• Zalo

Tiến sĩ không cần công bố quốc tế: Chất lượng lao dốc, lò đào tạo nở rộ

Diễn đànThứ Sáu, 16/07/2021 12:03:56 +07:00Google News
(VTC News) -

GS Ngô Việt Trung cho rằng, quy chế mới như giấy thông hành để đào tạo ra các tiến sĩ chất lượng kém.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới, trong đó bỏ quy định nghiên cứu sinh tiến sĩ phải có ít nhất 2 công bố trên tạp chí quốc tế. Thông tin này nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên gia học thuật.

Chất lượng tiến sĩ sẽ lao dốc

GS.TS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán cho biết, Bộ GD&ĐT không những loại bỏ yêu cầu công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh mà cũng loại bỏ yêu cầu phải có công bố quốc tế của người hướng dẫn. Chỉ cần nhìn vậy, cũng có thể thấy chất lượng đào tạo sẽ lao dốc. Thậm chí, quy chế mới này thấp hơn quy chế của trước năm 2017, khi mà các luận án tiến sĩ chỉ cần công bố trong nước là đủ điều kiện.

Tiến sĩ không cần công bố quốc tế: Chất lượng lao dốc, lò đào tạo nở rộ - 1

Ảnh minh hoạ.

Theo ông phân tích, việc Bộ GD&ĐT cho phép công bố ở những tạp chí yếu kém chỉ khiến gia tăng số lượng và đó là nguồn gốc của việc ra đời lò đào tạo tiến sĩ.

Đến năm 2017, khi áp dụng quy chế 08 vào đào tạo tiến sĩ (tư tưởng chủ chốt là nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế) chúng ta thấy rõ các lò đào tạo tiến sĩ mất đi. Đồng thời, số lượng người ở các cơ quan hành chính công quyền tham gia học giảm đi, bởi sẽ rất khó bảo vệ mà không nghiên cứu thực sự.

Ông Trung cho rằng, ở các nước đang phát triển nói chung, họ không có yêu cầu công bố quốc tế. Bởi, khi một tiến sĩ đi nộp đơn xin việc thì sẽ phải nộp kèm theo danh mục công bố quốc tế, các bằng phát minh sáng chế. Còn ở nước ta, nếu bỏ yêu cầu bắt buộc về công bố quốc tế thì tất nhiên vẫn là bằng tiến sĩ, nhưng về mặt trình độ sẽ yếu hơn các nước khác.

Giờ đây Bộ GD&ĐT hạ chuẩn xuống, lấy gì để đảm bảo chất lượng so với các nước. Nói ngay đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta khó so sánh được vì họ đều có yêu cầu công bố quốc tế, thậm chí tiêu chuẩn cao hơn.

Nhiều ý kiến biện minh rằng khu vực Tây Âu đã bỏ các quy định về công bố quốc tế, Việt Nam nên học theo. Chúng ta phải hiểu rằng, tính liêm chính khoa học các nước Tây Âu đã đạt đến mức độ cao, họ đủ để thẩm định chất lượng đào tạo và xã hội sẽ quyết định nơi nào đào tạo tốt. Còn ở Việt Nam, chưa đến mức độ đó.

"Tôi nghĩ rằng, quy chế mới này như giấy thông hành để đào tạo các tiến sĩ chất lượng kém hay nói thẳng ra là tiến sĩ dởm trong toàn bộ xã hội. Với những mỹ từ "tự chủ, tự chịu trách nhiệm" thì có nghĩa các cơ sở không nghiêm minh, làm sai, làm xấu mà không phải chịu trách nhiệm", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trước ý kiến, Bộ GD&ĐT nên quy định riêng các quy chuẩn dành cho tiến sĩ nghiên cứu, tiến sĩ thực hành, GS Ngô Việt Trung cho rằng, việc dùng từ tiến sĩ thực hành là sai. Ở phương Tây, người ta thường gọi tiến sĩ là "doctor" nhưng nó cũng có nhiều nghĩa hiểu khác như chuyên gia ngành nghề. Tuy nhiên ở Việt Nam, theo quan niệm chung tiến sĩ là bằng cấp học thuật cao nhất và yêu cầu người học phải sở hữu công trình nghiên cứu mới về mặt tri thức.

Do đó, ông cho rằng, mục đích không giống nhau, phương thức đào tạo khác nhau thì không thể gộp chung làm một.

Mâu thuẫn và thụt lùi

Từng có kinh nghiệm hơn 11 năm học tập, nghiên cứu khoa học ở Pháp, TS Trần Lê Hưng, giảng viên Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ở Pháp, muốn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thì bắt buộc nghiên cứu sinh phải sở hữu tối thiểu 2 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế của ISI/Scopus.

Tuy nhiên, trong quy chế đào tạo tiến sĩ mới được Bộ GD&ĐT ban hành gần đây, thiếu đi các quy định về công bố quốc tế. Điều này có phần không hợp lí và xa rời chuẩn chung của thế giới.

Theo TS Hưng, việc hoàn thành luận văn hay sở hữu bài báo công bố quốc tế là một hình thức vinh danh, ghi nhận thành quả trong nghiên cứu của chính các bạn nghiên cứu sinh. Hơn nữa, với những bài báo quốc tế, không chỉ giáo sư hướng dẫn của các bạn ghi nhận mà sẽ được cả quốc tế ghi nhận. Việc làm này không đơn thuần vì cá nhân người nào đó mà làm vì cộng đồng khoa học quốc tế.

Vì vậy, ông cho rằng: "Sở hữu bài báo công bố quốc tế không chỉ là điều kiện cần mà là bắt buộc. Bởi, nếu đã làm nghiên cứu, phải có kết quả và được công bố rộng rãi; còn không có kết quả thì không thể đánh giá thực lực của người làm khoa học. Nếu Việt Nam muốn hòa nhập với thế giới, cần có chuẩn đầu ra trong đào tạo tiến sĩ với quốc tế. Việc quy định nghiên cứu sinh sở hữu hai bài báo quốc tế trước khi tốt nghiệp là điều cần thiết".

Bài báo quốc tế là minh chứng rõ ràng nhất khẳng định chất lượng đào tạo của trường, sự chăm chỉ, nghiêm túc trong nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Đồng thời, đó cũng là hành trang giúp các tiến sĩ bước ra nước ngoài tự tin hơn với bạn bè trên thế giới. Không có công bố quốc tế, chúng ta lấy thành tích gì để hội nhập, giao lưu với chuyên gia nước ngoài, TS Hưng thẳng thắn nêu quan điểm và cho rằng, quy chế 18 đưa ra thước đo mới bằng cách kéo lùi chuẩn. Đây là sự mâu thuẫn.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn