• Zalo

Phận đời bất hạnh tột cùng của người đàn bà mù ở Hà Nội

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 11/11/2014 06:09:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hàng chục năm qua, bà vẫn thế, sáng vác chổi đi bán,tối mịt mới về, bất kể nắng hay mưa.

(VTC News) - Hàng chục năm qua, bà vẫn thế, sáng vác chổi đi bán, tối mịt mới về, bất kể nắng hay mưa.

Người đàn bà tội nghiệp ấy có tên đầy đủ là Phí Thị Thịnh (SN 1954, trú tại xóm 3 thôn Lưu Xá, Hoài Đức, Hà Nội). Hình ảnh người đàn bà mù lòa, không chồng không con, hàng ngày mò mẫm dậy lúc tờ mờ sáng, mang theo mấy cây chổi tự mình làm ra, chống gậy gõ lạch cạch trên đường làng, đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dân nơi đây.

Hôm chúng tôi đến, bà đang bị ốm, nằm chèo queo một góc. Nghe tiếng người lạ, bà lập cập mò dậy mở cửa. Khi hỏi chuyện cuộc đời, bà ôm mặt khóc rưng rức. Sự khắc khổ in hằn trên những nếp nhăn xô đẩy nhau trên khuôn mặt.


Căn nhà trống hoác, rộng chừng 10 mét vuông, cạnh đó là một đống cây đót khô nằm ngổn ngang. Đã mấy chục năm rồi, đó là nguồn sống của bà. Bà Thịnh bảo, căn phòng này, bà đã sống một mình ở đây được gần 30 năm


Với giọng nói nghẹn ngào, chua xót, bà kể về cuộc đời bất hạnh của mình.


Bà Thịnh xuất thân trong một gia đình thuần nông ở Hoài Đức. Thuở nhỏ, dù mọi người làm việc quanh năm suốt tháng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cái kiếp đói nghèo vẫn cứ bám riết lấy gia đình, bữa cơm độn sắn, bữa đói bữa no, tuổi thơ của bà trôi qua như thế.

Bà Thịnh nghẹn ngào khi kể lại cuộc đời bất hạnh của mình 
Năm 19 tuổi, bà lập gia đình với một người đàn ông tên Phúc, ở Biên Giang (Hà Đông, Hà Tây cũ). Chồng bà làm ngành y, phục vụ trong quân đội. Vợ chồng bà từ lúc gặp đến lúc cưới nhau cũng chỉ trong thời gian 1 tháng, trong lần ông về phép và được người nhà mai mối. Sau đám cưới, bà về sống ở nhà chồng, còn chồng lại tiếp tục lên đường vào miền nam làm nhiệm vụ, sau đó qua Lào.


Suốt quãng thời gian 7 năm, ông Phúc cũng có nhiều lần được về phép, vợ chồng sum họp, nhưng bà vẫn không thể sinh cho ông một đứa con, cũng không biết nguyên nhân từ phía vợ hay chồng.

Bất hạnh nối tiếp bất hạnh, năm 26 tuổi, trong một lần đào ụ pháo cũ trên cánh đồng ở xã Biên Giang, bà gặp tai họa khủng khiếp.

Bà Thịnh kể lại, lúc đó bà thuộc đội sản xuất bên hợp tác xã. Chiều hôm ấy, mọi người nhận nhiệm vụ ra dọn dẹp 2 ụ pháo, san đất trồng cây. Đào được một lúc, bất ngờ bà thấy có tiếng nổ nhỏ trong đống đất phát ra, rồi một luồng hơi xay xè ập thẳng vào mặt.


Bà Thịnh xây xẩm mặt mày ngồi thụp xuống, rồi con mắt trái cứ chảy nước, trong khi những người ở gần đó đều không ai hề hấn gì. Mọi người khuyên bà về nhà nghỉ ngơi.


Đến sáng hôm sau, mắt trái trở nên đau nhức không chịu nổi. Bà sốt cao nằm liệt cả tuần lễ, mắt cứ mờ dần, mờ dần. Lúc những cơn đau chấm dứt, thì con mắt trái gần như không còn nhìn thấy gì nữa. 1 tháng sau, đến lượt mắt phải cũng bắt đầu lâm vào triệu chứng như vậy.


Gia đình tìm mọi cách chạy chữa, cả đông y lẫn tây y, nhưng lần lượt các thầy thuốc khi gặp bà đều lắc đầu, bảo với kỹ thuật thời đó, bệnh này gần như không thể chữa khỏi.


Những lần nhờ người viết thư cho chồng, bà Thịnh không hề nhắc đến việc mình bị bệnh tật, để chồng yên tâm công tác. Câu chuyện của hai vợ chồng qua thư cũng chỉ xoay quanh việc hỏi thăm, động viên nhau cố gắng. Ông Phúc còn dặn dò kỹ lưỡng trong thư: “Em đừng lo nghĩ nhiều về chuyện con cái, chờ anh về, hai vợ chồng sẽ chạy chữa, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Ở ngoài nhiều cặp vợ chồng cũng thế”. Nghe người cháu họ bi bô đọc thư của chồng, bà Thịnh chỉ còn biết ôm mặt khóc nức nở.


Đến cuối năm, ông Phúc về nghỉ hẳn ở nhà, lúc đó bà Thịnh chỉ còn nhìn thấy lờ mờ ở con mắt bên phải. Thấy người vợ của mình mò mẫm ra mở cửa đón chồng trở về, hiểu ra mọi chuyện, ông Phúc cũng chỉ thở dài rồi động viên vợ tiếp tục chạy chữa.


Tuy nhiên, suốt cả năm trời bệnh tình không hề thuyên giảm, cộng thêm buồn phiền về việc vẫn không thể có con, ông Phúc chán nản bỏ đi làm ăn biệt xứ. Không chồng, không con, lại sống trong sự ghẻ lạnh của nhà chồng, bản thân lại mù lòa, bà Thịnh chỉ biết tìm về sống với mẹ đẻ của mình.

Căn phòng nhỏ nơi người đàn bà mù lòa đã sinh sống một mình hàng chục năm nay 
Căn phòng tuềnh toàng chả có gì ngoài những cây đót khô để bà Thịnh bện chổi mang đi bán 
Đến năm 1985, mẹ bà bán nốt mảnh vườn cuối cùng để lấy tiền chạy chữa cho con gái, cộng thêm sự giúp đỡ của mấy anh em trong nhà. Ca mổ thành công, bà mong mỏi ông Phúc trở về với mình, nhưng nhận được tin chồng đã mất, bà Thịnh đau đớn tiếp tục ngã bệnh. Một thời gian ngắn sau, đến lượt mẹ cũng mất. Bao nhiêu bất hạnh dồn nén, đôi mắt bà lại trở nên mù lòa.


Đến lúc hồi phục sức khỏe có thể đứng dậy đi lại được, thì cũng là lúc quanh bà không còn người thân thích, các anh em đều lấy vợ lấy chồng sinh sống ở xa, thỉnh thoảng mới có điều kiện tạt qua thăm người em gái bất hạnh. Mọi sinh hoạt của bà đều nhờ những người hàng xóm láng giềng tốt bụng giúp đỡ.


Mù lòa, chả làm được gì, sẵn có cái nghề đan chổi được học từ hồi trước, nên bà vin vào đó kiếm sống. Bà nhờ mọi người thu gom cây đót về cho mình, rồi rờ rẫm từng tý một. Để bện được một cái chổi, bà mất vài tiếng đồng hồ buổi tối. Sáng dậy bà lại mang đi rao bán khắp làng, lấy công việc đó làm nguồn mưu sinh cho bản thân.

Hàng chục năm qua, bà Thịnh vẫn thế, cặm cụi chống gậy đi bán từng cái chổi 
Có người cho thêm tiền, nhưng cũng có người đến tận nhà mua chổi, rồi trả cho bà những đồng tiền cũ nát, không còn giá trị sử dụng. Thậm chí, có lần ngoài đường, có người gọi bà lại mua hẳn 5 cái chổi, và đưa tiền bảo đó là tờ 50 nghìn đồng, về đến nhà nhờ hàng xóm xem cho, mới biết đó là tiền giả.


Mặc dù vậy, bà Thịnh vẫn suốt ngày cần mẫn, cặm cụi. Hàng chục năm qua, bà vẫn thế, sáng vác chổi đi bán, tối mịt mới về, bất kể nắng hay mưa. Về sau, bà có thêm một số tiền hỗ trợ của nhà nước dành cho người khuyết tật, cộng với tiền bán chổi, cũng đủ cho bà mua gạo, mua thức ăn sống qua ngày, dù chỉ toàn ăn cơm với rau dưa.


Tôi hỏi bà sống một mình như thế, lại mù lòa, không sợ trộm cướp sẽ lấy đi những đồng tiền cuối cùng. Bà Thịnh cười cho biết, bản thân mình cũng chả còn cái gì để mà phải sợ trộm cướp cả.


Thời gian gần đây, bà bị đau tim, lại thêm bệnh tê thấp, nên sức khỏe giảm sút hẳn, đau ốm liên miên. Mọi người có ý kiến bảo bà Thịnh lên ở nhà dưỡng lão, nhưng bà không muốn đi. Bà bảo dù sao cũng quen với căn phòng 10 mét vuông ở đây rồi, đang còn những người hàng xóm tốt bụng. Còn sức, bà còn tiếp tục đan chổi, tiếp tục đi bán.


Với bà, có lẽ niềm an ủi duy nhất là được nghe tiếng trẻ con trong làng vui đùa, được trò chuyện với hàng xóm mỗi khi họ rảnh việc qua thăm. Nhưng khi bệnh tật ngày một nhiều, bà sợ một ngày nào đó, bà sẽ không thể đứng dậy được nữa, không thể nghe thấy những âm thanh quen thuộc của cuộc sống xung quanh mình, thứ duy nhất mà người đàn bà mù lòa bất hạnh này còn cảm nhận được, khiến bà có thể cười.


Hải Minh

Bình luận
vtcnews.vn