(VTC News) - Ít ai biết rằng, một thời Mr Đàm từng đi buôn đồ trả góp, lãi cao hơn nhiều lần so với cho vay nặng lãi.
Làm con buôn đồ trả góp
Chuyện Đàm Vĩnh Hưng làm anh thợ cắt tóc hầu như ai cũng biết, chuyện Đàm Vĩnh Hưng đi hát không được giải gì suốt quãng thời gian khó khăn cũng nhiều người nắm rõ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đã từng nghe rằng Đàm Vĩnh Hưng ngày đó, ngoài cần mẫn cắt tóc cho khách hàng ngày, ngoài cặm cụi đến những tụ điểm ca nhạc để chầu chực xin hát, anh còn là một tay buôn đồ trả góp:
Mua cái quần 30 nghìn tôi bán 45 nghìn, lời cao lắm, còn hơn cả cho vay nặng lãi nữa mà mình lại không phải dây dưa với xã hội đen.
Cho vay tiền lời có 20% thôi, còn bán đồ như vậy lời tới 50% liền. Mà mọi người muốn mua gì cũng được nhưng phải mua của tôi, chứ tôi không cho vay tiền để tự ra phố mua đâu.
Thực ra cũng không phải cùng cực quá mà tôi phải kiếm thêm việc vào người như thế. Nhưng đơn giản bởi lúc trước, nhà tôi thiếu nợ những người xung quanh, họ đến nhà chửi bới, làm om sòm mọi chuyện, đồ đạc nhà tôi bị vứt ra đường lăn lóc, tôi thù lắm.
Đời tôi lúc nào cũng là 1-1 chứ đừng mong thắng được 1-0 với tôi, sớm muộn gì tôi cũng ăn thua đủ với người ta mà thôi bởi tôi đâu có chịu thua ai bao giờ.’
Giáo viên thanh nhạc bất tài
Chăm chỉ học thanh nhạc của thầy Hoài Nam, nhưng Đàm Vĩnh Hưng vẫn phải cắn răng đóng tiền cho một cô giáo dạy nhạc khác không bởi những kiến thức của cô ấy.
Anh cho rằng đây là một sự trả giá xứng đáng để mình có thể có vị trí trên sân khấu của cô giáo này:
‘Khi đó học thanh nhạc, được thầy cử đi hát ở Quân đoàn 4, Quân đoàn 5, câu lạc bộ ca sỹ trẻ thanh niên… Mỗi lần đi hát được 20, 25 nghìn thôi, những chương trình nào đắt giá lắm thì mới lên được 50 nghìn. Tôi đều tích góp lại để trả cho một cô giáo dạy thanh nhạc rất nổi tiếng thời bấy giờ.
Là giáo viên thanh nhạc nhưng cô giáo này lại không hề có chuyên môn, học nhạc của cô vui lắm. Người ta luyện thanh bằng đàn piano thì cô luyện thanh bằng đàn organ, echo vang trời mây luôn.
Đang giờ học cô cũng sẵn sàng cho cả lớp nghỉ bởi hôm đó không có ai đón con. Vào lớp luyện thanh thì hôm nào cũng là một điệp khúc:
- Hát bài gì?
- Dạ, chiều xuân.
- Điệu gì?
- Dạ, Disco
- Tông gì?
- Dạ, đô trưởng
- Ừ hát đi.
Khi nào cũng thế, nguyên một tông từ đầu đến cuối bài, thế nên những học viên mới vui mồm gọi đây là lớp luyện thanh có một không hai.
Thầy Nam biết chuyện, cũng chẳng giận gì tôi mà chỉ cười khuyên tôi ráng theo học để có chỗ mà tung hoành.
Khi đó, đến giờ diễn tôi chỉ ngồi một chỗ trong cánh gà, không nói chuyện với ai, hoặc có thể không ai thèm nói chuyện với mình, lúc đấy cảm thấy xấu hổ lắm nhưng phải chấp nhận thôi, vì mình đã trót đam mê rồi.
Mà cũng chỉ cầu trời khấn phật cho ca sỹ nào đó kẹt xe hay đau bụng, bị bể show thì mình mới được lấp vào danh sách biểu diễn, quê mà cực gì đâu.’
Bị đồng nghiệp chơi đểu
Tình cảnh của những ca sỹ mới nổi chỉ hát lót, làm nền cho những ngôi sao không ai không biết. Nhưng sự cạnh tranh giữa những ca sỹ hát lót với nhau cũng khốc liệt không kém cuộc chiến thăng hạng, bởi ai cũng muốn mình được hát, được lọt vào mắt xanh của những ông bầu và từ đó có thể bước thêm một bước tiến mới.
Đàm Vĩnh Hưng cũng không tránh khỏi những cuộc cạnh tranh ra mặt như thế: ‘Hồi đó cả Việt Nam không ca sỹ trẻ nào hát được bài Chiều xuân như tôi, bởi tôi mê Thanh Lam lắm, tôi hát cực giống chị Lam luôn.
Khi chị làm liveshow Cho em một ngày ở sân vân động, vẫn nhớ hình ảnh mái đầu vừa được cạo của chị và hát ca khúc này.
Chỉ cần chị biểu diễn hôm trước thì hôm sau tôi đã nắm hết được bí quyết, sau đó còn nghêu ngao tập đi tập lại nữa nên trong lứa ca sỹ trẻ có ai qua nổi tôi với Chiều xuân đâu.
Có một người khi đó cũng cùng học với tôi mà đến bây giờ vẫn là một tên tuổi khá nổi, khen tấm tắc tôi hát bài này hay quá, bảo tôi hát đi hát lại vài lần cho nghe. Mình thì ngây thơ, thấy được khen thì hát quá trời hát, ai dè người ta học hết bí quyết của mình.
Hôm đó tôi đến đăng ký Chiều xuân thì ban nhạc kêu rằng có người hát rồi, tôi nhanh chóng đổi sang bài tủ khác là Vĩnh biệt mùa hè. Đây cũng là một ca khúc ‘ruột’ của tôi thế nên tôi biểu diễn trơn tru mà không có vấn đề gì cả.
Xong xuôi, tôi ra về lấy xe thì thấy điệu nhạc của bài Chiều xuân nổi lên, ai dè chính là giọng của người đã nhờ tôi hát để cho học lỏm.
Cạnh tranh kiểu đấy thì sớm muộn gì thì cũng phải 1-1 với tôi thôi, đừng nghĩ là ghi bàn trước là thắng tôi. Hãy chờ đấy.’
Suốt mười năm bươn chải với cửa tiệm cắt tóc, với việc bán đồ trả góp, với những show ngoài trời hát lót, rồi cạnh tranh, rồi chơi xấu nhau, cuối cùng thì thời của Đàm Vĩnh Hưng cũng tới…
(còn tiếp)
Hiếu Cao
Bình luận