“Dân nào mà không muốn đấu tranh phòng chống tham nhũng?! Hay là người ta chán rồi? Người ta đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì? Các đồng chí phải đánh giá cái này đi chứ”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì thẳng thắn: “Bây giờ nhiều tỉnh ở Tây Nguyên thì cán bộ mua nhà ở TPHCM, ở phía Bắc, miền núi phía Bắc thì mua nhà ở Hà Nội. Nhiều! Sau này nghỉ hưu có mặt ở Hà Nội hết, các đồng chí cứ để ý mà xem nhưng tôi không muốn chỉ tên, chỉ mặt ra thôi. Nhưng rồi các cơ quan chúng ta toàn đánh vu vơ đâu, đánh thẳng vào chỗ đó mới là những con cá lớn. Ở đó là hàng trăm tỷ chứ không phải vài chục triệu”.
Thảo luận về cơ chế, chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ tại phiên họp ngày 20/9, cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đều bày tỏ lo ngại về chất lượng đội ngũ cán bộ. Chủ tịch Quốc hội nhận định: “Mặc quần đùi áo trắng, vợt mấy chục triệu, mà lương như thế thì làm sao đủ tiêu? Ông ấy mới là ông tham nhũng, vì phải nghĩ cách để kiếm cái nọ cái kia cho đủ tiêu chứ...”.
Thực ra những chuyện Chủ tịch Quốc hội hay Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu, dân đều biết và đều đặt câu hỏi tương tự. Cán bộ này nhà đất nhiều hay ít, có biệt thự, chung cư cao cấp hay trang trại, resort gì không? Cán bộ kia có mấy con du học tự túc Anh, Mỹ hay đang làm ở tập đoàn này, ngân hàng nọ...
Tất cả đều khó mà giấu được, khó mà thoát khỏi sự đàm tiếu của dư luận. Ông Ksor Phước biết nhiều cán bộ trong Nam ngoài Bắc tậu nhà ở TPHCM, Hà Nội để chuẩn bị “hạ cánh” lúc tuổi già cùng con cháu, không lẽ các cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương không biết?
Nếu biết rồi mà toàn “đánh vu vơ” như ông Ksor Phước nói thì dân đâu còn niềm tin mà hăng hái chống tham nhũng nữa? Nếu dũng cảm tố tham nhũng, tiêu cực mà cách tôn vinh, khen thưởng như ở Bệnh viện Hoài Đức, Hà Nội hay người tố cáo từ chối khen thưởng như ở Trung tâm Y tế Thăng Bình, Quảng Nam vừa qua thì thật đáng phải suy ngẫm...
Một khi dân chán tố tham nhũng, tiêu cực cũng chả khác nào thấy hiện tượng cướp giật, trộm cắp ngoài đường mà làm ngơ. Đó là điều lo ngại đáng báo động!
Suy rộng ra, nếu một xã hội thấy bất bình mà không lên án, thấy vô lý mà không đấu tranh, không phản biện, đó là hiểm họa khôn lường cho đất nước! Tham nhũng không khác gì giặc nội xâm, song nếu lực lượng xung kích chỉ “đánh vu vơ” thì mối nguy hại còn tăng gấp trăm ngàn lần hơn thế.
Nếu không nhanh chóng đẩy lùi và chặn đứng được quốc nạn này, dân sẽ chán tố cáo tham nhũng như Chủ tịch Quốc hội cảnh báo. Và khi đó cái mất lớn nhất chính là niềm tin ở nơi dân.
Theo TPO
Hay là dân ta chán tố cáo tham nhũng rồi?
Đó là câu hỏi nhức nhối mà Chủ tịch Quốc đặt ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đề cập ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tố cáo tham nhũng
Đó là câu hỏi nhức nhối mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đề cập ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tố cáo tham nhũng.
Bình luận