• Zalo

Hoắc Nguyên Giáp: Huyền thoại Mê tông và màn tỉ thí chấn động Thượng Hải

Thể thaoThứ Ba, 08/04/2014 04:21:00 +07:00Google News

Lâm trận, chỉ thấy bóng ông mờ ảo, linh động nhưng quyền cước đón gió rít ào ào, kình lực phát ra mạnh mẽ.

Lâm trận, chỉ thấy bóng ông mờ ảo, linh động nhưng quyền cước đón gió rít ào ào, kình lực phát ra mạnh mẽ. Đấu đến hơn mười hiệp, bất ngờ thấy ông tung cả người lên không, dùng hai chân với chiêu “Song long cước” đá bắn đối thủ văng xa mấy trượng...

Hoắc Nguyên Giáp tên chữ là Tuấn Thanh, sinh ngày 19 tháng 1 năm 1869 ở thôn Tiểu Nam Hà, huyện Tĩnh Hải thuộc Thiên Tân trong một gia đình nổi danh võ thuật (quê gốc ông ở huyện Đông Quang, tỉnh Hà Bắc).

Cha ông là Hoắc Ân Đệ kế thừa võ thuật phái “Mê tông nghệ” gia truyền của tổ tiên, giỏi nghề đánh đấm. Dù nghề nông là kế sinh nhai chính của gia đình, nhưng Hoắc Ân Đệ với bản lĩnh võ thuật của mình vẫn thi thoảng nhận bảo tiêu (bảo vệ, coi sóc) những chuyến hàng buôn của khách từ Hà Bắc đến Mãn Châu Lý và ngược lại, do vậy ông là tiêu sư rất có danh tiếng suốt dải Hà Bắc- Mãn Châu.
Hoắc Nguyên Giáp

Khi Nguyên Giáp còn ở tuổi thiếu niên, bản tính hiền lành, thân thể gầy yếu, bình thường luôn bị bọn trẻ trong xóm coi thường. Cha ông thì cho rằng ông tính tình nhu nhược, không phải tính cách để luyện võ. Do lo ngại ông có thể chất kém (Hoắc Nguyên Giáp bị bệnh hen suyễn mãn tính và sốt vàng da) nên phụ thân Hoắc Nguyên Giáp thường hạn chế ông tập luyện võ thuật. Mặc dù vậy, bản tính đam mê võ thuật, Hoắc vẫn thường xuyên bí mật theo dõi các buổi dạy của cha mình và kiên trì khổ luyện một mình, bất chấp thể tạng bệnh tật đau yếu.

Mỗi khi cha và anh luyện quyền, ông vẫn lén lút trèo tường, ẩn nấp quan sát tỷ mỉ và ghi nhớ hình, thần, yếu lĩnh của từng chiêu từng thức. Sau đó lại lén ra vườn táo sau nhà luyện tập lại, kiên trì và khắc khổ trui rèn. Cứ âm thầm khổ luyện như vậy suốt 12 năm, ông đã đạt trình độ võ công kinh người dù thân thể vẫn “mình hạc, xương mai”, kín đến nỗi cha ông và gia đình không hề biết.

Bước ngoặt trong cuộc đời cũng như sự nghiệp võ thuật của Hoắc Nguyên Giáp xảy ra vào mùa thu năm 1890, khi có một danh sư họ Đỗ đến nhà họ Hoắc xin thỉnh giáo Mê tông quyền.
Hoắc Nguyên Giáp
Lý Liên Kiệt tái hiện thành công hình ảnh Hoắc Nguyên Giáp

Hoắc Ân Đệ lúc đầu sai người anh Nguyên Giáp là Nguyên Khanh đấu với khách, nhưng chỉ sau một hiệp đã bị đả thương rớt đài. Nguyên Giáp đứng bên cạnh nói: “Cha, để con đấu thử xem sao?”, khi cha ông còn đang nghi hoặc nhìn ông thì Nguyên Giáp đã tung mình vào sàn đấu rồi cùng người kia giao thủ.

Thấy trước mặt mình là một thanh niên mảnh khảnh, người khách thầm cười, ý coi thường. Lâm trận, chỉ thấy bóng ông mờ ảo, linh động nhưng quyền cước đón gió rít ào ào, kình lực phát ra mạnh mẽ, kỹ pháp công - phòng chặt chẽ đa biến.

Đấu đến hơn mười hiệp, bất ngờ thấy ông tung cả người lên không, lộn một vòng. Vị khách chưa kịp định thần đã thấy người ông lộn xuống, dùng hai chân với chiêu “Song long cước” đá bắn đối thủ văng xa mấy trượng, ngưòi kia lồm cồm bò dậy, ôm ngực chấp nhận xin thua.


Tới lúc đó, Nguyên Giáp mới kể lại chuyện 12 năm tự khổ công rèn luyện Mê tông quyền ngoài vườn táo khiến cha và anh ông vô cùng cảm động.
Lý Liên Kiệt là một trong những người thủ vai Hoắc Nguyên Giáp thành công nhất

Từ đó trở đi, Hoắc Ân Đệ ra sức chỉ điểm cho Nguyên Giáp, đem toàn bộ yếu quyết “Mê tông nghệ” gia truyền chỉ cho con. Dù vậy, nhưng Nguyên Giáp còn nghiên cứu thêm thuật thổ nạp khí công, học hỏi những chỗ mạnh của các danh sư võ thuật khắp nơi.

Về sau này, công phu của ông đạt đến “đánh khẽ vào thì thân thể nhũn như bông”, nếu đánh mạnh thì “thân thể rắn như sắt”. Danh tiếng của Nguyên Giáp ngày càng vang xa khi ông đả bại toàn bộ các võ sư khắp nơi đến tỉ thí khi còn rất trẻ.

Cũng như cha mình, Nguyên Giáp cũng bắt đầu tham gia vào nghề bảo tiêu và càng nổi danh hơn khi nhiều lần đánh bại các toán cướp hàng, ông trở thành một Tổng tiêu đầu uy tín. Hoắc Nguyên Giáp bắt đầu có một nguồn thu nhập khá, đủ để ông chuyển đến sống ở thành phố Thiên Tân năm 1896.

Thành phố Thiên Tân thời đó đang bị các nước đế quốc phân chia thành các khu tô giới. Nhân dân chịu đủ mọi sự lăng nhục của người phương Tây, người Nhật Bản. Một lần, Nguyên Giáp nghe nói có một người Nga là Solineron tự xưng là “Đại lực sĩ bậc nhất thế giới”, đã giương bốn chữ "Đông Á bệnh phu" (Người bệnh Đông Á) mang đầy ý nghĩa chế nhạo lẫn khiêu khích, mạt sát các võ sĩ cũng như người Hoa khiến họ cảm thấy rất bực tức.

Nguyên Giáp đi thẳng tới rạp diễn, xin được giao đấu, nhưng khi biết ông là một Tổng tiêu đầu, võ công thâm hậu “một địch trăm người”, anh chàng lực sĩ đã lấy lý do “mới đến Trung Quốc nên chưa hiểu luật đấu”, rồi ngay đêm đó vị “đại lực sĩ” chuồn mất. Chuyện này đưa ông nổi danh khắp Thiên Tân, khiến cả người dân Trung Quốc tự hào, báo chí tung hô là “Xuất diện, Tây dương tẩu” (Mới ra mặt, người Tây đã bỏ chạy)..

Vào năm 1909, có võ sĩ người Anh tên Aopian tới Thượng Hải, kiêu căng đăng tin trên báo muốn thách đấu võ với người Hoa, dân chúng Thượng Hải vô cùng phẫn nộ, nằng nặc mời Nguyên Giáp tới Thượng Hải để đấu võ, nêu cao tinh thần dân tộc, bởi khi đó Thượng Hải cũng là tô giới của các nước đế quốc.

Nhận lời tới Thượng Hải, Nguyên Giáp cùng Aopian bàn phương thức giao đấu. Nghe đến tên ông, Aopian đã ngấm ngầm muốn bỏ cuộc, nên cuộc đàm phán đã kéo dài cả tháng sau hàng chục lần thay đổi phương thức giao đấu. Cuối cùng, địa điểm cuộc đấu võ được chọn là “Vị thuần viên” (Vườn rau rút) của nhà họ Trương, nằm trên đường “Chùa Tĩnh An” của Thượng Hải.

Nhưng đến ngày thi đấu thì Aopian đã bí mật rời Thượng Hải. Hàng vạn người đến xem “đả lôi đài” vô cùng căm hận, nhưng sau đó, họ hả hê, mãn nhãn khi chứng kiến thầy trò Hoắc Nguyên Giáp sau khi xin ý kiến người chủ trì đã biến cuộc đấu đả lôi thành một buổi biểu diễn võ thuật xuất sắc. Từ đó uy danh của ông chấn động cả Phố Giang (tức sông Hoàng Phố) tại Thượng Hải.
Mê tông quyền
Mê tông quyền là tuyệt chiêu của Hoắc Nguyên Giáp

Từ đầu thế kỷ XIX, ở đường Bồng Lai (Thượng Hải) có trụ sở “Võ đạo quán” của Nhật Bản, đó là trường tập luyện võ thuật Nhật Bản tại Trung Quốc. Người chủ trì “Võ đạo quán” nghe danh Hoắc Nguyên Giáp liền sai người tới mời ông đến quán để “trao đổi kỹ thuật”, thực chất là thách đấu. Thầy trò Nguyên Giáp bằng võ công cao siêu đã nhiều lần đánh thắng các võ sĩ Nhật. Do có võ thuật cao thâm, nên Hoắc Nguyên Giáp được giới võ thuật và các nhân sĩ ở Thượng Hải vô cùng kính phục, cố giữ ông lại để mong ông truyền thụ võ nghệ.

Năm 1909, các nhân sĩ trong giới võ thuật ở Hoàng Gia Đồn thuê một ngôi nhà kiểu cũ, có sảnh rộng, với hai dãy đầu hồi để Nguyên Giáp mở trường, đặt tên là “Tinh Võ thể thao học hiệu” (trường thể thao Tinh Võ). Thập niên 50 của thế kỷ XX, các đệ tử của ông đã mở mang, phổ biến Tinh Võ thể thao học hiệu sang Việt Nam, mở sân Tinh Võ tại Quận 5 ở Sài Gòn, thu hút nhiều thế hệ môn sinh tập luyện, không ít người từ đó đã trở thành cao thủ trong làng võ Việt Nam sau này.

Trong những năm cuối đời, ngoài bệnh hen suyễn mãn tính, Hoắc Nguyên Giáp còn mắc bệnh lao- một chứng bệnh nan y thời bấy giờ. Các thầy thuốc Trung y đã kê cho ông nhiều toa thuốc khác nhau, nhưng sức khỏe của Hoắc ngày một xấu đi. Tới đầu năm 1910, ông phải vào Bệnh viện Chữ thập đỏ Thượng Hải để chữa trị và sau đó ông đã mất tại đây.

Theo Danviet
Bình luận
vtcnews.vn