Khởi nguồn Siêu kinh điển
Bước ngoặt để cuộc đụng độ giữa Barca và Real trở thành Siêu kinh điển đến vào trận bán kết Cúp Thống chế 1942/43, tiền thân của Cúp Nhà vua ngày nay. Tuy nhiên, đầu tiên cần nói về bối cảnh lịch sử. Thống chế ở đây tức là nhà độc tài quân sự Francisco Franco.
Sau cuộc đảo chính thành công vào năm 1936, để củng cố chế độ độc tài, Franco tiến hành đàn áp đẫm máu các đảng phái đối lập lẫn phong trào đòi độc lập tại các xứ tự trị. Năm 1938, Franco bãi miễn quyền tự trị trên toàn quốc, tập trung quyền lực hoàn toàn về chính phủ đặt tại thủ đô Madrid.
Xứ Catalan, mảnh đất trù phú với cảng biển và đất đai màu mỡ mà đến nay vẫn là vùng đất đóng góp GDP cao nhất cho Tây Ban Nha chính là nơi đấu tranh mãnh liệt nhất. Và bóng đá nhanh chóng trở thành quân bài của các chính trị gia.
Real Madrid được Franco hậu thuẫn để xây dựng trở thành biểu tượng phồn vinh của chế độ. Ngược lại, Barca trở thành lá cờ đầu gìn giữ bản sắc và thể hiện khát khao độc lập của người Catalan. Một trong những yếu tố lịch sử để Barca được chọn vì thể thao là nơi duy nhất người Catalan được bày tỏ quan điểm chính kiến. Và chính trong giai đoạn này, câu slogan Mes que un club (Hơn cả một đội bóng) ra đời.
Sự thù hận khởi nguồn như vậy và mau chóng bùng cháy tại bán kết Cúp Thống chế 1942/43. Trận lượt đi diễn ra trên sân Les Corts của Barca, đội chủ nhà giành chiến thắng 3-0 cùng sự căm phẫn tột cùng được các CĐV thể hiện trên các khán đài. Chứng nhân lịch sử, thủ thành Eduardo Teus của Real kể lại: "2 trong 3 bàn thua của chúng tôi là do trọng tài xử ép".
Ngay sau trận đấu, Real triển khai kế hoạch báo thù. Một màn hạ nhục kinh hoàng chưa từng có trong lịch sử bóng đá. Thông điệp đầu tiên được đưa ra: Các CĐV Barca không được bén mảng đến Chamartin (sân nhà của Real lúc bấy giờ). Tiếp đến, các cầu thủ Barca được tiếp đón bằng gạch, đá và những từ ngữ lăng mạ thô bỉ của các CĐV Real. Họ ngồi rúm ró, run rẩy trên chiếc xe bus biến dạng dần theo quãng đường đến sân.
Nhưng, đó mới chỉ là khởi đầu. Mọi thứ khủng khiếp nhất chỉ đến bên trong sân. Ở phòng thay đồ, các cầu thủ Barca được rao giảng về công ơn trời biển của tướng Franco bởi một nhân viên an ninh. "Các cậu có quyền được sống trên lãnh thổ Tây Ban Nha (hàm ý cũng có thể bị trước đi cái quyền ấy", gã này nói.
Tiếp đến, các cầu thủ Barca bước ra sân như thể những kẻ nô lệ bước vào đấu trường của người La Mã, bị la ó khinh miệt và đối diện cái chết. Mariano Gonzalvo, tiền đạo của đội bóng xứ Catalan nhớ lại: "5 phút trước khi trận đấu bắt đầu, vòng cấm địa của chúng tôi đã kín đặc đồng xu".
Vào sân với tâm thế như vậy, Barca nhanh chóng thua... 0-8 sau hiệp 1. Trong giờ nghỉ giữa hai hiệp, những cầu thủ Barca ngồi thẫn thờ trong cơn hoảng loạn mà quên mất đã đến lúc ra sân trở lại. Và một biến cố nữa lại đến mà sau này đã tạo ra rất nhiều tranh cãi cũng như có không ít giai thoại biến thể.
Mãi đến năm 2000, Valle và Francesc Calvet, hai cầu thủ khác của mới vén bức màn lịch sử khi trả lời phỏng vấn trên tờ La Vanguardia: “Lúc chúng tôi đang ngồi trong phòng thay đồ, một viên đại tá bước vào và nói: “Ra sân hoặc vào tù”, chúng tôi câm lặng bước ra sân tiếp tục cuộc hành xác”.
Trận đấu khép lại với chiến thắng 11-1 nghiêng về Real, tỷ số cách biệt lớn nhất lịch sử đối đầu giữa hai đội. Từ đó, Siêu kinh điển ra đời. Hai đội hằm hè và ganh đua nhau từng li từng tí một. Cộng thêm sự ganh đua về mặt chuyên môn, trên đỉnh cao nhất không chỉ của bóng đá Tây Ban Nha mà cả châu Âu, văn hóa thù hận ngày càng ăn sâu cắm rễ vào thành viên hai đội.
Khẩu chiến, đặc sản Siêu kinh điển
Chendo, thủ quân Real sau trận thua Barca tại chung kết Cúp Nhà Vua 1990 mỉa mai: "Chúng nó giành danh hiệu Tây Ban Nha nhưng đâu phải người Tây Ban Nha!". Roberto Carlos trong một lần bị truất quyền thi đấu tại Siêu kinh điển đã nổi điên và nói: "Chúng mày là đống phân".
Những từ ngữ tương tự cũng phát ra từ miệng Raul Gonzalez, nhưng trong một lần ăn mừng chiến thắng Siêu kinh điển. "Barca là đống phân, Barca là đống phân", huyền thoại vốn mực thước của đội bóng Hoàng gia này hát. Điều đó cho thấy Siêu kinh điển dù ở bất kỳ thời điểm nào đều là trận chiến sống còn. Cầu thủ hai bên vào sân để chiến thắng và báo thù.
Một người từng đi ngược tôn chỉ ấy đã bị chỉ trích kịch liệt và sa thải. Đó là HLV Bernd Schuster. "Barca đang hủy diệt mọi thứ, đây là năm của họ. Chúng ta không thể thắng tại Nou Camp", vị chiến lược gia này nói trước chuyến hành quân đến thánh địa của đại kinh địch.
Về phía Barca, cựu chủ tịch Joan Laporta sau chiến thắng lịch sử 6-2 trước Real ngay tại Bernabeu đã nói: "Chiến thắng ở Siêu kinh điển là một cực khoái". Huyền thoại Stoichkov thì tuyên bố: "Real khiến tôi ghê tởm, các người sẽ không bao giờ thấy tôi mặc lên mình chiếc áo trắng".
Trong vòng 15 năm trở lại đây, khi sự ganh đua ngày càng khốc liệt, cuộc đấu khẩu giữa hai đội càng trở nên gay gắt. Pique ví von: "Đối với tôi tiếng la ó và huýt sáo tại Bernabeu tuyệt diệu như một bản giao hưởng. Xavi thì tiết lộ: "Luật bất thành văn tại Siêu kinh điển là không thương xót. Chúng tôi luôn cố gắng hạ nhục Real nhiều nhất có thể".
Trên băng ghế chỉ đạo, HLV Mourinho từng chế giễu: "Vô địch Champions League như Guardiola thì tôi thấy nhục lắm". Guardiola, một người điềm tĩnh và giữ kẽ đáp trả: "Mourinho là một HLV khốn nạn". Thế nên, cây bút Phill Ball trong cuốn Morbo: Câu chuyện về bóng đá Tây Ban Nha đã miêu tả: "Sự thù hận giữa Real và Barca khủng khiếp tới mức khiến người ngoài cảm thấy sốc".
Vì vậy, trước thềm cuộc tiếp đón Real cuối tuần này, Barca và những người hâm mộ đội bóng này chắc chắn đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc xả hận và hạ nhục như mọi khi. Hôm ấy, Nou Camp sẽ biến thành đấu trường La Mã tuyên án các cầu thủ Real, như nhà văn Eduardo Galeano viết trong cuốn “Football in Sun and Shadow”: “SVĐ Nou Camp của Barcelona nổi tiếng ở phần hồn của nó. Tại đấy, người ta có thể lắng nghe những tiếng rên xiết còn âm ỉ trong từng bậc thềm khán đài, vọng lại từ thời Franco”.
Bình luận