• Zalo

Ông chủ Air Asia và thảm hoạ hàng không QZ8501

Kinh tếChủ Nhật, 23/08/2015 11:26:00 +07:00Google News

Tham hoa hang khong QZ8501: Ông chủ Air Asia, Tony Fernandes lao đao khi Air Asia đối mặt với thảm hoạ hàng không QZ8501 vì vậy ông chủ Air Asia đã lên tiếng

Tony Fernandes, ông chủ Air Asia lao đao khi Air Asia đối mặt với thảm hoạ hàng không QZ8501.

Là người giàu thứ 33 của Malaysia trong 2015 với tài sản 530 triệu đôla Mỹ, ông chủ Air Asia, Tony Fernandes đang sở hữu đa số cổ phần Air Asia - hãng hàng không lớn nhất châu Á về số lượng khách. Ông được giới hàng không đánh giá cao trong quá trình xử lý khủng hoảng sau tai nạn của Air Asia Indonesia tháng 12/2014. Đến Việt Nam hôm 17/8 để tham dự diễn đàn kinh doanh do Forbes tổ chức, ông không giấu sự xúc động khi nhắc tới chuyến bay định mệnh QZ8501.

“Chuyến bay QZ8501 là thảm họa tồi tệ nhất cuộc đời tôi từ trước tới nay. Sự cố xảy ra ngay hôm chủ nhật, ngày mà tôi dẫn con đi chơi ở bên ngoài. Khi nhận được cuộc gọi từ tổng hành dinh, một cảm xúc khó tả bùng lên và bủa vây tôi. Tôi không tin chuyện đó có thể xảy ra”, ông Tony Fernandes bộc bạch.

Ông Tony Fernandes tại trấn an tinh thần người thân của những nạn nhân xấu số. Ảnh: AP.
Ông Tony Fernandes tại trấn an tinh thần người thân của những nạn nhân xấu số. Ảnh: AP. 
Một ngày sau sự cố, hãng nổ ra cuộc tranh luận gay gắt. Rất nhiều người đề nghị ông thoái vị, trong đó, có cả luật sư tư vấn và Chính phủ. Thế nhưng, với sự kiên định và ý nghĩ bảo vệ nhân viên của chính mình, ông quyết định đối mặt với thực tế. Lúc ấy ông cũng đối mặt với câu hỏi của hàng triệu phóng viên.

“Thực sự tôi rất ngột ngạt khi hàng triệu phóng viên ồ ạt nhắm vào tôi, nhưng đó chưa phải là khó khăn lớn nhất. Đối diện với người nhà nạn nhân mới là điều làm tôi trăn trở. Tôi vẫn quyết tâm có mặt tại Surabaya, nơi chiếc máy bay mất tích cất cánh, để nói chuyện với gia đình của hành khách và phi hành đoàn.

Tôi cho họ số điện thoại của tôi và cứ 2-3 ngày tôi lại gặp họ để trấn an tinh thần. Đó là điều tôi phải làm”, Tony Fernandes nhớ lại.

Tối thứ 3, khi xác định điểm điểm máy bay rơi, ông đã gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người cũng tới Surabaya để chia sẻ với gia đình nạn nhân của chuyến bay. Sau đó, ông lại đi đến Pangkalan Bun, một đảo của Indonesia, nơi đặt trung tâm cứu trợ và gần chỗ xác máy bay 8501 được tìm thấy.

Trên mạng xã hội, Facebook của hãng hàng không AirAsia đổi màu logo thành đen trắng và liên tục cập nhật thông tin liên quan về hành khách trên chuyến bay và thông tin vụ tai nạn.

Một tháng sau đó, ông tự tay viết thư tới những hành khách của hãng để chia sẻ về những khó khăn, trách nhiệm và sự thông cảm về chuyến bay xấu số.

“Tôi không ngờ sự chân tình đó lại được gia quyến của những nạn nhận xấu số và hàng khách đồng cảm đến vậy. Cũng chính từ sự việc này tôi nhận ra một điều minh bạch là yếu tố giúp tôi thành công. Và quyết định “không để xảy ra bất cứ một sự mập mờ nào về thông tin” là điều đúng đắn”, Chủ tịch Air Asia rút ra kinh nghiệm.

Máy bay mang số hiệu QZ8501 rơi xuống biển Java hôm 28/12 khi đang trên đường từ Surabaya tới Singapore. Toàn bộ 162 người trên khoang đều thiệt mạng. Một chiến dịch tìm kiếm quốc tế quy mô lớn, với tàu và máy bay từ nhiều quốc gia, được triển khai để tìm kiếm các nạn nhân cùng xác máy bay. Tới nay cuộc tìm kiếm đã chấm dứt nhưng vẫn còn 56 người mất tích. Mặc dù đây là tai nạn nghiêm trọng nhất của hãng này từ khi thành lập cho đến nay nhưng truyền thông cũng như khách hàng vẫn có niềm tin và thái độ tích cực về hãng sau thảm họa hàng không này.

Chia sẻ thêm về chặng đường kinh doanh, ông cho rằng tới bây giờ vẫn không khỏi bất ngờ với quyết định mua lại hãng hàng không đang “giãy chết” cùng khoản nợ 11 triệu USD chỉ với giá 25 cent khi không hề hiểu biết gì về hoạt đông kinh doanh trong lĩnh vực này.

“Tôi đã mua hãng Air Asia từ năm 2001 với 2 máy bay và 200 nhân viên bằng số tiền mà tôi thế chấp nhà của mình. Khi xem bảng cân đối kế toán của họ tôi thấy chẳng cân đối tí nào. Đáng lo ngại hơn nữa là tôi sẽ phải vực dậy hãng này trước đối thủ khổng lồ là hãng hàng không quốc gia Malaysia”, Tony Fernandes chia sẻ.

Phát triển được một thời gian, đến thời điểm 2005 - 2007, hãng phải đối diện với nhiều khó khăn khi thiên tai, dịch cúm gà xuất hiện. Hầu hết các hãng hàng không tại Malaysia giảm quảng cáo và nhiều khách hàng sợ hãi không muốn đi máy bay. Thế nhưng, đối với vị chủ tịch này đó lại chính là cơ hội cho hãng của ông. Vì vậy, ông đã chỉ đạo ban điều hành không được cắt bất cứ chuyến bay nào, bởi lẽ, đây là thời điểm vẫn còn nhiều hàng khách cần. Chính lúc đó, ông tung ra 5.000 chỗ ngồi miễn phí và được mọi người ủng hộ nhiệt tình. Từ đó, thương hiệu hãng hàng không này ngày càng được nhiều khách hàng đón nhận.

Cơ hội này cũng giúp ông nhận ra rằng trong kinh doanh, ngoài việc đem lại giá cả hấp dẫn thì doanh nghiệp nên xem xét phân khúc khách hàng để tập trung, như vậy, hiệu quả kinh doanh mới cao.

Để hiệu suất công việc tốt, theo vị chủ tịch này lãnh đạo nên đồng hành cùng nhân viên. Có thế, người điều hành mới biết được nhân viên đang gặp vướng mắc gì để tháo gỡ. Tại công ty của mình, ông đã phải vận chuyển và sắp xếp hàng lý cùng với nhân viên.

“Họ bỏ hàng lý lên những chỗ rất cao và tôi đã gần gãy lưng khi làm chuyện đó. Sau buổi làm việc này tôi nghĩ cần phải có băng chuyền vận chuyển và tôi quyết định đầu tư để nhân viên bớt khổ. Một lời khuyên nữa tôi muốn dành cho các bạn là đừng có lắng nghe ai cả, chỉ cần làm việc với đội của mình bạn sẽ hiểu được họ muốn gì”, Tony Fernandes nói.

Tony Fernandes sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có truyền thống kinh doanh. Cha ông là một bác sỹ gốc Ấn Độ, còn mẹ ông là một giáo việc dạy nhạc gốc Bồ Đào Nha. Sang Anh du học từ năm 12 tuổi và tốt nghiệp với bằng cử nhân kế toán.

Trong 11 năm ở Anh, ông sống trong nỗi nhớ quê và gia đình, vì không có đủ tiền trang trải các chuyến bay đắt đỏ về thăm nhà tại Malaysia. Đây cũng là trải nghiệm giúp Fernandes có một cái nhìn sâu sắc về lợi ích của việc phát triển ngành hàng không chi phí thấp.

Sau khi ra trường, ông chủ Air Asia từng đầu quân cho công ty truyền thông Virgin thuộc Tập đoàn Virgin của tỷ phú Anh nổi tiếng, Richard Branson. Sau đó, ông chuyển sang công ty sản xuất âm nhạc Warner Music International. Tại đây, Fernandes từ nhân viên kế toán thành một chuyên gia phân tích chiến lược. Ông được bổ nhiệm vào vị trí chuyên viên phân tích tài chính cao cấp. Đến 2001, ông xin từ chức tại đây và bắt đầu "bén duyên" với hàng không cho đến bây giờ. Hiện ông sống ở Kuala Lumpur, đã lập gia đình và có 2 con. Hãng hàng không của ông có 200 máy bay, mỗi năm vận chuyển khoảng 56 triệu hành khách.

Nguồn: Vnexpress

Bình luận
vtcnews.vn