Sáng 13/6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Nội dung thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp trong 2 ngày 13 và 15/6 để cử tri cả nước theo dõi.
Phiên thảo luận thu hút sự quan tâm của các ĐBQH, nhiều ý kiến được đưa ra cho thấy những tồn tại bức thiết ở các địa phương và các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, xã hội.
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng thời kỳ hậu COVID-19 chứng kiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu cú sốc lớn, không ít phải dừng hoạt động. Ông cho rằng dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.
Ông Nguyễn Như So đề xuất Chính phủ nghiên cứu, có thêm các chính sách, các gói cho vay với ưu đãi, lãi suất hấp dẫn hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được vốn. Cùng với đó, cần các có thêm ưu đãi gia hạn các khoản nợ, giảm lãi các khoản vay, không tính lãi phạt chậm trả…
Liên quan đến vấn đề hoãn tăng lương, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ tác động và báo cáo rõ việc hoãn tăng lương cơ sở kéo dài bao lâu, nguồn lực dành ra sử dụng vào những mục tiêu nào.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng chưa có thống kê cụ thể, nhưng cuộc chiến chống COVID-19 chắc chắn đã tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của cả nước và chắc chắn giai đoạn phục hồi sau dịch cũng sẽ cần rất nhiều nguồn lực. Do đó, ông Thắng ủng hộ việc chưa tăng lương cơ sở, lương hưu.
Đây là quyết định ảnh hưởng tới thu nhập của hàng triệu người dân nhưng theo đại biểu Thắng đây là sự hy sinh cần thiết.
“Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, tôi tin rằng quyết định chưa tăng mức lương cơ sở để dành nguồn lực cho những mục tiêu cấp bách khác, dù còn có những băn khoăn, nhưng sẽ được ủng hộ”, ông Thắng nói.
Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Thắng cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ tác động của vấn đề này và báo cáo rõ việc hoãn tăng lương cơ sở sẽ kéo dài bao lâu, nguồn lực dành ra được là bao nhiêu và sẽ sử dụng vào những mục tiêu nào để nhân dân được biết và ủng hộ.
Vị ĐBQH tỉnh Quảng Trị khẳng định cần xem nguồn lực này là sự hy sinh, đóng góp có trách nhiệm của những người hưởng lương với quốc gia, với dân tộc, rất đáng được ghi nhận, song chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Đại biểu cũng đề nghị cần có chính sách khác phù hợp với người có hoàn cảnh khó khăn, người hưởng lương hưu.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên) đề cập vấn đề nguồn thu ngân sách Nhà nước bị giảm trong năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, cần tích cực thanh tra, kiểm tra, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, tài sản công, chống thất thu. Đặt mục tiêu tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu 10%.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Chính phủ có kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, cả của từ năm 2019 chuyển sang, thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đại biểu Hưng Yên cũng nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, tính toán, đánh giá lại tài sản Nhà nước để có phương án sử dụng hiệu quả hơn.
Bình luận