Tờ Foreign Policy dẫn lại bức thư của một nhóm các nhà lập pháp đại diện Quốc hội Mỹ gửi cho Tổng thống Joe Biden rằng, Washington nên viện trợ bom chùm hoặc các loại đạn pháo phân mảnh cho Ukraine.
Các nhà lập pháp cho rằng ông Biden nên tận dụng "kho vũ khí khổng lồ" của Mỹ để viện trợ cho Ukraine.
Bom chùm hoặc đạn pháo phân mảnh là loại vũ khí có thể mang theo hàng chục cho đến hàng trăm quả đạn con với tầm sát thương rộng hơn so với các loại bom đạn thông thường. Bom chùm thường được sử dụng để chống lại bộ binh hoặc phương tiện cơ giới.
Cũng theo Foreign Policy, các loại bom do Mỹ chế tạo còn được gọi là bom thông thường cải tiến kép (DPICM), có thể xuyên thủng các loại phương tiện bọc thép dày từ 10 đến 20 cm.
Điểm nguy hiểm của bom chùm là không phải tất cả đạn con sẽ kích nổ ngay thời điểm được phóng, chúng có thể nằm yên trên mặt đất và đợi “mục tiêu” đến sau hàng chục năm.
Thực tế này đã khiến hơn 110 quốc gia, trong đó có nhiều thành viên NATO, cấm bom chùm theo một công ước của Liên hợp quốc vào năm 2008.
Mỹ hiện không tham gia công ước nhưng đã cấm xuất khẩu bom chùm từ năm 2009. Lệnh cấm này cũng áp dụng cho hầu hết kho dự trữ hiện có của nước này.
Tuy nhiên các nhà lập pháp Mỹ cho rằng, bom chùm được phát triển để đối phó với mối đe dọa từ Liên Xô (nước Nga hiện nay) trong chiến tranh Lạnh, do đó đây là thời điểm thích hợp để sử dụng chúng.
Từ đầu năm 2023, quân đội Ukraine đã bắt đầu được phương Tây viện trợ cho một số loại đạn pháo 155 mm phân mảnh, tuy nhiên nước này chưa được trang bị các loại bom chùm được phóng từ máy bay chiến đấu.
Lầu Năm Góc gần đây cũng lên tiếng ủng hộ viện trợ thêm bom chùm cho Ukraine, và cho rằng loại vũ khí này sẽ giúp Ukraine vô hiệu hóa hệ thống công sự kiên cố của Nga trên chiến trường.
Tuyên bố trên của Lầu Năm Góc được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch phản công của Ukraine sắp bước sang tháng thứ 2 nhưng Kiev không đạt được nhiều kết quả.
Moskva trước đó đã cảnh báo Washington về việc gửi bom chùm tới Ukraine. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov, những hành động như vậy sẽ gây hậu quả cho cả an ninh của NATO và việc bình thường hóa quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ.
Trước đó Kiev đã nhiều lần yêu cầu Mỹ viện trợ các loại bom, đạn chùm cho nước này. Quân đội Ukraine muốn được chuyển giao loại bom chùm MK-20 có thể được thả từ máy bay không người lái.
Hiện nay, các quan chức Mỹ vẫn đang xem xét việc gửi bom chùm cho Ukraine. Bản thân Tổng thống Biden cũng có khả năng dỡ bỏ hạn chế viện trợ cho bom chùm Ukraine bất cứ lúc nào.
Bình luận