Báo điện tử VTC News vừa nhận được phản ánh, tố cáo của hai người phụ nữ về việc họ bị một đường dây buôn người lừa bán sang các nước châu Phi để trở thành “nô lệ tình dục”. Họ đã phải trải qua những ngày tháng “như sống trong địa ngục” trước khi trốn thoát về Việt Nam và mang theo… “cục nợ”.
Qua mạng xã hội Zalo, chị Thanh nhận được lời mời chào đi xuất khẩu lao động làm nghề tóc giả ở Bờ Biển Ngà của một người phụ nữ quê Thanh Hóa giới thiệu là Vân Anh. Bà mẹ đơn thân 31 tuổi quê Phú Thọ nhận lời ngay, bởi những thông tin việc làm mà “nhà tuyển dụng” Vân Anh đưa ra quá hấp dẫn trong bối cảnh chị đang thất nghiệp do dịch COVID-19.
“Vân Anh nói thủ tục gồm visa, vé máy bay sang Bờ Biển Ngà để làm nghề tóc giả hết 60 triệu đồng. Cô ta nói sẽ lo cho tôi toàn bộ, sang đó tôi phải làm 3 tháng để trả nợ và có thể về. Nếu tiếp tục làm sẽ được trả lương và tới tháng thứ 6 nếu muốn về Việt Nam cô ta sẽ lại mua vé miễn phí cho mình về. Cô ta dặn rằng khi làm thủ tục ở sân bay thì mình nói sang châu Phi thăm họ hàng”, chị Thanh cho biết.
Cuối tháng 3/2022, chị Thanh đến TP.HCM và được Vân Anh chỉ định tới một khách sạn gần sân bay do cô ta thuê sẵn. Tại đây, chị Thanh gặp một cô gái khác có tên Mai quê Lào Cai, cũng được Vân Anh tiếp cận mời đi lao động ở Bờ Biển Ngà.
Nhưng ngày 1/4/2022 thì có sự thay đổi. Chị Thanh nhận được vé do Vân Anh gửi đi Lagos, Nigeria còn chị Mai đi tới Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên, thay vì tiệm làm tóc giả như hứa hẹn, cả hai bị… tống vào nhà thổ.
Mai được người của Vân Anh đón ở Bờ Biển Ngà, còn chị Thanh được một cặp vợ chồng Trung Quốc đón tại Lagos. Đây là cặp vợ chồng đã mua chị Thanh từ Vân Anh để cung cấp cho một nhà hàng kiểu KTV có tên Pentacram. Vài ngày sau, Vân Anh lại tiếp tục bán Mai cho cặp vợ chồng Trung Quốc ở Lagos, Nigeria như chị Thanh.
“Vân Anh hứa hẹn với tôi rất nhiều điều. Cô ta còn nói với tôi giới thiệu bạn bè hoặc cô gái nào khác đi cùng, mỗi người giới thiệu được, cô ta sẽ cho tôi từ 7 đến 10 triệu đồng”, chị Mai tiết lộ.
Ban ngày tại Lagos, chị Thanh và Mai phải sống trong căn phòng chật trội không điều hòa, luôn đóng kín cửa. Bắt đầu từ 19h tối, họ được lái xe chở đến Pentacram để làm việc đến sáng. Công việc của họ là tiếp khách và phải phục vụ tình dục cho khách hàng có nhu cầu.
Chị Thanh tiết lộ: “Họ ép chúng tôi phải tiếp khách cả đêm, chúng tôi không biết mỗi lần như thế hay mỗi đêm làm phục vụ mình nhận được bao nhiêu tiền. Họ nói sẽ tính sau và chúng tôi đang nợ họ rất nhiều tiền. Ban đầu Vân Anh nói tổng cộng 60 triệu, nhưng sang đây họ tính rất nhiều tiền, từ tiền ăn, tiền ở, tiền xe đi làm hằng ngày, tiền giấy vàng da và thủ tục visa”.
Chị Mai cho biết thêm: “Khi chúng tôi liên hệ với Vân Anh để xin về, cô ta đã tính ra đủ thứ tiền nợ ép chúng tôi phải trả mới được về. Nhưng chúng tôi làm gì có tiền. Vân Anh còn thách thức chúng tôi báo công an hoặc đại sứ quán”.
Do là visa du lịch chỉ có thời hạn 1 tháng, nên khi hết hạn, Vân Anh sẽ lại tiếp tục làm visa cho Thanh và Mai bay tới một nhà thổ ở Bờ Biển Ngà, toàn bộ chi phí vé và thủ tục do các cô gái phải chịu.
“Rất nhiều cô gái trẻ Việt Nam sang đây, đa số là các cô gái ở các tỉnh phía Nam. Họ nói cũng như bọn tôi, bị lừa bằng hình thức du lịch, sang làm tóc nhưng bị bán, trở thành gái. Cứ hết một hoặc vài tháng, chủ lại bán sáng một nước khác. Có cô gái nói với tôi rằng, cô ấy sang đã 2 năm mà vẫn chưa trả hết nợ”.
Không cam chịu làm thân phận nô lệ tình dục, Thanh và Mai luôn tìm cách thoát thân. Qua hội nhóm người Việt tại Nigeria, Mai được một người phụ nữ Việt Nam sinh sống ở Abuja, Nigeria giúp đỡ. Theo chỉ dẫn của người phụ nữ này, chị Thanh và Mai tìm cách thoát khỏi Pentacram chạy tới bến xe. Tại đây, họ được người quen của người phụ nữ Việt tốt bụng mua vé xe từ Lagos đi Abuja.
“Người giúp chúng tôi là người Việt, chồng chị ấy là người Thổ Nhĩ Kỳ. Họ sống ở Abuja. Sau một đêm chúng tôi đến được Abuja, họ đón chúng tôi, cho chúng tôi ăn. Khi người nhà đặt được vé, chúng tôi phải nhờ người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ tốt bụng đó đưa đến sân bay. Bởi Vân Anh và người Trung Quốc có nhắn tin đe dọa, nói sẽ báo cảnh sát bắt chúng tôi ở sân bay vì chúng tôi nợ tiền họ”.
Nhờ sự giúp đỡ của đồng hương người Việt, sau nhiều chặng bay, chị Thanh và chị Mai đã về Việt Nam an toàn vào đúng ngày 30/4, kết thúc một tháng đầy tủi nhục ở miền đất nóng và xa lạ châu Phi. Tiền vé mà họ phải vay mượn để về Việt Nam là hơn 42 triệu đồng.
“Tôi tin tưởng Vân Anh, khi ra đi nghĩ rằng chỉ sau vài tháng sẽ có một khoản để nuôi con, trả nợ và trang trải cuộc sống, nhưng rốt cuộc khi về lại mang thêm nợ nữa. Nhưng về được là mừng lắm rồi. Tôi may mắn! Đó là những tháng ngày khủng khiếp nhất của tôi. Còn nhiều cô gái khác đang mắc kẹt, làm gái ở đó đã lâu mà không biết ngày nào mới có thể trở lại quê nhà. Họ tính đủ thứ tiền vào đầu những người như tôi, tôi đã nghĩ mình không thể về quê được nữa”, chị Thanh thổ lộ.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, đã phát hiện gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân từ năm 2019 đến nay, đã phát hiện xảy ra hơn 370 vụ, với gần 500 đối tượng, lừa bán hơn 550 nạn nhân.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa cấp giấy phép cho doanh nghiệp nào tuyển dụng lao động xuất khẩu sang thị trường châu Phi. Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động sang các nước châu Phi đã diễn ra từ năm 2010, để lại nhiều hậu quả đau đớn cho các nạn nhân. Với trường hợp của hai nạn nhân trên, luật sư Hậu cho rằng: “Có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và buôn bán người, đủ để truy tố những kẻ có liên quan”.
Trong bối cảnh đất nước vừa trải qua đại dịch, công ăn việc làm bị ảnh hưởng, các đối tượng buôn bán người đã tận dụng tối đa không gian mạng để lôi kéo, lừa đảo các cô gái trẻ vào đường dây buồn người. Vậy nên, người dân nên đặc biệt cảnh giác trước những lời mời chào đi làm tại nước ngoài thông qua hình thức visa du lịch, với việc nhẹ, lương cao…
* Tên các nạn nhân đã được thay đổi
Bình luận