• Zalo

Hiện đại hoá sản xuất tinh dầu trầm hương mang giá trị 'triệu đô' cho cây dó bầu

Chuyện bốn phươngThứ Ba, 12/03/2024 17:42:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Hiện đại hoá sản xuất tinh dầu trầm hương vừa đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, thị trường, vừa góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trầm hương sinh học Việt.

Trầm hương được hình thành từ những vết thương trên cây dó bầu với cơ chế rất đặc biệt: Khi cây bị thương, nó sẽ tự động tiết ra chất nhựa để có thể tự chữa lành vết thương của mình và theo thời gian dài, lớp nhựa này dần ăn sâu vào trong tâm gỗ tạo nên trầm hương với màu vàng nâu, mùi thơm và vị đắng đặc trưng.

Vì lẽ đó trầm hương còn được xem là loại kháng sinh cao cấp và làm nên giá trị lớn nhất của trầm hương chính là tính ứng dụng của loài gỗ này trong y dược. Theo cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS Đỗ Tất Lợi, “Trầm hương là một vị thuốc hiếm và đắt trong Đông y… có vị cay, tính hơi ôn, chữa các bệnh đau ngực bụng, bổ dạ dày,... giảm đau, trấn tĩnh”.

Cây Dó bầu tạo trầm sau khi được tác động bằng công nghệ sinh học - Vườn nguyên liệu tại Hoà Bình, công ty cổ phần trầm hương sinh học TTT.

Cây Dó bầu tạo trầm sau khi được tác động bằng công nghệ sinh học - Vườn nguyên liệu tại Hoà Bình, công ty cổ phần trầm hương sinh học TTT.

Khôi phục và phát triển lại cây dó bầu nhiều năm nay, Công ty CP Trầm hương Sinh học TTT đang cấy tạo trên hệ thống vườn nguyên liệu trải dài từ Bắc tới Nam trên nhiều tỉnh thành bằng phương pháp sinh học đã được đăng ký sở hữu trí tuệ. Trầm hương của Công ty được kiểm nghiệm cho kết quả có hàm lượng tinh dầu cao.

Theo kết quả phân tích, kiểm định của Viện nghiên cứu dầu và các cây có dầu (trực thuộc Bộ Công Thương) cho thấy trong sản phẩm tinh dầu của Công ty có nhiều hoạt chất quý có thể ứng dụng trong ngành sản xuất nước hoa do có đặc tính định hương, lưu hương tốt và một số hoạt chất kháng viêm có tiềm năng ứng dụng trong y học.

Kết quả kiểm nghiệm tinh dầu trầm hương - công ty cổ phần trầm hương sinh học TTT.

Kết quả kiểm nghiệm tinh dầu trầm hương - công ty cổ phần trầm hương sinh học TTT.

Khi thành quả được chứng minh bằng khoa học, Công ty Cổ phần Trầm hương Sinh học TTT đã tiên phong xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh trong lĩnh vực cấy tạo và hiện đại hoá sản xuất trầm hương sinh học: chủ động vùng nguyên liệu - đăng ký mã số vùng trồng, cấy tạo trầm hương bằng công nghệ sinh học độc quyền, xây dựng nhà máy sản xuất sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất nằm tại trung tâm 3 vùng nguyên liệu chủ lực (Đắk Lắk, Bình Phước, Bình Dương) để phục vụ các đơn hàng trong nước và quốc tế.

Dự kiến tháng 4/2024 nhà máy sản xuất tinh dầu trầm hương của Công ty Cổ phần Trầm hương Sinh học TTT sẽ chính thức đi vào hoạt động với công suất tối đa 90 lít/tháng, dây chuyền sản xuất tinh dầu siêu tới hạn SCO2 của công ty cho ra sản phẩm với độ tinh khiết cao, tận dụng tối đa hoàn toàn lượng tinh dầu trong nguyên liệu.

Thời gian chiết xuất 1 lít tinh dầu trầm hương chỉ mất trung bình khoảng 6 giờ trong khi các phương pháp khác mất khoảng 4 đến 7 ngày.

Trên thực tế, chiết xuất tinh dầu trầm hương là nghề đã xuất hiện từ lâu tại Việt Nam và mang lại công ăn việc làm cho những người dân ở nhiều “làng trầm” trên cả nước. Ví như tại huyện Tân Phú, Đồng Nai - nơi tập trung khoảng 100 cơ sở chế biến trầm hương đã góp phần giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 7 tới 8 triệu đồng/tháng.

Hiện nay trên thị trường, công nghệ chiết xuất tinh dầu trầm hương đang được sử dụng chủ yếu là chưng cất hơi nước. Với phương pháp này, gỗ Trầm hương được xay nhỏ thành bột, ngâm trong nước vài ngày để tạo một hỗn hợp bột ướt và đem đi chưng cất.

Kết quả thu được là tinh dầu trầm hương nổi trên nước cất. Đây là phương pháp truyền thống, dễ thực hiện, tuy nhiên nhược điểm lớn nhất là tốn nhiên liệu, năng suất không cao và tinh dầu thu được thường đóng cặn nếu không qua quá trình lọc nhiều bước.

Hệ thống chiết xuất tinh dầu trầm hương theo phương pháp chưng cất.

Hệ thống chiết xuất tinh dầu trầm hương theo phương pháp chưng cất.

Theo trang nghiên cứu và phân tích dữ liệu Persistence Market Research, nhu cầu tinh dầu trầm hương được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Giá trị thị trường toàn cầu của tinh dầu trầm hương được ghi nhận đạt khoảng 124 triệu USD vào năm 2021 và được dự báo sẽ tăng khoảng 9% và đạt mức xấp xỉ 295 triệu USD vào năm 2033. Các ứng dụng chủ yếu của tinh dầu trầm hương là để sử dụng trong công nghiệp nước hoa, mỹ phẩm và dược phẩm.

Để tinh dầu trầm hương có thể được xuất khẩu chính ngạch và được chấp nhận ở những thị trường quốc tế với các yêu cầu khắt khe về chất lượng, ngoài việc trầm hương phải chứng minh được nguồn gốc nuôi trồng, cấy tạo theo công ước về bảo vệ động thực vật hoang dã (CITES), công nghệ chiết xuất tinh dầu cần đáp ứng các tiêu chí nhằm tạo được sản phẩm có độ tinh khiết cao, đồng thời đảm bảo các tiêu chí thân thiện, bền vững với môi trường.

Trong đó công nghệ chiết xuất siêu tới hạn (SCO2) - là công nghệ mới, từng được hội đồng khoa học TP.HCM đánh giá cao về tính hiệu quả kinh tế - đang dần được một số doanh nghiệp trong ngành trầm hương mạnh dạn đầu tư phục vụ chiết xuất tinh dầu trầm hương.

Hiện đại hoá sản xuất trầm hương từ khâu cấy tạo - áp dụng công nghệ sinh học tới khâu sản xuất bằng các máy móc tiên tiến để gia tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu là hướng đi góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm trầm hương sinh học Việt Nam.

Nhật Lệ
Bình luận
vtcnews.vn