• Zalo

Lừa đảo xuất khẩu lao động phức tạp bất chấp đại dịch

Tin tức 24h quaThứ Bảy, 27/11/2021 11:40:27 +07:00Google News
(VTC News) -

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đưa ra lời mời hấp dẫn về mức lương, thu nhập khi đi xuất khẩu lao động, những kẻ lừa đảo thu lợi không ít.

Bất chấp đại dịch COVID-19 diễn ra khiến việc đi lại giữa các nước khó khăn, tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động vẫn không giảm sút, thậm chí có sự gia tăng đáng kể về số vụ việc. Trước đó, ngày 17/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng bắt giữ hai kẻ lừa đảo gần 170 người có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Đà Nẵng không phải là địa phương cá biệt, nhiều nơi trong cả nước vẫn diễn ra tình trạng này.

"Các tổ chức, cá nhân không có chức năng tuyển dụng người lao động đi nước ngoài, nhưng lại lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động để lừa đảo rồi chiếm đoạt tải sản không phải mới xuất hiện gần đây. Qua đây, thể hiện sự hiểu biết của người dân, người lao động vẫn còn hạn chế nên rất dễ dàng cho các đối tượng này lừa đảo", ông Liêm cho biết.

Lừa đảo xuất khẩu lao động phức tạp bất chấp đại dịch - 1

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể tóm tắt thủ đoạn của bọn lừa đảo xuất khẩu lao động như sau: Dựa trên lòng tin của người dân, chúng mời gọi, đưa ra những hình thức đi sang nước ngoài hợp lý bất chấp đại dịch COVID-19. Sau khi người dân mềm lòng, tin tưởng, chúng thu tiền theo từng đợt để “khẳng định uy tín” thay vì nhận cả cục tiền. Qua thời gian, chúng sẽ lần lữa thực hiện trách nhiệm đã giao kết, đến cuối mới lộ ra bản chất lừa đảo.

Người dân không nắm được các quy định, thủ tục liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động sẽ dễ dàng tin vào các thủ đoạn này. Họ tin việc đi làm việc ở nước ngoài rất đơn giản, không cần qua quy trình từ tuyển chọn, đào tạo, kiểm tra trình độ, kiến thức..., chỉ cần có nhu cầu, sau đó nộp hồ sơ là được đi. Trên thực tế, để đi lao động được ở nước ngoài quy trình chuẩn gồm rất nhiều bước.

“Đi” xuất khẩu lao động không dễ dàng

Ông Nguyễn Gia Liêm chỉ ra, thông thường một tổ chức có chức năng tuyển dụng người đi làm việc tại nước ngoài phải thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục và thông báo để người dân nắm được. Cụ thể, tổ chức cần thông báo cần tuyển người lao động, số lượng tuyển dụng, các điều kiện, tiêu chuẩn đối với người lao động…v.v Trên cơ sở đó, người lao động muốn tham gia tuyển dụng phải có giấy tờ chứng nhận đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức tuyển chọn họ đi làm việc nước ngoài. Sau đó, bên người lao động và tuyển dụng lao động phải có cam kết trách nhiệm với nhau.

"Để hoàn thiện thủ tục đi xuất khẩu lao động nước ngoài người lao động phải mất vài tháng, hoặc nửa năm. Đối với thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc thời gian chờ đợi có khi kéo dài một năm", ông Liêm phân tích.

Bên cạnh đó, để đảm bảo theo quy định của luật mới để ngăn ngừa, hạn chế việc lừa đảo người lao động, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ đưa lao động đi lao động ở nước ngoài Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các công ty tuyển dụng phải có trang web của mình với đuôi là "vn". Trên website đó phải cung cấp đầy đủ thông tin của tổ chức, người đại diện theo pháp luật phụ trách việc đưa người lao động đi nước ngoài. “Nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu trên thì sẽ phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Liêm khẳng định.

Người lao động cần làm gì?

Để tránh hạn chế những nguy cơ, rủi ro khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyên mỗi người lao động cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động ngoài nước, các quy định của pháp luật liên quan đến làm việc ở nước ngoài, thông tin về các doanh nghiệp, tổ chức có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Lừa đảo xuất khẩu lao động phức tạp bất chấp đại dịch - 2

Hoạt động xuất khẩu lao động bị hạn chế do dịch bệnh COVID-19. (Ảnh minh hoạ)

Bởi theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, người lao động có thể ra nước ngoài làm việc thông qua doanh nghiệp được cấp phép (hiện có gần 400 doanh nghiệp); các tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chẳng hạn như Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-Tb&XH.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp được phép đưa người lao động của mình đi làm việc ở nước ngoài theo dự án nhận thầu, khoán công trình, đầu tư ra nước ngoài hoặc đưa đi thực tập nâng cao tay nghề. Hình thức phổ biến khác là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân.

Thời gian gần đây, có thêm hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua thỏa thuận giữa các địa phương của Việt Nam với địa phương ở nước ngoài, ví dụ lao động đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc với thời gian 3 tháng. Hầu hết người lao động lựa chọn con đường đi chính thống, có tổ chức đều được bảo đảm an toàn.

Trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục, người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân người tuyển dụng cung cấp đầy đủ thông tin về chủ sử dụng lao động ở nước ngoài, địa chỉ làm việc, nội dung công việc, các điều kiện làm việc, ăn ở, các quyền lợi về tiền lương, bảo hiểm và các chế độ khác. Đặc biệt, người lao động có quyền yêu cầu phía tuyển dụng nêu cụ thể các khoản chi phí, khi nộp tiền phải có hóa đơn, chứng từ ghi rõ tên doanh nghiệp, tổ chức, chữ ký của người có trách nhiệm.

Nếu phía tuyển dụng không cung cấp đủ các yêu cầu nêu trên, thì đó là đơn vị không đáng tin cậy. Gặp trường hợp này, người lao động cần phản ánh đến các cơ quan chức năng", ông Liêm cho hay.

Nhận định về xu hướng ngành nghề lao động ngoài nước trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các nước sẽ đẩy mạnh sang ngành nghề dịch vụ, đối với lĩnh vực sản xuất là ngành nghế sống còn nên các nước vẫn có nhu cầu tuyển lao động sản xuất trực tiếp, sản xuất dịch vụ (cả công nghiệp và nông nghiệp). 

Ngoài ra còn lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Qua đợt đại dịch vừa qua, các nước Châu Âu đang thiếu nguồn lực chăm sóc người già, người ốm tại gia đình, bệnh viện. Hiện nay nhiều nước đang đề cập đến tuyển dụng lao động Việt Nam cho lĩnh vực này.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn