Tuy nhiên vẫn có rất nhiều câu chuyện khác chứng minh Maradona là bậc thầy về kỹ thuật sử dụng quả bóng, qua đó nâng tầm bóng đá lên một nghệ thuật.
Theo BLV Quang Tùng, nếu nhìn kỹ lại, quãng thời gian chói sang với những thành tích khác biệt của Maradona chỉ khoảng 4-5 năm từ 1985 đến 1990. Với thời gian không dài nhưng Maradona đã lay động tất cả bằng một thứ bóng đá đầy cảm hứng.
“Anh ấy dẫn dắt không chỉ các cầu thủ mà cả đám đông. Hàng triệu người trên thế giới chỉ chờ xem Maradona ra sân. Sau này, thế hệ của chúng tôi không chỉ chờ Maradona thi đấu mà còn chờ xem anh ấy khởi động. Anh ấy khéo đến mức có thể tâng tất cả mọi thứ có hình dạng tròn tròn bằng nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể.
Và nhìn lại cú đánh tay của anh ấy năm 1986 cũng rất khó phát hiện. Chỉ một góc máy của phóng viên ảnh chụp lại phía sau cầu môn mới phát hiện ra anh vung tay, chạm tay vào bóng. Còn gần như truyền hình chịu chết. Người ta kết luận chỉ có thiên tài như Maradona mới thực hiện được một cú đánh tay đưa bóng vào lưới gọn đến thế và cũng chỉ có thủ thành Peter Shilton là người hiểu được chuyện này. Các ông trọng tài chính và các trợ lý đều không hiểu", BLV Quang Tùng cho biết.
Video: Xem kỹ thuật đỉnh cao của Diego Maradona
BLV Quang Huy bổ sung Maradona có thể tâng với cả khối Rubik. BLV của đài VTC chia sẻ rằng, trên YouTube vẫn có một clip quay lại cảnh Maradona sau này, dù phát phì nhưng khi vui đùa với bóng tennis cùng Novak Djokovic, vẫn có thể dùng gầm giầy dập quả bóng tennis với tốc độ rất nhanh đến khi nào muốn ngừng thì ngừng.
Theo chia sẻ của Nhà báo Anh Ngọc, chính Michel Platini đã nói rằng, những gì ông làm được với quả bóng thì Maradona làm được với quả cam. Trên YouTube hiện vẫn còn một clip về cách Maradona khởi động thế nào trước trận chung kết UEFA Cup năm 1989 với Stuttgart. Bài tập của anh không giống bất cứ ai, nó rất kỳ lạ.
Video: Màn khởi động kỳ lạ của Maradona
So sánh tài năng của Maradona và Pele cũng là câu chuyện không có hồi kết. Nhưng theo BLV Quang Huy, anh thích cách so sánh của nhà báo Bùi Việt Sỹ trên tờ Lao Động Tết 2006. Ông Sỹ dùng hình ảnh hổ và sư tử để nó về Maradona và Pele. Đại để trong khu rừng hổ và sư tử mạnh, nguy hiểm thế nào thì ai cũng biết, nhưng để nói ai mạnh hơn ai thì khó. Và còn phải xét trong từng hoàn cảnh.
“Bản thân Maradona trước đây có người hỏi thẳng giữa Maradona và Pele ai giỏi hơn. Maradona đã trả lời một cách đầy sảng khoái rằng: “Mẹ Pele sẽ nói Pele giỏi hơn, còn mẹ tôi sẽ nói tôi giỏi hơn”. Nói thế để thấy rằng, cuộc so sánh này bất tận.
Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, tôi vẫn thích con người bộc trực, sống bản năng, tạo ra cảm hứng sảng khoái như Maradona. Pele tiêu biểu cho nhà thể thao vĩ đại còn Maradona là người có sức hút, truyền cảm hứng vô đối.
Với tôi đến lúc này, nhắc tới Maradona không chỉ là cảm hứng, là kỷ niệm với bóng đá mà còn gợi lại cả một thời kỳ gian khó của đất nước Việt Nam. Nói đến Maradona là hình dung tới cái tivi đen trắng, xem World Cup một đêm mất điện mấy lần, phải đi đấu trộm điện để xem tiếp. Rồi vừa xem vừa tranh thủ buổi đêm xách xô nước ra vòi nước tập thể để hứng nước”, BLV Quang Huy cho biết.
Nhà báo Trương Anh Ngọc cũng đồng quan điểm. Theo anh, Pele là người phổ cập bóng đá còn Maradona nâng tầm bóng đá thành nghệ thuật và làm cho chiếc áo số 10 trở nên bất tử.
“Chúng ta có thể ngưỡng mộ Pele, coi ông ấy là vua bóng đá nhưng mà thần tượng, cho vào trái tim của mình thì chỉ có một con người là Maradona”, nhà báo Anh Ngọc nói.
BLV Quang Tùng chia sẻ thêm: “Maradona khóc lần đầu tiên ở chung kết World Cup 1990 sau khi thua Đức. Một lần khác anh khóc tức tưởi trên khán đài World Cup 1994 sau khi nhận lệnh cấm của FIFA vì doping. Khi đó, anh khóc trên vai người vợ của mình vì đội tuyển Argentina bị loại bởi Romania. Sau này, anh còn nhiều lần khóc nhưng dường như chỉ khóc vì Argentina. Đó là tình yêu rất lớn để người ta luôn tôn trọng Maradona”.
“Maradona sống bằng bản năng, bằng tâm trạng của mình. Điều gì trong tim anh thôi thúc thì anh ấy làm và không ngại. Anh ấy không dối trá với bất cứ ai (có thể dối trá với bản thân mình). Anh ấy sống thế nào, anh ấy thể hiện ra như thế. Anh ấy vừa là thiên thần, vừa là ác quỷ. Anh ấy ghi bàn bằng tay và bao biện cho hành động của mình bằng bàn tay của Chúa. Nhưng ngay sau đó là pha đi bóng qua 5 cầu thủ đội tuyển Anh ghi bàn vào lưới. Tức là ngay sau khoảnh khắc của một tội đồ là khoảnh khắc của thiên tài. Và cuộc đời của anh ấy cũng như vậy.
Trong cuốn tự truyện của mình, anh ấy viết: “Tôi là Diego, tôi là chính tôi!”. Chúng ta cũng vậy, sẽ rất hãnh diện khi ra ngoài cuộc sống vỗ ngực, tôi là chính tôi, tôi không là ai khác.
Tôi đón nhận cái chết của Maradona bằng sự bàng hoàng chứ không sốc, bởi anh ấy đã ở lằn ranh của sự sống và cái chết từ nhiều năm nay rồi. Năm 2005 lần đầu tiên anh ấy vào bệnh viện, người ta đã cầu nguyện cho anh ấy bên ngoài bệnh viện. Và từ đó anh ấy liên tục vào bệnh viện.
Với tôi, sự ra đi của Maradona ở tuổi 60 là sự giải thoát. Nhìn lại cả quãng đời của anh ấy, chúng ta chỉ luôn muốn anh ấy sống mãi trên sân cỏ, nơi anh kiểm soát được tất cả, là thủ lĩnh, là người truyền cảm hứng. Còn ngoài đời, Maradona không kiểm soát được, anh ấy bị những cám dỗ lôi kéo, anh ấy chơi với cả mafia, với xã hội đen… Vì vậy, cái chết này giải thoát cho Maradona, cho anh nhẹ nhõm hơn và chúng ta sẽ mãi nhớ về anh với tư cách là một người trên sân cỏ”, Nhà báo Anh Ngọc chia sẻ thêm.
Có thể nói, bất kỳ ai trong chúng ta, từ người đam mê cho đến không biết gì về môn thể thao vua cũng đều biết đến cái tên Maradona và có kỷ niệm về huyền thoại bóng đá lẫy lừng này, đặc biệt là qua những mùa World Cup khi kinh tế đất nước còn rất khó khăn. Mời độc giả chia sẻ kỷ niệm về anh trong ô bình luận bên dưới hoặc gửi tới email: [email protected]
Bình luận