Các chuyên gia quốc tế nhận định Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN lần đầu diễn ra ở Mỹ là cách mà Tổng thống Obama để lại nền tảng vững chắc cho người kế nhiệm.
- Các thành viên ASEAN còn nhiều bất đồng về tình hình Biển Đông. Ông nhận định thế nào về khả năng ông Obama sẽ tận dụng cuộc họp lần này để vận động các nước ASEAN về lập trường thống nhất hơn về Biển Đông?
- GS Carl Thayer: Trước đây, Tổng thống Obama từng tổ chức Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào tháng 9/2010. Cuộc họp khi đó cũng đã thảo luận về tình hình Biển Đông. Theo như công bố, tại cuộc họp Mỹ - ASEAN vào ngày 15/2, Tổng thống Obama sẽ tiếp tục nêu tình hình Biển Đông trong chủ đề thảo luận.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị an ninh hạt nhân ở Hà Lan năm 2014. Ảnh: TTXVN |
Tôi cho rằng, tuyên bố chung sau hội nghị sẽ phản ánh những tuyên bố chính sách năm qua của ASEAN, như tranh chấp phải được giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS); các bên cần tự kiềm chế, thực thi đầy đủ theo tuyên bố ứng xử DOC; và ASEAN cùng Trung Quốc sớm hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử COC.
Tuyên bố chung cũng có thể phản ánh lo ngại của một số nước thành viên ASEAN về những hành động của Trung Quốc đã dẫn đến suy giảm niềm tin chiến lược và gây căng thẳng.
- GS Zachary Abuza: Hội nghị cấp cao ASEAN đã nhiều lần không thể ra thông cáo chung do một số nước bất đồng về tình hình Biển Đông.
Trước khi cuộc họp tại Sunnylands diễn ra, Ngoại trưởng John Kerry đã nhận được sự trấn an từ Lào, nước chủ tịch ASEAN năm nay, về lời tuyên bố phản đối mọi hành động quân sự hoá trên Biển Đông. Hội nghị ngày 15/2 là một cơ hội để Tổng thống Obama thúc đẩy sự thống nhất trong ASEAN. Tuy nhiên, tôi không kỳ vọng nhiều đột phá hoặc thay đổi mới.
Hành động của Mỹ ở Biển Đông
- Đầu năm 2016, Trung Quốc tiến hành hàng loạt biện pháp gây lo ngại bất chấp kêu gọi ngưng quân sự hoá ở Biển Đông. Theo ông, tại hội nghị, ông Obama sẽ trấn an các đối tác ASEAN như thế nào về sự tham gia của Mỹ đối với tình hình Biển Đông để thách thức Trung Quốc?
- GS Thayer: Tổng thống Obama sẽ lặp lại rõ chính sách của Mỹ hiện tại là Mỹ không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền; nhưng Mỹ ủng hộ những cuộc tuần tra khẳng định quyền tự do lưu thông (FONOP) trên biển.
Ông cũng sẽ nhắc lại cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực an ninh biển.
- GS Abuza: Những hoạt động FONOP, cả trên biển lẫn trên không, đều rất quan trọng để trấn an các nước ASEAN rằng Mỹ sẵn sàng thách thức Trung Quốc về các vấn đề mà Mỹ xem là nguyên tắc. Tôi tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tuần tra, và duy trì sự hiện diện trong khu vực để xây dựng lòng tin đối với các quốc gia (dù liên quan hay không đối với tranh chấp ở Biển Đông), để họ có thể tự thực hiện việc tuần tra trên biển.
Xây dựng di sản hợp tác Mỹ - ASEAN
- Nước Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề quốc tế lớn như khủng bố IS, quan hệ với Nga… Trong các ứng viên tổng thống tiềm năng hiện nay, bà Clinton là người duy nhất tỏ ý sẽ tiếp tục chính sách tái cân bằng hướng về châu Á. Theo ông, mục đích của ông Obama khi tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt với ASEAN vào năm cuối của nhiệm kỳ là gì? Nó sẽ để lại thông điệp gì cho người kế nhiệm?
- GS Thayer: ASEAN và Mỹ đã bắt đầu tổ chức hội nghị lãnh đạo cấp cao từ năm 2009. Năm qua, Mỹ và ASEAN đã nâng tầm quan hệ song phương lên đối tác chiến lược. Việc tổ chức hội nghị lần này phản ánh cam kết của Tổng thống Obama đối với chính sách tái cân bằng của Mỹ với Đông Nam Á, và tầm quan trọng của ASEAN trong việc duy trì an ninh ở khu vực.
Tổng thống Obama sẽ để lại di sản to lớn về quan hệ Mỹ - ASEAN mà người kế nhiệm ông khó có thể bỏ qua. Nếu bà Hillary Clinton trở thành tổng thống Mỹ, các chính sách này sẽ được tiếp nối đáng kể. Nếu một ứng viên của đảng Cộng hoà chiến thắng, họ sẽ phải cân nhắc tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với các lợi ích của Mỹ tại Trung Đông, cũng như các vấn đề với Nga.
- GS Abuza: Sự kiện Mùa xuân Arab tạo ra những hỗn loạn để IS hình thành, việc Mỹ rút quân ở Iraq khiến IS có thể bành trướng và trỗi dậy. Căng thẳng Nga - Ukraine cũng là một vấn đề lớn ở châu Âu các năm qua. Tình hình kinh tế châu Âu vẫn là một quan ngại lớn đối với Washington. Tuy nhiên, tôi tin rằng chính sách “xoay trục” của Tổng thống Obama là điều đúng đắn.
Tôi cho rằng một hội nghị như ngày 15/2 rất quan trọng và đáng lẽ phải diễn ra sớm hơn. Trong năm cuối của nhiệm kỳ, tôi nghĩ Tổng thống Obama đang cố gắng bảo vệ những thành quả và di sản của mình, chú trọng vào những vấn đề và khu vực mà ông cho là quan trọng; qua đó đặt nền tảng cho người kế nhiệm, mà Nhà Trắng rất hy vọng đó sẽ là bà Clinton.
Theo tôi, phía Washington đang lo ngại về những rủi ro chính trị ở Đông Nam Á. Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tiến trình dân chủ ở Myanmar. Ông Obama cũng phải thận trọng trong chính sách với Malaysia, do nó chủ yếu dựa trên các mối quan hệ cá nhân với Thủ tướng Najib, nhưng ông đang gặp nhiều vấn đề và có thể không nắm quyền lâu. Washington cũng lo ngại việc Tổng thống Jokowi của Indonesia gần như không hào hứng với các chính sách đối ngoại, do vậy ASEAN gần như không có đầu tàu.
Mỹ cũng theo sát tình hình bầu cử ở Philippines, khi 2 ứng viên có thể sẽ đi ngược lại những chính sách của Tổng thống Aquino, bao gồm việc rút khỏi vụ kiện Trung Quốc và ngưng thắt chặt hợp tác quân sự với Mỹ. Trong khi đó, Thái Lan vốn là đồng minh theo hiệp ước với Mỹ, nhưng cuộc đảo chính khiến hai bên khó có thể thúc đẩy hợp tác sâu hơn. Cuối cùng, tôi cho rằng Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực không có những khủng hoảng và bảo đảm về sự tiếp nối chính sách.
Hợp tác kinh tế và chống khủng bố
- ASEAN là đối tác kinh tế lớn thứ 4 của Mỹ. Tuy nhiên, nền kinh tế mỗi quốc gia ASEAN rất khác biệt, như Singapore theo hướng thị trường tự do trong khi Indonesia vẫn còn nặng chủ nghĩa bảo hộ. Qua cuộc họp, Mỹ sẽ vạch ra hướng tiếp cận để thúc đẩy kinh tế với khối ASEAN như thế nào?
- GS Thayer: Tất cả những quốc gia đã ký kết TPP sẽ có hai năm để phê chuẩn hiệp định. Chính phủ Mỹ, dù là ông Obama hay người kế nhiệm, trước tiên phải đạt được sự chấp thuận từ Thượng viện. Nếu Mỹ không phê chuẩn, TPP sẽ chưa hình thành. 4 quốc gia ASEAN đã ký kết TPP là Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Hiện mới chỉ có Quốc hội Malaysia đã thông qua TPP. Mỗi nước sẽ có cách thực thi nghĩa vụ của TPP khác nhau.
Một số thành viên ASEAN đã bày tỏ sự quan tâm với TPP như Indonesia, Philippines và Thái Lan. Mỹ sẽ khuyến khích các nước này cùng tham gia. TPP sẽ đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN). Một khi TPP đã hình thành, nó sẽ gây áp lực lên các quốc gia đứng bên ngoài. Những điều khoản của TPP và AEC có thể được thực hiện cùng lúc.
- Theo ông, hội nghị có thể đạt được thoả thuận nào về hợp tác chống khủng bố?
- GS Thayer: Tôi tin rằng tuyên bố chung sẽ bao gồm nội dung về hợp tác chống khủng bố. Mỹ và các nước ASEAN cũng cần mở rộng hợp tác để ngăn chặn phiến quân IS lan rộng đến Đông Nam Á.
- GS Abuza: Chống khủng bố sẽ là một trong những chủ đề trọng tâm. Ngoài vụ tấn công ngày 14/1 ở Jakarta, phiến quân IS cũng đã rất gần đến khả năng thực hiện âm mưu tương tự ở Malaysia. Mỹ đang phối hợp với Malaysia để thành lập một trung tâm theo dõi tin nhắn để chống khủng bố cực đoan (CVE), và mong muốn đạt thoả thuận tương tự với Indonesia.
Nâng ASEAN ngang hàng với Trung Quốc
- Ông nhận định gì về việc địa điểm hội nghị là Sunnylands, nơi ông Obama từng tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2013, trong bối cảnh một số ý kiến cho rằng Bắc Kinh cũng đang cạnh tranh với Washington để giành cảm tình của ASEAN?
- GS Thayer: Việc Washington chọn Sunnylands là địa điểm cuộc họp đã nâng vị thế của ASEAN lên ngang hàng với Trung Quốc một cách biểu tượng. Đây cũng là nơi phù hợp với phong cách ngoại giao thân mật của ASEAN.
- GS Abuza: Lựa chọn Sunnylands là một quyết định quan trọng. Các tổng thống Mỹ có truyền thống mời những lãnh đạo khác dự một sự kiện thân mật, qua đó bày tỏ sự gần gũi trong mối quan hệ. Tôi không chắc điều này có đúng với phong cách châu Á, nơi mà mọi người chú trọng vào hình thức nhiều hơn, hay không. Có thể một số lãnh đạo ASEAN muốn được tiếp đón ở Nhà Trắng hơn. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã tính toán rất thận trọng. Họ không muốn Tướng Prayut Chan-Ocha xuất hiện trong hình chụp chung ở Phòng Bầu dục, vì như vậy có thể xem như sự tán thành với việc ông đạt được quyền lực thông qua đảo chính quân sự.
Nguồn: Zing
Bình luận