.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian cảnh báo: “Tôi nghĩ không phải có mỗi mình chúng tôi. Tất cả vẫn chưa kết thúc đâu”. Ông cho biết Australia thông báo hủy thỏa thuận tàu ngầm với nước này và có thỏa thuận mới với Mỹ và Anh chỉ một giờ trước khi công khai thông tin trong cuộc họp báo.
“Vì thế tôi mới nói rằng đã có sự hai mặt, khinh thường và dối trá, và khi bạn có một đồng minh như Pháp, bạn không được đối xử với họ như vậy”, ông Le Drian nói.
Khi được hỏi liệu có phải tình báo Pháp đã thất bại trong việc phát hiện ra thỏa thuận bí mật hay không, ông trả lời: “Dự án thỏa thuận do Mỹ và Australia khởi xướng là do một nhóm nhỏ quyết định và tôi còn không chắc các bộ trưởng Mỹ và Australia biết về nó".
Trả lời lý do chưa triệu hồi đại sứ tại Anh, nhà ngoại giao Pháp chỉ trích London “chủ nghĩa cơ hội” và “chúng tôi không cần phải tham vấn với đại sứ của mình tại Paris để hiểu mình phải rút ra kết luận gì”.
Phần nổi của tảng băng chìm?
“Đây không chỉ là một mâu thuẫn ngoại giao. Việc triệu hồi các đại sứ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, ông Peter Ricketts, cựu Thư ký Thường trực bộ ngoại giao Anh, cựu đại sứ Anh tại Pháp, trả lời BBC Radio 4.
Ông Richketts bình luận: “Pháp cảm thấy bị phản bội nặng nề vì thỏa thuận bị hủy không chỉ là một thỏa thuận về vũ khí, mà còn là việc Pháp thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với Australia. Giờ Australia lại vứt bỏ điều đó và thỏa thuận sau lưng Pháp với hai đồng minh NATO, Mỹ và Anh, để thay thế bằng một thỏa thuận hoàn toàn khác.
Đối với người Pháp điều đó giống như sự mất niềm tin hoàn toàn giữa các đồng minh và làm dấy lên nghi ngại về NATO. Điều này tạo ra rạn nứt lớn giữa khối liên minh NATO... trong khi Anh cần một liên minh NATO hiệu quả”.
Cũng theo ông Ricketts, các bên có thể đã “đánh giá thấp tác động của sự kiện này đối với Pháp và việc nó sẽ đem lại cảm giác xúc phạm và phản bội như thế nào vào năm Tổng thống Macron có cuộc bầu cử căng thẳng với phe cực hữu”.
Chỉ thị triệu hồi đại sứ Pháp tại Australia và Mỹ do Tổng thống Pháp Macron trực tiếp đưa ra. Người phát ngôn điện Elysée nói “sự nghiêm trọng” của tình hình đã khiến ông phải phản ứng trực tiếp. “Đây không chỉ là vấn đề phá vỡ thỏa thuận và các hậu quả kèm theo, đặc biệt về công việc, đây còn là vấn đề về chiến lược đồng minh. Hành động như vậy giữa các đồng minh là không chấp nhận được”, người phát ngôn nói.
Đây là lần đầu tiên Pháp triệu hồi một đại sứ tại Mỹ. Pháp cũng đã hủy bỏ một sự kiện kỷ niệm mối quan hệ với Mỹ.
Một quan chức Nhà Trắng nói Mỹ lấy làm tiếc về quyết định của Pháp và cho biết Washington đã liên hệ với Paris. Quan chức này cho biết Mỹ những ngày tới sẽ tham gia giải quyết những khác biệt giữa hai nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne nói bà hiểu “sự thất vọng” ở Paris và hy vọng được làm việc với Pháp để đảm bảo rằng nước này hiểu “giá trị mà chúng tôi đặt ra đối với mối quan hệ song phương và công việc mà chúng tôi muốn tiếp tục thực hiện cùng nhau".
Pháp nhấn mạnh “trật tự đa phương” với Ấn Độ
Trong diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đồng ý với người đồng cấp Ấn Độ làm việc để bảo vệ “một trật tự quốc tế đa phương thực sự”, theo bộ ngoại giao Pháp. Hai bộ trưởng ngoại giao có cuộc điện đàm hôm 18/9.
Bộ ngoại giao Pháp đưa ra thông cáo cho biết cả hai đã thảo luận về tình hình ở Afghanistan và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các nhà ngoại giao Pháp và Ấn Độ cam kết tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác chiến lược dựa trên “mối quan hệ tin cậy chính trị giữa hai quốc gia có chủ quyền lớn”. Bộ trưởng Le Drian và bộ trưởng Jaishankar đồng ý gặp nhau tại New York bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần tới.
Bình luận