• Zalo

Làm sao chặn cán bộ về hưu giàu bất thường?

Thời sựThứ Hai, 15/12/2014 07:35:00 +07:00Google News

Cán bộ về hưu giàu bất thường: Giám sát quyền lực và giám sát tài sản phải song hành và nghiêm ngặt.

Giám sát quyền lực và giám sát tài sản phải song hành và nghiêm ngặt.

Gần đây, dư luận bức xúc trước các vụ cán bộ về hưu bị lộ ra nhiều tài sản “khủng”. TS Hồ Bá Thâm, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho biết: “Cần có cơ chế để giám sát việc công khai tài sản của quan chức”.


Phải kiểm soát chặt tài sản khi còn đương chức


TS Hồ Bá Thâm
- Ông nhìn nhận như thế nào về việc kiểm soát tài sản quan chức ở ta, nhất là đối với cán bộ về hưu? Theo quy định của pháp luật hiện nay, cán bộ về hưu thì không phải kê khai tài sản.


Ở nước ta tiến hành kê khai tài sản nhưng công tác kiểm tra, giám sát bản kê khai tài sản này lại không có hệ thống. Chỉ khi có những biểu hiện vi phạm do báo chí phanh phui ra hoặc dư luận xầm xì thì cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra và xử lý, như thế là chậm.

Như trong vụ ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ), giả sử ông Truyền không làm nhà to như thế chắc gì ông Truyền đã bị lộ. Qua đây có thể thấy việc kiểm soát tài sản cán bộ của chúng ta còn lỏng lẻo, quan chức không tự lộ thì khó mà phanh phui ra được. Điều này đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện hơn hành lang pháp lý và các công cụ để kiểm soát sự trung thực trong kê khai tài sản của quan chức khi còn tại vị.

 Qua đó có thể phát hiện ra sự kê khai gian dối ngay từ khi đương chức chứ không phải đợi đến khi về hưu và có dấu hiệu mới phát hiện ra.


- Với những trường hợp cán bộ (nhất là cán bộ ở những vị trí nhạy cảm) về hưu mới lộ ra tài sản khủng sẽ dẫn đến những hệ lụy gì?

Có hai mặt. Một mặt dư luận sẽ đặt câu hỏi những người làm công tác thanh tra như ông Truyền mà cũng sai phạm như thế thì những quan chức khác thế nào. Dẫn đến họ có một suy luận rằng quan chức trước khi về hưu thường lợi dụng chức quyền tranh thủ cơ hội để trục lợi.

Đó là tư tưởng cơ hội. Người dân cũng sẽ đặt ra câu hỏi chắc là còn nhiều ông Truyền như thế nhưng chưa bị lộ. Để dân nghĩ như thế là ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.


 
Việc công khai tài sản của chúng ta hiện nay còn rụt rè, thường chỉ mang tính nội bộ ở các cơ quan. Vấn đề là càng rụt rè, không minh bạch, chế tài không nghiêm thì nhân dân càng xầm xì những chuyện không hay, đến một lúc nào đó sẽ trở thành điều bất lợi.
 
Mặt khác, nếu chúng ta cương quyết xử lý những sai phạm hơn nữa thì người dân sẽ có cái nhìn khác. Thiết nghĩ cán bộ chức càng cao, nếu sai phạm thì chúng ta càng phải xử lý nghiêm khắc để lấy lại niềm tin của nhân dân vào những gì chúng ta đã nói.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy rằng nếu người đứng đầu có sự dũng cảm, thái độ cương quyết thì có thể xử lý được tham nhũng. Chúng ta cũng nên có những chiến dịch săn tham nhũng như thế để tạo bước đột phá.


- Đối với cán bộ cao cấp càng phải giữ liêm chính cho tới cả khi về hưu, đó được xem như giềng mối để giữ vững sự ổn định và niềm tin của dân chúng. Làm sao để cán bộ nhận thức thật rõ không phải “hạ cánh là an toàn”, thưa ông?

Người ngay thường đơn giản, có sao bộc bạch vậy. Còn những người có lòng tham, tinh khôn và thủ đoạn thì người ta có cách che giấu những hành vi bất minh.

Có người nghĩ rằng mình về hưu rồi không việc gì phải sợ nữa nên mới để lộ ra tài sản “khủng” như thế. Như chúng ta đã thấy, đâu phải “hạ cánh là an toàn”, vì rất nhiều trường hợp đã bị xử lý. Vấn đề còn lại, như tôi đã nói là anh xử có đủ nghiêm để có tác dụng răn đe hay không thôi.


Để giữ liêm chính, công tác giáo dục là rất cần thiết nhưng quan trọng vẫn là hình thành có cơ chế bằng luật pháp và xử lý thật nghiêm. Từ đó mới có tác động mạnh mẽ đến việc hình thành nhận thức về sự liêm chính ấy trong cán bộ.

 
 
Gần đây xảy ra nhiều vụ cán bộ về hưu lộ ra 'biệt thự khủng'. Ảnh: CTV - Lê Phi 

Cán bộ cao cấp về hưu cần kê khai tài sản


- Theo ông, làm sao để kiểm soát tài sản khi quan chức về hưu?

Giám sát quyền lực và giám sát tài sản phải luôn song hành và chặt chẽ. Trên thế giới người ta giám sát quyền lực và tài sản rất nghiêm ngặt dù quan chức đó đương chức hay đã về hưu.

Theo tôi, để kiểm soát tài sản quan chức, nhất là với cán bộ cao cấp thì không chỉ khi đương chức mà cả khi cán bộ đó về hưu cũng phải tiến hành kê khai tài sản. Kê khai tài sản là cơ sở để biết được thu nhập của quan chức là chính đáng hay bất minh. Hoặc phải có cơ chế để phát hiện và xử lý sự bất minh trong tài sản của anh.

Mặt khác, ở nước ta nhiều ý kiến đề nghị để việc kê khai tài sản phát huy tác dụng trong việc phòng, chống tham nhũng thì nên công khai tài sản cho toàn dân giám sát.

Đây là ý kiến cần phải được nghiên cứu xác đáng để triển khai. Tôi nghĩ chúng ta phải làm từng bước, chọn đối tượng như thế nào đó để công khai, có thể các vị trí cấp cao nên công khai trước ở khu dân cư họ sinh sống.

Cùng đó, trước mỗi nhiệm kỳ bầu cử trong Đảng, bầu cử Nhà nước hay khi bầu những chức danh quan trọng phải công khai tài sản các ứng viên cho người dân giám sát. Ngoài công khai rộng rãi ở khu dân cư, có thể công khai trên báo chí, trên mạng để cử tri theo dõi.


Đối với những quan chức cấp cao trước khi về hưu cũng phải công khai tài sản, đó cũng là một cách để kiểm soát. Nhưng tôi nghĩ vấn đề quan trọng vẫn là công khai ngay từ đầu, khi anh có chức danh nào đó. Thậm chí vợ con của quan chức đó cũng phải công khai.

Tất nhiên ở đây phải có cơ chế cụ thể thế nào để dân giám sát chứ nói chung chung thì không thực hiện được.

- Ông đánh giá như thế nào về các mức độ công khai bản kê khai tài sản của cán bộ chúng ta hiện nay?

Việc công khai tài sản của chúng ta hiện nay còn rụt rè, thường chỉ mang tính nội bộ ở các cơ quan. Vấn đề là càng rụt rè, không minh bạch, chế tài không nghiêm thì nhân dân càng xầm xì những chuyện không hay, đến một lúc nào đó sẽ trở thành điều bất lợi.

“Bệnh nể nang” dẫn đến tha hóa

Nể nang là muốn nói đến trọng tình cảm nhưng nếu dùng nể nang để giải quyết những việc phi pháp, không đúng cái lý, không đúng đối tượng và không đúng chủ trương của Nhà nước thì rõ ràng đó là sai và tha hóa rồi. Nể nang cũng là một nguyên nhân dẫn đến tham nhũng bởi vì đằng sau sự nể nang này luôn đi kèm sự “có đi có lại” nào đó. Đằng sau sự nể nang có sự bất minh. Đặt vấn đề như thế là có cơ sở.

Người Việt Nam sống tình cảm, nghĩa tình nhưng từ “nể nang” đó bị lợi dụng rất nhiều. Nể nang trở thành phổ biến. Nể nang mà đằng sau đó là vụ lợi, là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái, hư hỏng. Chúng ta xây dựng một xã hội dân chủ pháp quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền dứt khoát chúng ta phải xây dựng quan niệm trọng về lý, trọng luật pháp, như thế mới khắc phục được bệnh nể nang.

TS HỒ BÁ THÂM

Theo PLO
Bình luận
vtcnews.vn