Trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, lần đầu tiên Chính phủ dự kiến tung gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng bằng tiền mặt cho hàng triệu người chịu ảnh hưởng. Ngày 10/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết về gói an sinh xã hội này. Nhiều người đánh giá đây là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, thể hiện rõ cam kết một “Chính phủ hành động”, nhân văn, không bỏ sót ai chịu thiệt hại vì dịch bệnh.
Rất nhiều đối tượng thuộc diện được hỗ trợ bởi chính sách này, trong đó chủ yếu là người nghèo khó, người thu nhập thấp gặp khó khăn như: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi, người lao động bị chấm dứt hợp đồng...
Là một người bán quần áo dạo, chị Thủy (quê Hoài Đức, Hà Nội) bày tỏ niềm cảm kích trước chính sách của Chính phủ, cũng như sự mong mỏi gói hỗ trợ sớm được giải ngân. “Mấy ngày nay đọc báo thấy Chính phủ hỗ trợ người nghèo, tôi mừng quá. Trong thời buổi dịch dã, làm ăn khó khăn này, nhận được chút hỗ trợ nào là chúng tôi có thể cầm cự thêm chút ấy. Giờ chỉ mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để sinh hoạt, mong sớm qua đại dịch", chị Thủy nói.
Chị Thuỷ cho biết, trước kia mỗi ngày dù vất vả phải đẩy xe hàng chục km nhưng vẫn kiếm được trung bình hơn trăm nghìn, đủ để trả tiền trọ, tiền ăn và tiết kiệm gửi về quê phụ chồng nuôi hai đứa con. Giờ thì thực hiện cách ly xã hội, chị không dám về nhà vì đang ở vùng có người mắc bệnh. Trong khi đó, vẫn phải trả tiền trọ, tiền sinh hoạt hàng ngày. Chị đành đẩy hàng ra những nơi vắng vẻ, mong bán chút hàng cầm cự. Nhưng mỗi lần đi như thế cũng chỉ được vài chục nghìn đồng, mà không phải hôm nào cũng bán được hàng.
“Tôi cũng lo đi lại tiếp xúc nhiều người có thể bị lây bệnh lắm nhưng đành chịu vì nếu không thì không có chi phí sinh hoạt hàng ngày. Chỉ biết cố gắng làm sao giữ an toàn cho mình và khách bằng cách đeo khẩu trang, đứng từ xa. Dịch thì cũng sợ nhưng không có tiền thì tôi cũng không biết lấy gì mà sống”, chị Thủy tâm sự thêm.
Không như chị Thuỷ vẫn còn ngày kiếm được vài chục nghìn đồng, chị Trang từ Hải Dương lên Hà Nội để bán thuê quần áo ở chợ Hà Đông. Chủ đóng cửa phải nghỉ bán hàng, không có thu nhập nên chị Trang không biết xoay sở thế nào, ngay cả đi tìm việc lặt vặt để có chút thu nhập cũng khó. Chỉ vào mấy gói mỳ tôm và ít gạo được tổ dân phố hỗ trợ, chị Trang nói: "Tôi cũng muốn về quê cho đỡ tiền trọ nhưng cố gắng gượng đến hết ngày cách ly để được đi làm trở lại chứ về quê thì cũng không biết làm gì để kiếm tiền”, chị Trang nói.
Video: Người có hoàn cảnh khó khăn đến nhận gạo tại các "cây ATM gạo" tại Hà Nội:
Với những người lao động có hợp đồng thì ít nhất còn được trợ cấp 50% lương hoặc được doanh nghiệp, chủ kinh doanh hỗ trợ ít nhiều chứ những người lao động tự do như chị Thuỷ, chị Trang thì thu nhập vốn đã bấp bênh, nay lại ít việc, nghỉ việc thì ngày nào ở nhà là ngày đấy các chị phải chấp nhận không có thu nhập.
Nhiều người lao động nghèo ở chợ Long Biên cũng tâm sự, giờ đây số tiền trọ với họ là gánh nặng quá lớn, khi những công việc để mưu sinh tạm thời không có hoặc có thì cũng lay lắt, thu nhập kém. “Nhà nước chủ trương ai ở đâu ở nguyên đó nên chúng tôi cũng không về quê được, về cũng lo lây bệnh cho người thân nếu chẳng may mình có mầm bệnh mà không biết”, anh Hùng quê ở Quảng Ninh, làm nghề bốc vác thuê khu chợ Long Biên chia sẻ.
XEM THÊM:
>>> Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng: 'Nhân văn nhưng phải trúng đối tượng'
>>> Chính phủ ra Nghị quyết hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người khó khăn do COVID-19
Khi nghe nói mình là đối tượng được hưởng trợ cấp của Nhà nước, ai cũng vui mừng nhưng cũng không giấu nổi sự băn khoăn. "Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo. Nhưng tôi giờ lại đang ở Hà Nội mưu sinh, làm thế nào để được nhận số tiền trợ cấp đó? Thủ tục để được trợ cấp là như thế nào? Bao giờ chúng tôi được nhận? Đi làm xa nhà nên tôi ít thông tin quá, cũng sốt ruột không biết gia đình mình có được nhận tiền không. Bởi thế, ngày nào cũng phải gọi điện về nhà, nhắc người thân giục hỏi xã, huyện về chuyện này", anh Hùng nói.
Cũng như anh Hùng, chị Thủy chỉ đau đáu chờ xem bao giờ những người như mình được nhận trợ cấp và nhận bằng cách nào. "Gia đình tôi không thuộc diện cận nghèo, nhưng tôi là người lao động chịu ảnh hưởng COVID-19, là người nghèo gặp khó khăn. Liệu tôi có được trợ giúp không và làm thế nào để được nhận? Tôi chỉ mong gói chính sách sớm giải ngân để sáng tỏ những thắc mắc này", chị Thủy nói.
Trong khi đó, chị Hoàng Lan ở Trương Định (quận Hoàng Mai) chia sẻ, chị là người lao động bị chấm dứt hợp đồng vì công ty giảm nhân sự do COVID-19. Tuy không quá nghèo túng nhưng chị thực sự khó khăn vì phải nuôi 2 đứa con, chồng cũng chỉ làm công việc tự do, ngày làm ngày nghỉ. Biết được gói hỗ trợ của Chính phủ, mới đây, chị Lan gọi điện đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội để hỏi về trường hợp của mình. Tuy nhiên, chị chỉ nhận được câu trả lời: "Chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nên chưa giải ngân". "Dịch bệnh cũng đang có dấu hiệu lắng dần xuống, nhưng kể cả như thế thì sau đó chúng tôi cũng rất khó khăn khi đi tìm việc mới, do doanh nghiệp cần có thời gian phục hồi. Bởi vậy chúng tôi vẫn cần sự trợ giúp. Tuy nhiên, Chính phủ ban hành Nghị quyết đã được một tuần rồi mà vẫn chưa có động thái gì chứng tỏ gói hỗ trợ được giải ngân thì quả là chậm chạp. Chúng tôi mong mỏi từng ngày được nhận", chị Lan nói.
Còn rất nhiều người nghèo, người lao động khó khăn khác cũng bày tỏ sự mong mỏi gói hỗ trợ của Chính phủ sớm đi vào thực tế, để giúp họ phần nào chống đỡ với khó khăn, chờ ngày COVID-19 được kiềm chế, kinh tế phục hồi trở lại. "Chính sách đã là rất tốt, rất nhân văn rồi. Chỉ mong Chính phủ lưu tâm thêm để chỉ đạo các cấp có thẩm quyền thực hiện sớm, cho dân nghèo được nhờ", chị Trang kiến nghị.
Bình luận