Điện Kremlin hôm 25/10 cho biết cuộc thử nghiệm có sự tham gia của cả ba thành phần của bộ ba hạt nhân: Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, cuộc thử nghiệm tập trung vào việc mô phỏng “một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn của các lực lượng tấn công chiến lược Nga để đáp trả cuộc tấn công hạt nhân của kẻ thù”.
Điện Kremlin cho biết thêm, cuộc thử nghiệm cũng đánh giá khả năng sẵn sàng của lãnh đạo quân đội trong việc chỉ huy các lực lượng hạt nhân chiến lược, nhấn mạnh tất cả các lực lượng liên quan đều “tuân theo” nguyên tắc và đạt được mục tiêu đề ra.
Cuộc tập trận bao gồm việc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars tối tân của Nga từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở phía bắc nước này. Tên lửa đã bắn trúng mục tiêu tại bãi thử tên lửa Kura, trên bán đảo Kamchatka ở vùng viễn đông của Nga, cách bãi phóng hơn 5.700km.
Tuyên bố điện Kremlin cho hay, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Tula của Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo Sineva từ biển Barents, ngay phía bắc vùng Arkhangelsk. Máy bay ném bom hạt nhân chiến lược Tu-95 cũng phóng một số tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Cuộc thử nghiệm diễn ra dưới sự giám sát của Tổng thống Nga Vladimir Putin và được điều phối một phần bởi Trung tâm Điều hành quốc phòng Nga ở Moskva.
Bộ Quốc phòng Nga cũng đã công bố loạt video về cuộc tập trận, trong đó có các vụ phóng tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược của Nga.
Cuộc thử nghiệm hạt nhân của Nga được tiến hành chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Vladimir Putin cam kết rằng Moskva sẽ không tiếp tục thử nghiệm hạt nhân trực tiếp, trừ khi Mỹ phá bỏ điều cấm trước.
Lần gần đây nhất Mỹ tiến hành một vụ thử hạt nhân trực tiếp là năm 1992, trong khi Nga thử vào năm 1990. Ông Putin nhiều lần cảnh báo rằng nếu Washington vi phạm lệnh cấm thử nghiệm trên thực tế, Moskva sẽ đáp trả tương tự để duy trì sự cân bằng.
Hôm 25/10, Hội đồng liên bang Nga (tức Thượng viện) đã nhất trí thông qua dự luật hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).
CTBT cấm tất cả các vụ nổ hạt nhân bất kể mục đích và môi trường, mở rộng các giới hạn được đặt ra trong hiệp ước cấm thử nghiệm một phần trước đó. Không giống như hiệp định tiền nhiệm năm 1963, hiệp định hiện tại chưa có hiệu lực vì một số quốc gia, trong đó có Mỹ, từ chối phê chuẩn.
Bình luận