• Zalo

Nóng sáng 29/5: Sau '981' Trung Quốc sẽ làm gì?

Thời sựThứ Năm, 29/05/2014 08:46:00 +07:00Google News

(VTC News) - Trung Quốc thực sự không dừng lại ở biển Đông mà xa hơn trong tầm nhìn của họ là một chiến lược “chuỗi ngọc trai” nối biển Đông với Ấn Độ Dương.

(VTC News) - Chuyên gia nghiên cứu biển Đông bình luận: Trung Quốc thực sự không dừng lại ở biển Đông mà xa hơn trong tầm nhìn của họ là một chiến lược “chuỗi ngọc trai” (String of Pearls) đầy tham vọng nối biển Đông với Ấn Độ Dương. 

Trước thông tin xung đột quanh giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc là “tranh chấp biển đảo”, báo Tiền phong dẫn lời Thượng tá Trần Quang Tuấn - Phó Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 2 cho hay, trong suốt nhiều ngày qua, phía Trung Quốc điều nhiều tàu lớn ra sức ngăn cản lực lượng chấp pháp của ta thực thi pháp luật ở Hoàng Sa, mặc dù vậy, chúng ta, gồm những lực lượng như Cảnh sát biển, Kiểm ngư luôn điềm tĩnh, tự tin và cơ động.

Thượng tá Trần Quang Tuấn. Ảnh: TPO
 Thượng tá Trần Quang Tuấn. Ảnh: TPO

“Phải khẳng định, đây không phải chuyện tranh chấp biển đảo như nhiều luồng thông tin làm dư luận hiểu nhầm. Chúng ta đang bảo vệ chủ quyền biên giới, bảo vệ và giữ gìn cương thổ” – Thượng tá Tuấn khẳng định.

Trung Quốc sẵn sàng cưỡng ép quân sự để thực hiện mục tiêu chính trị


Theo phóng viên VOV tại Washington, Chủ tịch Tiểu ban Triển khai lực lượng và sức mạnh biển thuộc Uỷ ban Quân lực Hạ viện Mỹ, Randy Forbes ngày 28/5 đã ra tuyên bố lên án các hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông, sau khi có thông tin một một tàu cá Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm.

Tàu DNa-90152 cùng đội tàu của ngư dân Đà Nẵng bị tàu sắt Trung Quốc vây ép trước khi bị đâm chìm. Ảnh: Hải Sơn/VOV
Tàu DNa-90152 cùng đội tàu của ngư dân Đà Nẵng bị tàu sắt Trung Quốc vây ép trước khi bị đâm chìm. Ảnh: Hải Sơn/VOV 

Tuyên bố của Hạ nghị sỹ Forbes nêu rõ, việc Trung Quốc liên tục leo thang trong tranh chấp biển với Việt Nam, bao gồm các hành động khiến một tàu cá Việt Nam bị chìm trong những ngày qua, chỉ củng cố thêm nhận định rằng Trung Quốc sẵn sàng sử dụng biện pháp cưỡng ép quân sự để thực hiện mục tiêu chính trị.

Hạ nghị sỹ Forbes nhấn mạnh, các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, từ Nhật Bản, Philipines cho tới Việt Nam đều đang trông đợi một tín hiệu rõ ràng về quyết tâm của Mỹ trong việc giữ nguyên hiện trạng khu vực, nơi tự do hàng hải được tôn trọng, tranh chấp được kiểm soát một cách hoà bình và cán cân quân sự tiếp tục nghiêng về phía Mỹ và các đồng minh.

Sau “981” Trung Quốc sẽ làm gì?


Trả lời phóng viên Pháp luật TP.HCM câu hỏi “Trung Quốc thực sự muốn gì?”, PGS-TS Trần Nam Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển Đông - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết, những hành động của Trung Quốc ở biển Đông gần đây cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận biển Đông chủ yếu ở góc độ địa chính trị và địa chiến lược.

Dựa trên cơ sở tiếp cận các lý thuyết địa chính trị, tham vọng của Trung Quốc thực sự không dừng lại ở biển Đông mà xa hơn trong tầm nhìn của họ là một chiến lược “chuỗi ngọc trai” (String of Pearls) đầy tham vọng nối biển Đông với Ấn Độ Dương.
Video Trung Quốc mở rộng phạm vi cản phá:

Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Tuy nhiên Giáo sư Hà Hoàng Hợp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nhìn nhận sự việc theo một góc độ khác.

Ông dự đoán vì tháng 8 là thời điểm mưa bão lớn trên biển Đông, việc duy trì giàn khoan lớn là rất khó khăn cho Trung Quốc. Do đó, ông lo ngại rằng tháng 8, khi rút giàn khoan Hải Dương 981 đi, Trung Quốc sẽ đặt giàn khoan nhỏ hơn thay thế.

Bản chất việc làm này là nhằm khẳng định chủ quyền một cách trái phép. Về mặt kỹ thuật hay quân sự, đây là động thái để Trung Quốc thiết lập hạ tầng cơ sở cho vùng phòng không trên Biển Đông.

Chiến lược “chuỗi ngọc trai” được xây dựng nhằm hướng đến giải quyết vấn đề ưu tiên mang tính chiến lược của Trung Quốc là bảo đảm an toàn cho tàu chở dầu mỏ và khí đốt đến từ vịnh Ba Tư.

Chính sự phát triển mạnh mẽ hiện nay, sự lệ thuộc vào các nguồn cung cấp tài nguyên và năng lượng từ nước ngoài, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên, đóng một vai trò quan trọng hình thành nên chính sách và chiến lược phát triển của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chiến lược “chuỗi ngọc trai” còn được Trung Quốc nhắm đến việc đảm bảo khả năng kiểm soát Ấn Độ Dương, trong trường hợp đụng độ với một trong những đối thủ tiềm tàng mạnh nhất của nó, cụ thể là Ấn Độ.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ: Trung Quốc biến không thành có


Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, Việt Nam muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc nhưng không chấp nhận việc cưỡng ép hoặc đe dọa.

Sáng 29/5 (theo giờ Việt Nam), Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Nguyễn Quốc Cường đã có buổi trả lời phỏng vấn trực tiếp với phóng viên quốc tế của Đài truyền hình CNN, Christiane Amanpour tại trụ sở của CNN ở thủ đô Washington DC về các hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tại buổi phỏng vấn, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan và nhiều tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và những cam kết của lãnh đạo Trung Quốc với ASEAN khi Trung Quốc ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, Việt Nam không còn cách nào khác là phải phản ứng lại một cách hòa bình nhưng cương quyết.
 
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn CNN
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn CNN  

Bác bỏ phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - Thôi Thiên Khải nói rằng Trung Quốc chỉ có một giàn khoan duy nhất trong khi Việt Nam có hơn 30 giàn khoan, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nêu rõ: Trung Quốc đang tìm cách tạo ra thực tế mới, thay đổi nguyên trạng, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp và điều này là không thể chấp nhận được.

Trung Quốc kịch liệt phản ứng Nhật sát cánh cùng Việt Nam, Philippines


Trung Quốc đã tỏ ra lo lắng và phản ứng kịch liệt khi Nhật Bản muốn cùng Việt Nam, Philippines chống lại các hành động hung hăng của Bắc Kinh ở biển Đông vì lo sợ bị cộng đồng quốc tế trừng phạt về kinh tế, trang tin quân sự Strategy Page (Mỹ) bình luận.

Tàu hải cảnh Trung Quốc chủ động đâm va vào tàu cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, ngày 15/5.  Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam/TTXVN
Tàu hải cảnh Trung Quốc chủ động đâm va vào tàu cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, ngày 15/5. Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam/TTXVN 

Cùng với Philippines, Việt Nam hiện đang cân nhắc khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu Bắc Kinh vẫn một mực không chịu rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Trả lời báo giới quốc tế ngày 22/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đang “cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế”.

Trước đó, ngày 23/5, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo Nhật Bản tránh xa tranh chấp chủ quyền của Bắc Kinh với các nước láng giềng ở biển Đông.

“Các phát biểu của phía Nhật phớt lờ hiện thực và làm rối các chân lý, đồng thời có động cơ chính trị nhằm can thiệp vào tình hình biển Đông với một mục đích bí mật”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.

Video các nước ủng hộ Việt Nam:

Thực chất động thái dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, việc dịch chuyển giàn khoan cùng tuyên bố bắt đầu giai đoạn khoan thử nghiệm thứ hai cho thấy ý đồ lâu dài của Trung Quốc.

Video Trung Quốc di dời giàn khoan:

Báo chí Trung Quốc không giấu diếm thông tin Cục hải sự nước này thông báo rằng Hải Dương 981 đã hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn một. Từ ngày 27/5, giàn khoan trái phép sẽ bắt đầu khoan thăm dò giai đoạn hai. Vị trí thứ hai của giàn khoan cách vị trí đầu 23 hải lý.

Một số chuyên gia nhìn sự việc này dưới con mắt của nhà kỹ thuật. Trong đó có ông Hoàng Bá Cường, giám đốc Công ty điều hành thăm dò khai thác dầu khí trong nước và ông Lê Trí Thành, giám đốc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ và khảo sát công trình ngầm PTSC.

Những kỹ thuật viên của giàn khoan Hải Dương 981 vẫn tiếp tục việc khoan thăm dò trái phép của họ khi được sự bảo vệ của hơn 100 tàu Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Những kỹ thuật viên của giàn khoan Hải Dương 981 vẫn tiếp tục việc khoan thăm dò trái phép của họ khi được sự bảo vệ của hơn 100 tàu Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã 

Hai đại diện này cùng thống nhất quan điểm đây là hoạt động kỹ thuật thông thường khi vị trí khoan ban đầu chưa phù hợp. "Nếu vị trí ban đầu đáy biển chưa phù hợp hoặc có dấu hiệu của khí nông thì họ không dám làm, không thể đặt được thiết bị đầu giếng", ông Cường thông tin với báo Tuổi Trẻ.


» Nóng giàn khoan ngày 28/5: Trung Quốc trắng trợn vu tàu cá Việt Nam quấy rối
» Bộ trưởng Thăng: Cảng xếp hàng quá tải, cách chức Giám đốc
» Trực tiếp từ giàn khoan: Tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc áp sát tàu Việt Nam

Diệp Vy (tổng hợp)
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn