Quả bom nhiệt hạch mất tích
Khoảng 10 giờ sáng 17/1/1966 theo giờ địa phương, hai máy bay B-52G thuộc Phi đội ném bom số 31 có căn cứ tại Nam Carolina bắt đầu tiếp cận 2 máy bay chở đầu KC-135 trên khu vực bờ biển Tây Ban Nha phía tây nam Cartagena.
Mỗi chiếc B-52G trong số này mang theo 4 quả bom nhiệt hạch B-28 với sức công phá 1,5 megaton thực hiện Chiến dịch vòm crôm. Đây là chiến dịch răn đe của Mỹ với Liên Xô với việc triển khai máy bay ném bom trang bị bom hạt nhân đến các khu vực gần vị trí của Liên Xô.
Tai nạn xảy ra khi 1 chiếc B-52G va vào 1 chiếc KC-135, 4 thành viên phi hành đoàn trên chiếc KC-135 và 3 thành viên phi hành đoàn trên chiếc B-52G thiệt mạng. 100 tấn mảnh vỡ bốc cháy rơi xuống vùng Palomares bên bờ Địa Trung Hải. Trong số đó, có 4 quả bom nhiệt hạch (bom H) trên chiếc B-52G xấu số.
Trong vòng 24 giờ đồng hồ, lực lượng xử lý thảm họa của không quân Mỹ đến căn cứ không quân Torrejon. Các chuyên gia từ các phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos và Sandia cùng lực lượng hậu cần không quân Mỹ lập tức tới thị trấn nhỏ Palomares.
Ba quả bom nhiệt hạch được tìm thấy trong ngày, 1 quả bom trong số này rơi xuống vùng đất mềm và còn nguyên vẹn, nhưng phần thuốc nổ trong 2 quả bom còn lại phát nổ khi chạm đất và các chất phóng xạ plutonium, uranium và tritium vương vãi trên một khu vực rộng lớn. Còn quả bom thứ 4 biến mất.
Trong nhiều tuần, quân đội Mỹ và cảnh sát Tây Ban Nha lùng sục cả khu vực với máy dò phóng xạ nhưng không thể tìm thấy quả bom thứ 4. Các nhân chứng cho biết có thứ gì đó đeo dù đã rơi xuống biển.
Video: Mỹ thử nghiệm bom nhiệt hạch Ivy Mike
Hải quân Mỹ cũng đã điều động 1 tàu kéo đến bờ biển Tây Ban Nha trong vòng khoảng 8 tiếng sau khi vụ tai nạn xảy ra. Sau 5 ngày tìm kiếm vô vọng quả bom thứ 4, không quân Mỹ đành phải nhờ đến hải quân Mỹ để tìm kiếm. Hải quân Mỹ nhờ đến một “pháp sư” có mặt trong lực lượng của mình.
Vị "pháp sư" và phép toán xác suất 250 tuổi
Vị “pháp sư” ấy có tên là John Piña Craven, ông làm nhiệm vụ kiểm tra các bộ phận trên tàu và chuyển hàng hóa. Ông theo học ngành kỹ sư và ngành thủy lực tại Viện công nghệ California và trường Đại học Iowa, sau đó gia nhập quân ngũ trong Thế chiến II. Sau đó, ông tiếp tục phục vụ trong hải quân Mỹ với vai trò một nhà khoa học dân sự.
Sau thảm họa chìm tàu ngầm USS Thresher của hải quân Mỹ xảy ra vào năm 1963, hải quân Mỹ điều động ông từ vị trí lãnh đạo Văn phòng dự án đặc biệt sang bộ phận làm nhiệm vụ cứu hộ và trục vớt tại các vùng biển sâu. Năm 1966, ông tham gia vào chiến dịch tìm kiếm quả bom nhiệt hạch bị mất tích sau vụ tai nạn nói trên.
Vào thời điểm đấy, Nhà Trắng nhận được một số tin tình báo cho biết phía Liên Xô cũng bí mật tiến hành tìm kiếm quả bom nhiệt hạch mất tích, do đó tổng thống Lyndon Johnson gạt phăng việc hải quân Mỹ cho rằng quả bom đã mất tích vĩnh viễn dưới đáy biển.
Nhưng việc tìm kiểm quả bom nhiệt hạch có kích thước nhỏ bằng chiếc xuồng kayak trong khu vực biển rộng hàng trăm km vuông với những tấm bản đồ đáy biển sơ sài gần như là điều bất khả thi. Sau vài tuần tìm kiếm vô vọng dưới đáy biển, Craven quay lại với toán học và tìm đến một lý thuyết xác xuất có tuổi đời 250 năm của nhà toán học người Anh, Thomas Bayes.
Đầu tiên, Craven yêu cầu vẽ lại bản đồ chi tiết vùng đáy biển ở khu vực Palomares, sau đó đưa ra một loạt các giả thiết. Quả bom có 2 chiếc dù, nếu 1 chiếc chỉ mở ra thì thế nào? 2 chiếc mở ra thì thế nào? Không chiếc nào mở ra thì thế nào? Góc độ rơi của quả bom tác động như thế nào? Đội tìm kiếm của Craven thực hiện khoanh vùng theo từng trường hợp cụ thể.
Các phép tính xác suất chỉ ra những địa điểm khác nhau mà quả bom có thể rơi, sau đó các nhà toán học thuộc đội của Craven lại tính toán khả năng xảy ra của mỗi trường hợp và kết quả cuối cùng được tổng hợp thành tấm “bản đồ xác suất” với các vị trí có khả năng nhất để tìm thấy quả bom.
Các nhà khoa học cho rằng quả bom không thể rơi gần khu vực xác máy bay. Hải quân Mỹ điều động hai tàu ngầm nghiên cứu Alvin và Aluminaut để tìm kiếm tại các địa điểm theo tính toán của Craven, nhưng không thu được kết quả gì. Đội của Craven tiếp tục tính toán dựa trên những thông tin mới thu thập được.
Khi Nhà Trắng nhận được báo cáo mới nhất của Craven, tổng thống Johnson yêu cầu cử một nhóm “chuyên gia thứ thiệt” để giải quyết vấn đề. Thế nhưng sau khi nhận được báo cáo của Craven, một nhóm các chuyên gia từ Viện công nghệ Massachusetts (MIT) và trường Đại học Cornell đồng ý rằng phương pháp lạ lùng mà Craven dùng là hợp lý nhất lúc này.
Trong khi đó, một ngư dân tên là Francisco Simó Orts cho biết ông đã nhìn thấy một vật thể trông giống quả bom rơi xuống mặt nước. Khi được mời lên tàu quét mình USS Pinnacle, người ngư dân này chỉ hướng ra vị trí nơi thiết bị thủy âm thu được tín hiệu lạ. Khu vực này nằm trong vùng xác suất cao của tấm bản đồ do đội của Craven xây dựng.
Tàu ngầm nghiên cứu Alvin phát hiện được vật thể hình trụ bằng kim loại với dù ở độ sâu 777 m, nhưng không thể trục vớt được vật thể này. Sau đó 3 tuần, một tàu ngầm điều khiển từ xa đã trục vớt thành công quả bom, mặc dù trong quá trình trục vớt con tàu này bị vướng vào chiếc dù.
Phương pháp của vị “pháp sư” Craven sau này được chính ông sử dụng để tìm kiếm tàu ngầm hạt nhân USS Scorpion bị chìm vào ngày 21/5/1968. Sau này, người ta tiếp tục sử dụng phương pháp của ông để tìm kiếm chiếc máy bay xấu số mang số hiệu 447 của Hãng hàng không Pháp gặp nạn khi bay từ Rio de Janeiro tới Paris năm 2009.
Bình luận