Ngay sau khi ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, Bộ GD&ĐT vấp phải sự phản đối từ nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Lý do, quy chế mới bỏ quy định nghiên cứu sinh tiến sĩ phải sở hữu ít nhất 2 công bố trên tạp chí quốc tế và thay đổi chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Một điểm khác trong quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2021 cũng được các nhà khoa học quan tâm. Tại khoản 2, Điều 24 quy định: "Cơ sở đào tạo quyết định việc áp dụng khoản 2 Điều 5 (bỏ yêu cầu bắt buộc phải có công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh) và điểm c điểm d khoản 1 Điều 14 (bỏ yêu cầu bắt buộc phải có công bố quốc tế với người hướng dẫn) của quy chế này với khóa đã tuyển sinh trước ngày thông tư này hiệu lực thi hành".
Tốt nghiệp theo chuẩn mới
Theo hiệu trưởng một trường đại học về kinh tế tại Hà Nội, những quy định bắt buộc về công bố quốc tế từng được coi là điểm đột phá, "linh hồn" của quy chế tuyển sinh và đào tạo năm 2017 so với các năm trước đó. Tuy nhiên, quy chế mới lại đang phủ nhận điểm tích cực trên.
Việc tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ theo quy chế cũ nhưng lại thực hiện chuẩn đầu ra theo quy chế mới là bất thường và không hợp lý.
Chuyên gia lấy ví dụ, trước đây, trong quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017, Điều 32 quy định, các khóa tuyển sinh đã có quyết định công nhận nghiên cứu sinh trước thời điểm thông tư này có hiệu lực thi hành, cơ sở đào tạo thực hiện theo quy định của quy chế đào tạo tiến sĩ ban hành trước đó. Điều 48 quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2009 cũng quy định tiêu chuẩn đầu ra mới chỉ được dụng sau 3 năm kể từ khi thông tư mới có hiệu lực, các khóa đã tuyển sinh theo thông tư cũ sẽ áp dụng chuẩn đầu ra theo thông tư cũ.
Có lẽ, quy định này đang nới lỏng, tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh một số lĩnh vực khoa học xã hội, tư tưởng lâu nay bị vướng công bố quốc tế để họ có thể thuận lợi ra trường trong thời gian tới.
GS TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, trong quản lý đào tạo, nghiên cứu sinh khi nhập học theo quy chế nào thì thường phải ra trường theo quy chế ấy. Tuy nhiên, quy chế đào tạo tiến sĩ mới lại cho phép tất cả các khóa tuyển sinh theo quy chế cũ được áp dụng chuẩn đầu ra theo quy chế mới, tức là sẽ bỏ đi yêu cầu công bố quốc tế. Thực sự, đây là bước thụt lùi, xóa bỏ hoàn toàn điểm tiến bộ ưu việt nhất của quy chế 2017.
GS Đức nhấn mạnh, tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất 8/8 trong khung năng lực trình độ quốc gia. Những ai đã, đang và sẽ làm tiến sĩ theo đúng nghĩa chân chính, thực chất đều phải chấp nhận và trải qua những thử thách, gian nan trong quá trình học tập để tiến bộ, trưởng thành hơn.
Chất lượng tiến sĩ yếu kém sẽ để lại hậu quả không chỉ cho giáo dục đại học mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển và hội nhập của đất nước. Chất lượng tiến sĩ kém kéo theo chất lượng giáo sư, phó giáo sư cũng đi xuống.
Theo tinh thần của quy chế mới thì hầu hết các nghiên cứu sinh được công nhận trúng tuyển vào các năm 2017, 2018, 2019, 2020 sẽ tốt nghiệp mà không cần đến bài báo quốc tế.
Mỗi ngành một khác
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017 yêu cầu nghiên cứu sinh chỉ cần 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài ở hội thảo quốc tế có phản biện, hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện mà không quy định hội thảo quốc tế nào, tạp chí của nước nào và uy tín đến đâu.
Trong thực tế, nhiều tạp chí nước ngoài không được một số hội đồng ngành của Hội đồng Giáo sư Nhà nước chấp nhận. Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2021 quy định cụ thể, bài báo tạp chí nước ngoài, báo cáo tại hội nghị quốc tế phải nằm trong danh mục Scopus hoặc WoS.
Theo Thứ trưởng Sơn, hiện nghiên cứu sinh trong nước khá vất vả vì thiếu nhiều điều kiện nghiên cứu và hỗ trợ tài chính so với các nước phát triển. Khả năng công bố quốc tế đối với các ngành, lĩnh vực cũng rất khác nhau.
Bên cạnh đó, thời gian đào tạo tiêu chuẩn của nghiên cứu sinh từ 3 đến 4 năm, trong khi để ra được kết quả mới, nhiều khi phải mất 2 năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa. Việc gửi đăng các bài báo ở các tạp chí quốc tế uý tín thường mất nhiều thời gian, thực tế sẽ gây khó khăn và rủi ro cho nghiên cứu sinh.
Theo thống kê từ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong 10 năm (2010 - 2020), trên 2.000 công bố khoa học liên quan đến đề tài luận án tiến sĩ nhưng chỉ có 50 công bố quốc tế, tức khoảng 2,5%.
Mặt khác, theo thông lệ quốc tế, tuy việc nghiên cứu sinh phải đạt công bố là chuẩn mực nhưng rất ít quốc gia có văn bản pháp quy về việc này, mà mỗi trường đại học sẽ tự chủ quyết định. Nếu chúng ta lên mạng tra cứu sẽ thấy rất nhiều trường đại học nổi tiếng của châu Âu hay Mỹ không có quy định cứng.
Bình luận