Bị COVID-19, cô gái 19 tuổi, quê Phú Thọ nhờ em trai 5 tuổi pha thuốc hạ sốt. Do không biết nên khi nhận được vỉ thuốc có chứa 9 viên paracetamol 500mg từ tay chị, cậu em đã hòa tan tất cả vào cốc nước và đưa chị uống.
Sau 8 giờ uống thuốc, cô gái mệt lả, đau đầu, chóng mặt được gia đình đưa đến viện điều trị. Vì vượt quá thời gian nên việc rửa dạ dày không còn tác dụng. Các bác sĩ dùng thuốc giải độc và thải trừ paracetamol, theo dõi sát các triệu chứng.
Sau 2 ngày điều trị, hiện bệnh nhân ổn định, các dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường.
Theo ThS.BS Nguyễn Thanh Thủy, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), paracetamol có tên khác Acetaminophen là thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng nhiều trong cộng đồng, loại thuốc này thường có tại các gia đình. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc không đúng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như suy gan, suy thận, rối loạn chức năng đông máu, nặng hơn có thể gây suy đa tạng, hôn mê, thậm chí tử vong.
Hiện thuốc này thuộc danh mục không kê đơn nên người dân có thể dễ dàng mua thuốc tại bất kỳ cửa hàng nào. Theo khuyến cáo, liều paracetamol đường uống ở người lớn trung bình 0,5-1 g/ lần, 4-6 giờ/ lần, tối đa 4 g/ ngày. Liều gây ngộ độc là 150 mg/kg.
Nhóm nguy cơ cao bị ngộ độc là những người chán ăn, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch, uống cùng rượu và một số thuốc an thần, thuốc điều trị lao. Nếu dùng thuốc quá liều trong thời gian dài hoặc dùng thuốc với liều rất cao trong một hoặc vài lần có thể dẫn đến ngộ độc, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo nếu cần dùng thuốc, người bệnh nên tham khảo ý kiến chuyên gia, không uống quá liều quy định. Nếu có biểu hiện hoặc nghi ngờ ngộ độc paracetamol, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Ngộ độc paracetamol thường diễn ra qua bốn giai đoạn, kéo dài 10-14 ngày. Nếu người bệnh sống sót sau khoảng 30 ngày, tổ chức gan sẽ hồi phục. Một số trường hợp ngộ độc nặng cần thời gian hồi phục lâu hơn.
Bình luận