Bỗng "chết yểu"
Cách đây 7 tháng (tháng 10/2019), việc chuỗi nhà hàng Món Huế (thuộc Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam) do ông Huy Nhật đồng sáng lập (giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành) cùng bà Trần Thị Thanh Tâm (làm Bếp trưởng) đột ngột đóng cửa khi vẫn nợ lương nhân viên và các nhà cung cấp hàng trăm tỷ đồng gây xôn xao dư luận và giới kinh doanh Việt Nam.
Thời điểm đó, sau khi nhận đầu tư nhiều lần với số tiền hơn 70 triệu USD từ nước ngoài, Huy Nhật lặng lẽ rút lui, nhường vai trò đại diện pháp luật công ty cho người khác chỉ một tuần trước khi chuỗi nhà hàng này đóng cửa. Trong khi đó, tiền trong tài khoản công ty đã bị rút sạch chỉ còn chưa đầy 300 triệu đồng.
Cụ thể, ngày 2/10/2019, hơn một tuần trước khi các nhà hàng Món Huế bắt đầu đóng cửa, Công ty Huy Việt Nam thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh (36 tuổi, giữ vị trí Giám đốc công ty).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quỳnh Anh không được giới thiệu trong phần thông tin về ban lãnh đạo công ty trên website doanh nghiệp.
Anh N.H., một nhà cung cấp cá hồi cho chuỗi nhà hàng Món Huế ở TP.HCM cho biết, trước thời điểm Món Huế đột ngột đóng cửa thì mọi giao dịch buôn bán giữa hai bên vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn tăng cao.
"Ngày 19/10/2019 Món Huế vẫn chốt công nợ với tôi với nội dung bắt đầu từ tháng 11 sẽ trả 140 triệu vào mùng 10 hàng tháng đến khi hết số tiền nợ hàng. Họ hẹn mình 25 là chuyển tiền, nhưng mới 21 đã thấy trên mạng đăng là kéo băng rôn ở trụ sở công ty để đòi tiền do chuỗi nhà hàng đóng cửa. Khi tôi liên lạc lại để xác nhận thì không có phản hồi từ phía nhà hàng”, anh N.H nói.
Thời gian đầu, chiến lược kinh doanh của Món Huế đạt được thành công nhất định. Sau khi vượt qua được giai đoạn khắc nghiệt của lĩnh vực nhà hàng, Món Huế nhanh chóng mở rộng quy mô.
Chỉ trong hai năm 2014 và 2015, chuỗi nhà hàng Món Huế gọi vốn thành công với tổng giá trị 30 triệu USD từ các nhà đầu tư Malaysia, Hong Kong, Hàn Quốc và Mỹ. Trước đó, chuỗi nhà hàng này cũng được nhiều quỹ đầu tư khác nhau “bơm” tổng số vốn lên đến con số 65 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng).
Nhờ có nguồn lực cực lớn trong tay, Món Huế nhanh chóng tăng độ phủ trên thị trường lên đến con số 100 cửa hàng, tọa lạc hầu hết ở các vị trí đắc địa, trung tâm thương mại của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, những tham vọng của Món Huế có dấu hiệu sẽ hoàn toàn sụp đổ khi đồng loạt đóng cửa toàn bộ và ông chủ công ty này đang bị các nhà cung cấp tố nợ tiền hàng.
Theo các nhà cung cấp, việc tuyên phá sản chuỗi nhà hàng Món Huế là hết sức vô lý vì báo cáo kết quả kinh doanh mà Huy Nhật gửi cho họ luôn khả quan. Vậy số tiền hơn 70 triệu USD đã đi đâu để Món Huế bỗng nhiên phải "chết yểu"?
Lợi dụng môi trường đầu tư Việt Nam để trục lợi?
Khi câu hỏi này còn loay hoay chờ TAND TP.HCM giải đáp thì ngày 19/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Công ty TNHH MTV Horizon Property Group, công ty này cũng do chính ông Huy Nhật làm giám đốc với kịch bản gần như tương tự.
Theo đó, Bộ Công an nhận được đơn tố giác của một số công ty nước ngoài cùng tố giác ông Huy Nhật chiếm đoạt 25 triệu USD (gần 600 tỷ đồng) thông qua việc góp vốn đầu tư thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng diện tích 162ha tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Ngoài ra, ông Huy Nhật cũng bị Công ty Huy Vietnam (Hong Kong) Limited tố giác có hành vi chiếm đoạt 1.269 tỷ đồng thông qua hoạt động kinh doanh của 2 công ty này.
Từ quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo các nhà đầu tư nước ngoài, tuy kêu gọi đầu tư cho dự án du lịch nghỉ dưỡng Lăng Cô nhưng khi nhà đầu tư "rót" 25 triệu USD vào một công ty chung tại Singapore thì Huy Nhật lại tự ý chuyển toàn bộ số tiền này cho công ty của mình ở Việt Nam và rút hết.
Trong khi đó, qua xác minh thì không tìm thấy thông tin dự án nào của Huy Nhật tại địa điểm đã kêu gọi đầu tư. Bằng cách nào đó, tổng số tiền gần 2.000 tỷ đồng các nhà đầu tư nước ngoài rót cho Huy Nhật bỗng biến mất… một cách vô lý.
Câu hỏi được đặt ra, ai là đạo diễn của những màn “ảo thuật” tinh quái khiến "giới cá mập quốc tế" sập bẫy. Đồng thời, vai trò, trách nhiệm của Huy Nhật trong 2 vụ việc này được xem xét thế nào?
Một thực tế, nhiều năm qua Việt Nam liên tục có mặt trong top những quốc gia thành công nhất trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của khu vực và thế giới. Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2019 nguồn vốn FDI vào Việt Nam đạt khoảng 38 tỷ USD.
4 tháng đầu năm 2020, dù chịu ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế toàn cầu do dịch COVID-19, nguồn vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt 12,33 tỷ USD.
Những con số biết nói chứng minh Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ngoại với tiềm năng và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ. Thế nhưng, nhiều khả năng những nỗ lực của cả Đất nước sẽ bị phá hỏng bởi “sâu mọt” đầu tư kiểu Huy Nhật.
Bằng chứng đau lòng nhất là sau khi phi vụ dự án “ma” Lăng Cô bị vỡ lở, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, các nhà đầu tư nước ngoài đã giãi bày với truyền thông rằng, 25 triệu USD "rót" vào dự án của Huy Nhật chỉ là bước đi mở đầu cho những kế hoạch dài hạn phía trước.
Với họ, Việt Nam là môi trường đầu tư tuyệt vời. Song hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của Huy Nhật đã buộc họ phải suy nghĩ lại. Thông điệp này của các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, ngành chức năng Việt Nam không thể ngồi yên với 2 vụ việc liên tiếp dính đến cá nhân ông Huy Nhật, không thể để xảy ra tình trạng “người làm sạch, kẻ đi bôi nhọ” môi trường đầu tư như hiện nay.
Có hay không việc Huy Nhật đang lợi dụng "tấm áo choàng" môi trường đầu tư uy tín, cởi mở của Việt Nam để phục vụ mục đích cá nhân. Trong đó, chuỗi nhà hàng Món Huế nổi tiếng và bãi biển Lăng Cô là 2 trong số nhiều công cụ được Huy Nhật lựa chọn để thực hiện ý đồ của mình?
Video: Khách hàng Cocobay bức xúc vì chủ đầu tư đơn phương huỷ hợp đồng mua bán
Bình luận