• Zalo

Nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu: Trời thương phận mỏng

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 13/02/2013 05:47:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nghệ nhân Hà Thị Cầu - sau những ngày cứ nhất nhất về với Tổ Xẩm thì giờ đã hưng hửng.

(VTC News) - Nghệ nhân Hà Thị Cầu - sau những ngày cứ nhất nhất về với Tổ Xẩm thì giờ đã hưng hửng. Một cái tết nhẹ nhàng đang đến với “bà tổ sống” của nghệ thuật Hát Xẩm.

Mấy hôm trước Tết sau khi thông tin về nghệ nhân Hà Thị Cầu ốm nặng, tỉnh cũng như mê đều chỉ muốn kể chuyện Tổ Xẩm gọi về và dặn dò con cháu được truyền đi, rất nhiều anh chị em nghệ sĩ, bạn bè Bắc Nam đã chia sẻ với chúng tôi.

Có một cuộc điện thoại bất ngờ làm tôi chú ý không phải từ một nghệ sĩ truyền thống, không phải từ một nhà nghiên cứu hay nhà hoạt động xã hội mà lại từ một người đẹp sống tại Sài Gòn: Trà Ngọc Hằng.

Đúng tròn một năm trước khi Trà Ngọc Hằng có ý muốn nhờ tôi đưa xuống thăm và chúc Tết nghệ nhân Hà Thị Cầu. Đúng với cái chất của người hành nghề Hát Xẩm, lạ quen chả ảnh hưởng gì, cứ có người tiếp xúc thì đương nhiên là sẽ “tự nhiên như cô tiên” và chính cái cách ấy đã đem lại cho người đẹp một chuyến đi thú vị.

Tôi vẫn còn nhớ, nghệ nhân Hà Thị Cầu khi ấy hỏi không biết bao nhiêu lần câu: “Mày tên gì?” khiến Hằng tưởng nghệ nhân tuổi cao trí nhớ đã không minh mẫn, đến khi trong câu chuyện vui, Hằng nảy hứng muốn học một câu Xẩm và xin làm đệ tử, nghệ nhân Hà Thị Cầu mở lời: “Thế thì phải gọi là Hà Thị Hằng” đã cho chúng tôi một trận cười.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu trên giường bệnh. 
Chắc có lẽ thấy khách toàn người trẻ, lại có cô gái xinh xắn nên nghệ nhân Hà Thị Cầu có ý trêu, đã hát bài “Dứa dại không gai” kể về sự trêu ghẹo tán tỉnh của một chàng trai với một cô gái đã có chồng và có con đang bồng bế trên tay.

Trong đó, lúc cao trào còn có cả những lời rất “hiểm” khiến cô khách trẻ không ngờ các cụ ta ngày xưa lại bạo đến thế: “Hỏi cái gì lù lù trước ngực cô mình bay/ Oản tẻ hay cặp bánh giò vừa trắng vừa xinh/ Em nhích vào đây cho anh bóp cái anh xem”… “Em cứ nghe anh chơi cho gẫy khóa long then/ Chơi cho oản tẻ đi tìm cậu chuối xanh…”

Xẩm là thế mà, luôn bắt nhịp với hoàn cảnh để tạo những không gian phù hợp tạo cảm giác thoải mái cho người tiếp xúc.

Mấy hôm áp Tết Nguyên đán, bất ngờ Hằng điện thoại nhờ chỉ đường đến nhà nghệ nhân Hà Thị Cầu. Tôi không nói gì về chuyến thăm của vị khách này với chị Mận con gái bà, vậy mà khi tới nhà, hôm đó nghệ nhân Hà Thị Cầu đã đỡ hơn, đã bắt đầu nói được trở lại dẫu vẫn còn khó khăn vẫn cất lên được tiếng: “Ngọc Hằng đấy hả?” khiến người đẹp ngỡ ngàng, xúc động. Mới gặp mặt một lần, sau một năm không gặp, lại đang lúc ốm thập tử nhất sinh, vậy mà người nghệ nhân ngót 90 tuổi ấy vẫn còn nhớ tới tên của cô.

Tất nhiên, là người Hát Xẩm kiếm sống bằng nghề đàn ca việc nhận quà thưởng của người tiếp xúc tựa như một hành động thuộc vào… bản năng. Khi Hằng tới thăm, nghệ nhân Hà Thị Cầu ốm là thế, nói mãi mới được một câu chào khách, nhưng khi nói tới món quà Hằng biếu mừng tuổi thì tay cụ Cầu cố giơ giơ quờ vào chỗ gói quà để biết, rồi mới lại tiếp tục lắng nghe những thăm hỏi của người đẹp.

Tôi bỗng nhớ tới câu hát nói về tình bạn mà nghệ nhân Hà Thị Cầu hay hát: “Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn bể nhưng chung một nhà” Coi trọng tình cảm, trân trọng nó dẫu chỉ thi thoảng gặp nhau có lẽ là một trong những đặc tính của người hát xẩm mới có thể giúp người nghệ nhân già dễ dàng nhận ra được người bạn trẻ trong cuộc hạnh ngộ đầy bất ngờ như vậy.
Nghệ nhân xẩm và người đẹp Trà Ngọc Hằng 
Có lẽ sang năm mới Qúy Tỵ này là một trong những cái Tết Nguyên đán khổ nhất đối với nghệ nhân Hà Thị Cầu bởi dù đã tươi tỉnh hơn nhưng nghệ nhân vẫn không thể cầm được cây đàn nhị nhéo nhéo, không thể cất lên được tiếng hát đón chào mỗi khi có khách đến chơi nhà. Không còn được ngồi bên cửa sổ bổi hổi bồi hồi nhớ lại những Tết năm xưa tất bật cùng cả gánh xẩm đi khắp chốn hội xuân để đem câu hát dâng vui hội làng.

Chỉ nghĩ tới đó trong tôi đã vang lên những câu hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu về cái sự cầu may của người hát Xẩm: “Mình với tôi đứng tổ ngồi chầu/ Than thân chả bạc giầu với hoa/ Đi Thanh Lâm lễ phật cầu giời/ Có tâm có đạo phật giời độ cho” hay “Ra đi lễ phật muôn vàn/ Từ bi mến đạo xưa nay tiếng đồn/ Đi lễ cầu phúc cho con/ Tu thân tích đức cho con sau này/ Thiên thời hậu được mới hay”

Nghệ nhân Hà Thị Cầu cả đời gắn bó với Xẩm, tựa như con chim quốc kêu không biết mệt mỏi dâng những lời ca tiếng hát đem vui cho biết bao nhiêu thế thế người Việt từ nông thôn đến thành thị mà không chút danh lợi.

Trọn một đời với nghề, tử sinh với nghề âu thế là có đủ cả tâm và đạo cho nên ắt “Phật giời” sẽ “độ cho”. Đầu xuân năm mới kính chúc cụ nghệ nhân sớm khỏe mạnh trở lại để tiếp tục vui vầy với con cháu, cất lên những tiếng ca tô điểm thêm cho cuộc đời.

Tết Qúy Tỵ 2013
Nguyễn Quang Long

Bình luận
vtcnews.vn