• Zalo

Người mẹ bỏ việc, 15 năm lặn lội tìm con chữ cho con trai tự kỷ

Đời sốngThứ Năm, 09/05/2019 21:24:00 +07:00Google News

Bỏ công bỏ việc, 15 năm qua, một người mẹ đã dành hết tâm sức để làm bạn, làm cô giáo của đứa con mắc bệnh tự kỷ.

Chị Nguyễn Quỳnh Hoa (41 tuổi) sau khi sinh con đầu lòng bất ngờ thấy con kiệm lời, rồi ngưng bập bẹ khi mới 23 tháng tuổi.

Tai ương gieo rắc

Năm 2002, Nguyên (con trai chị Hoa) chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, đến 2 tuổi, Nguyên chẳng nói từ nào khiến cả gia đình lo lắng.

Vợ chồng chị Hoa quyết định đưa con đi khám để tìm hiểu nguyên nhân. Và rồi, bác sĩ thông báo hung tin: Nguyên mắc bệnh tự kỷ.

“Lúc đó mình vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, bởi lẽ cũng không rõ tự kỷ là gì. Đến khi về nhà tìm đọc qua các tài liệu, mình mới bàng hoàng trước sự thực đắng cay này”, mẹ Nguyên chia sẻ.

nguyen (1)

Ròng rã từ năm này qua năm nọ, chị Hoa "gõ cửa" hầu hết các bệnh viện lớn nhỏ của thành phố, thậm chí mời cả chuyên gia từ trong Nam ra Hà Nội để giúp con.

Thời điểm đó, những thông tin về tự kỷ tại Việt Nam còn chưa nhiều, vậy nên chị luôn phải “mò mẫm" tìm kiếm những phương pháp can thiệp cho Nguyên. Nghe ở đâu có bác sĩ giỏi, chuyên gia tốt là chị lại tìm mọi cách mời họ đến dạy cho con mình hoặc tự đi học rồi về áp dụng với Nguyên.

Ròng rã từ năm này qua năm nọ, chị Hoa "gõ cửa" hầu hết các bệnh viện lớn nhỏ của thành phố, thậm chí mời cả chuyên gia từ trong Nam ra Hà Nội để giúp con.

Nhờ có sự can thiệp tích cực từ các bác sĩ và chuyên gia cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chị Hoa, Nguyên dần nhận thức được những đồ vật đơn giản. Tuy vậy, Nguyên vẫn không thể giao tiếp như người bình thường.

Hành trình đi tìm con chữ cho con

Nguyên không nói được, những từ em có thể phát ra chỉ là những tiếng ú ớ, tiếng cười hay tiếng la hét trong vô thức. Để chăm lo cho Nguyên, chị Hoa đã từ bỏ công việc và cùng với 4 gia đình có con tự kỷ khác lập ra trung tâm Hand in Hand.

Ban đầu, trung tâm này nằm ở một chung cư chật hẹp. Điều này khiến Nguyên rất hay “nổi điên". Nguyên không thể biểu đạt được cảm xúc và cũng không được vận động tay chân để giải phóng cơ thể.

Chị Hoa và các mẹ khác đã phải tìm đến một địa điểm rộng rãi hơn, nằm trong khuôn viên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam để giúp Nguyên hay những đứa trẻ khác có không gian vận động, giảm bớt sự căng thẳng.

Bất kỳ lúc nào Nguyên khó chịu, chị Hoa lại cho Nguyên ra sân chạy một vòng và nhẹ nhàng hát cho Nguyên nghe. Cảm xúc của Nguyên cũng dần dà được điều hòa.

nguyen (2)

Để chăm lo cho Nguyên, chị Hoa đã từ bỏ công việc của mình.

Song song với việc dạy các bạn tự kỷ và lo cho Nguyên tại Hand in Hand, chị Hoa vẫn không quên tham gia những khóa học can thiệp cho trẻ tự kỷ. Năm 2010, chị Hoa gặp chuyên gia hướng dẫn phương pháp RDI – can thiệp phát triển quan hệ.

Phương pháp này giúp rèn luyện những khả năng cần thiết cho trẻ tự kỷ, trong đó có khả năng sử dụng ngôn ngữ. Theo đó, cha mẹ sẽ dạy con biết dùng ngôn ngữ tích cực bằng lời hoặc không bằng lời để trao đổi với nhau, tránh dùng những từ ngữ mang tính hiệu lệnh và áp đặt.

Ngoài ra, việc viết chữ sẽ không tô theo nhiều chấm như trong các cuốn sách tập tô chữ, mà tất cả các chữ cái sẽ chỉ được viết từ 3 dấu chấm.

Năm 2011, theo phương pháp này, Nguyên đã viết được chính tên của mình. Đây là bước ngoặt trong hành trình đi tìm con chữ của mẹ con Nguyên.

Có thể nói, việc Nguyên có thể viết được là nhờ chị Hoa đã áp dụng rất nhiều phương pháp khác nhau. Năm 2007, Nguyên tập tô chữ theo các quyển sách từ vựng lớp 1. Em cũng được tiếp cận phương pháp Glenn Doman, học qua thẻ chữ và hình ảnh. Bởi vậy, khi Nguyên đã nhớ được mặt chữ, điều chị Hoa cần làm là để Nguyên ghép đúng chữ và hình với nhau.

“Ví dụ để Nguyên viết được từ “Mẹ”, mình phải in ảnh của mình ra, đặt ảnh lên phía trên và ghi chữ “Mẹ” bên dưới. Dần dần, Nguyên có thể viết những từ đơn giản, rồi sau đó là câu đơn giản”, chị Hoa hạnh phúc chia sẻ.

Năm 2014, chị Hoa và Nguyên bắt đầu viết chia sẻ những cảm xúc với nhau.

Từ thời điểm này, Nguyên bắt đầu giảm hẳn sự cáu gắt. Mặc dù câu chữ của Nguyên còn nhiều lỗi và có phần ngô nghê, nhưng trải qua một thời gian với sự kiên nhẫn của mẹ, Nguyên đã có thể viết được những câu phức tạp.

nguyen (6) 3

Việc Nguyên có thể viết được là nhờ chị Hoa đã áp dụng rất nhiều phương pháp khác nhau.

Đọc những dòng tâm sự của Nguyên, không ít người bất ngờ bởi từ một cậu bé chỉ biết đập tay, ú ớ vài tiếng ngày nào, nay Nguyên lại có thể viết dạt dào cảm xúc đến như vậy.

Gần đây nhất, Nguyên ngồi cặm cụi 1 tiếng rưỡi để viết những dòng cảm ơn đến thầy giáo và các bạn tình nguyện viên trong CLB bóng rổ mà Nguyên được tham gia: “Ngày hôm qua thầy để Nguyên tiếp tục được tham gia câu lạc bộ bóng rổ, Nguyên rất vui vẻ. Cảm ơn cô Thúy và chú Tôm đã cho Nguyên buổi chiều thật vui bên các bạn.

Nguyên muốn gặp các bạn thường xuyên hơn. Nguyên hôm qua lúc đầu không tập trung vì Nguyên không biết sẽ học bóng rổ như thế nào. Sau đó Nguyên hiểu được các bạn tình nguyện viên muốn giúp Nguyên chơi bóng rổ thật vui vẻ. Các bạn rất nhiệt tình và rất yêu Nguyên…

Nguyên giờ vẫn vui vẻ, giờ Nguyên muốn chơi với các bạn nhiều hơn… Nguyên sẽ bằng tất cả cố gắng của bản thân mình giúp các bạn tình nguyện viên sẽ thấy hạnh phúc khi chơi bóng rổ, muốn các bạn tình nguyện viên hãy kiên trì với Nguyên nhiều hơn các bạn khác vì Nguyên phải điều chỉnh cơ thể rất nhiều.

Nguyên có rất nhiều khó khăn không thể kiểm soát được. Nguyên sẽ học tốt, các bạn quan tâm Nguyên hơn nữa nhé… Hãy cổ vũ cho Nguyên và các bạn...”.

Học thêm nhiều điều từ con

Chị Hoa chia sẻ: “Có đôi khi, mình nghĩ rằng nếu như mình không bỏ việc để lo cho Nguyên thì có thể cuộc sống sẽ không khó khăn như vậy. Tuy nhiên, đến bây giờ, mình nhận thấy Nguyên đã giúp mình học được thêm nhiều điều khác. Quả thật, mình may mắn vì có Nguyên”.

Những điều chị học được từ đứa con không may mắc bệnh tự kỷ đó là sự kiên nhẫn, kiểm soát được cảm xúc, biết lắng nghe và yêu thương mọi người, biết biến những niềm vui bằng hạt cát trở thành một sa mạc đầy cát, biết nhìn thấy sự may mắn từ những điều không may.

nguyen (7) 3

 Nguyên đã giúp chị Hoa học được thêm nhiều điều khác. 

Có lẽ, từ cách nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan, cùng với tình yêu thương con vô bờ bến và những nỗ lực không ngừng nghỉ của chị Hoa, Nguyên mới có thể biểu đạt được những cảm xúc chất chứa trong lòng mình trọn vẹn đến như vậy.

Hi vọng với hành trình vượt khó đã qua, ước mơ trở thành đầu bếp của Nguyên sẽ được hiện thực hóa.

Dù hiện tại, Nguyên mới chỉ biết nhặt rau, rán đậu, nặn bánh một cách chậm rãi, nhưng như siêu đầu bếp Auguste Gusteau trong “Ratatouille” đã từng khẳng định: “Bất cứ ai cũng có thể nấu ăn”, và chắc chắn Nguyên cũng không ngoại lệ.

TÀO THANH HUYỀN
Bình luận
vtcnews.vn