Ca bệnh chỉ điểm ổ dịch lớn nhất TP.HCM
Hôm ấy (18/3), bệnh nhân 91 (người Anh, 43 tuổi) được chuyển đến viện trong tình trạng sức khỏe bình thường. “Rồi ông ấy cũng sẽ khỏi bệnh nhanh thôi, chúng ta đang làm rất tốt”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Khoa nhiễm D của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nói với đồng nghiệp.
Khuya cùng ngày, kết quả xét nghiệm của nam phi công dương tính. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tiếp tục được chuyển qua Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm khẳng định, kết quả cuối cùng có vào ngày 20/3 và vẫn dương tính.
Bắt đầu quy trình điều trị, bác sĩ Phong cùng đồng nghiệp kiểm tra lâm sàng, bệnh nhân 91 cao 181cm nhưng nặng tới 100kg, thể trạng béo phì. Đây là một trong những ca có nguy cơ biến chứng cao. Chưa kể, X-quang phổi cho thấy bị tổn thương mô kẽ, phế nang lan tỏa hai phế trường.
Ngay lập tức, nam phi công được cách ly, điều trị tại Khoa Nhiễm D. Ngành y tế TP.HCM nhận định, đây chính là ca chỉ điểm của ổ dịch lớn nhất thành phố, xuất phát từ quán bar Buddha (phường Thảo Điền, Quận 2).
“Những ngày đầu, bệnh nhân sức khỏe tốt, vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường như nhiều bệnh nhân nhiễm virus corona khác. Tuy nhiên, bệnh nhân có phần không hợp tác với bệnh viện”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong Phong nhớ lại.
Có lẽ vì không hợp khẩu vị, bệnh nhân từ chối không ăn đồ do bệnh viện cung cấp. Thậm chí, nhiều lần bệnh nhân còn tỏ thái độ không hợp tác. Để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân, nhân viên bệnh viện phải tìm cách đặt đồ ăn bên ngoài.
Đến ngày 25/3, bệnh nhân bắt đầu hợp tác với các y, bác sĩ thì tình trạng đột nhiên trở nặng, phải chuyển sang thở oxy qua mặt nạ.
Sáng 6/4, bệnh nhân buộc phải can thiệp phương pháp ECMO (oxy hóa màng ngoài cơ thể) ngay tại phòng cách ly áp lực âm. Kể từ đó, nam phi công hoàn toàn nằm một chỗ, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch và được chuyển sang chế độ chăm sóc đặc biệt.
Từ ngày tiếp nhận bệnh nhân 91, chưa lúc nào bác sĩ Phong được một giấc ngủ thật sự trọn vẹn. Ông như bị “dính” tại bệnh viện 24/24. Một e-kip gồm 4 bác sĩ, 12 điều dưỡng tốt nhất của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập.
“Nhiệm vụ của họ là bằng mọi cách phải níu giữ sự sống cho viên phi công. Thế nhưng, họ bao phen phải thót tim vì tình trạng của bệnh nhân này cứ phập phồng. Chưa kể, kết quả xét nghiệm thì đảo chiều liên tục”, bác sĩ Phong nói.
Hy vọng sống mong manh
“Bệnh nhân này mang tải lượng virus cao gấp nhiều lần người khác. Chúng tôi vừa phải điều trị vừa phải tìm tòi các phương án tiếp theo. Một nhóm hội chẩn được thành lập, quy tụ các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy. Tình hình bệnh nhân được cập nhật, thảo luận liên tục 24/24. Có những thời điểm phổi của bệnh nhân số 91 gần như đông đặc, cơ hội cứu sống bằng không”, bác sĩ Phong nhớ lại.
Khi bệnh nhân bắt đầu có phản ứng với thuốc kháng đông, các bác sỹ quyết định sử dụng một loại thuốc mà Việt Nam chưa từng sử dụng do Đức sản xuất. Thế nhưng, muốn sử dụng thuốc này buộc phải xin giấy phép rồi nhập về. Tổng thời gian mất đến 10 ngày.
10 ngày ấy là quãng thời gian cân não, áp lực nhất đối với các bác sĩ. “Làm sao để giữ cho bệnh nhân sống? Chúng tôi phải dùng tạm loại thuốc Xarelto chưa từng có trong phác đồ. 7 ngày đầu tiên bệnh nhân tương đối ổn định, nhưng sang đến ngày thứ 8, bắt đầu có những dấu hiệu rối loạn đông máu trở lại. Thời gian này chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để cầm cự”, bác sĩ Phong nhớ lại.
Hơn 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, có nhiều thời điểm các bác sĩ tưởng như hết hy vọng. Trong hơn 2 tháng ấy, toàn bộ thời gian đều có nhân viên và bác sĩ bệnh viện túc trực bên bệnh nhân, sẵn sàng xử lý trong các tình huống bất ngờ.
“Trong tuần đầu tiên chạy ECMO, chúng tôi gần như thức trắng liên tục vì sợ bệnh nhân gặp sự cố. 18 ngày sau thở máy, chúng tôi mở khí quản cho bệnh nhân, nhưng mới chỉ bắt đầu rạch da thì máu chảy ồ ạt. Rồi có những thời điểm, bệnh nhân đang ở trạng thái ổn định đột nhiên xuất hiện tình trạng tràn khí màng phổi”, bác sĩ Phong kể.
Chưa có bệnh nhân nào, các bác sĩ phải phải 3 lần thay màng ECMO.
Là người trực tiếp thực hiện ECMO cho bệnh nhân, bác sỹ Huỳnh Thị Thu Hiền, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngay trong ngày đầu tiên đặt hệ thống ECMO, máu bệnh nhân đông đặc khiến các bác sỹ phải thay ngay trong ngày. Những ngày sau đó, liên tục xảy ra tình trạng huyết khối trong hệ thống dây dẫn, buộc phải thay dụng cụ mở khí quản.
“Ngày 12/5, bệnh nhân có tình trạng xơ hóa đông đặc toàn bộ 2 phổi, chỉ khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động. Bệnh nhân sẽ chết nếu rời ECMO. Trong 10 ngày tiếp theo, tình trạng sức khỏe bệnh nhân cải thiện dần”, bác sĩ Hiền nhớ lại.
Sau 65 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, 16h20 ngày 22/5, xe cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy sang đón nam phi công về đơn vị.Thời khắc chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã hoàn thành sứ mệnh vì bệnh nhân 91 đã “thực sự thoát khỏi virus corona”.
“Giữ được mạng sống cho bệnh nhân 91 đến được thời điểm đó là một kỳ tích, bởi trước nay chưa từng có bệnh nhân nào thở máy trên 10 ngày có thể sống sót. Khi chúng tôi chuyển bệnh nhân 91 qua Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi đảm bảo bệnh nhân đã không còn virus corona. Nghĩa là bệnh nhân này hoàn toàn khỏi bệnh. Chúng tôi đã làm đủ mọi cách để giữ được mạng sống cho bệnh nhân này”, bác sĩ Phong xúc động.
Dù không còn mang virus, thế nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn rất nguy kịch. Giữ được mạng sống hay không, tất cả đội ngũ y bác sĩ đều không thể nói trước. Mạng sống của nạn nhân vẫn bị đe dọa.
Mệnh lệnh từ trái tim
“Mong muốn nhất của các bác sĩ là bệnh nhân tự phục hồi phổi, không phải trải qua phẫu thuật ghép phổi. Thế nhưng, tình trạng của bệnh nhân còn rất nặng vì vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, nhiễm trùng phổi chưa khống chế được. Việc chuẩn bị các phương án ghép phổi cho bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu”, bác sĩ Nguyễn Văn Hảo - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu chống độc người lớn (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) nói.
Mấy chục ngày nằm viện, các bác sĩ chưa một lần thấy người thân của viên phi công xuất hiện. Chính điều này khiến Hội đồng chuyên môn lo lắng, vì nếu không có người thân bên cạnh, làm sao tìm được phổi tương thích cho bệnh nhân?
Thông tin về việc bệnh nhân 91 có khả năng ghép phổi được các cơ quan truyền thông đăng tải rộng rãi. Chỉ mấy ngày sau, hơn 50 người Việt Nam ở khắp nơi trong cả nước tình nguyện đăng ký hiến phổi để cứu sống nam phi công.
Những người đăng ký hiến phổi ở nhiều độ tuổi khác nhau, trẻ nhất là 21, lớn nhất đã ngoài 70. Họ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, có người là bác sĩ, điều dưỡng, nhà báo, có người là bộ đội, cũng có người là sinh viên, nông dân.
Không cùng màu da, không cùng dân tộc, nhưng có lẽ đó là “mệnh lệnh từ trái tim”, mệnh lệnh từ lương tri con người. Hơn hết, vì bệnh nhân 91 đang điều trị trên đất nước ngàn năm sống với truyền thống “thương người như thể thương thân”. Chỉ chờ bệnh nhân đủ sức khỏe, việc ghép phổi sẽ được tiến hành ngay lập tức.
Trong lúc cả nước hồi hộp hướng về bệnh nhân 91, đang chờ tia sáng le lói cuối đường hầm thì kỳ tích bỗng xuất hiện. Bệnh nhân bắt đầu hồi phục.
“Sau một tuần cai ECMO, sức khỏe của bệnh nhân 91 có thêm những chuyển biến tích cực”, thông báo từ Bệnh viện Chợ Rẫy phát đi hôm 11/6 khiến hàng nghìn người thở phào.
Từ đó, quá trình hồi phục kỳ diệu của viên phi công bắt đầu. Ông có thể ngồi dậy, cử động cơ thể theo y lệnh của bác sĩ, tay có thể bấm bàn phím điện thoại. Bệnh nhân cũng nhớ chính xác mật khẩu điện thoại và máy tính bảng.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, lúc này phổi của bệnh nhân đã phục hồi hơn 60%. Nhưng do sức cơ hô hấp vẫn còn yếu, bệnh nhân vẫn đang sử dụng máy thở.
Trở về từ cửa tử
Khi tiếp nhận bệnh nhân 91, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy không dám tin có thể cứu sống bệnh nhân. Thế nhưng, ông mạnh dạn hứa Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ huy động toàn lực để cứu chữa cho viên phi công người Anh này.
“Trong quá trình điều trị, yếu tố tinh thần, gia đình rất quan trọng. Nhưng chúng tôi không thấy người thân của bệnh nhân. Bệnh nhân cũng nói không có người thân, bạn bè cũng không nhiều, chính vì vậy chúng tôi vừa đóng vai trò là bác sĩ chữa trị, vừa là người thân động viên tinh thần. Đội ngũ điều trị được giao ở bên cạnh bệnh nhân 24/24”, bác sĩ Thức nói.
Theo bác sĩ Thức, chỉ có thể dùng 2 từ “thần kỳ” để nói về quá trình hồi phục kỳ diệu của bệnh nhân này. Chỉ một tuần sau khi chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy, phổi của bệnh nhân phục hồi dần, từ 10%, lên 20 - 30% rồi đến hơn 60%.
Video: Quá trình hồi phục thần kỳ của bệnh nhân 91 sau 3 tháng
Đặc biệt, sau gần 60 ngày phải can thiệp ECMO, bệnh nhân không cần đến kỹ thuật này nữa. Viên phi công cũng tỉnh táo hơn, chỉ còn phải thở máy, các chức năng khác trên cơ thể hoạt động tốt. Ngày 2/6, lần đầu tiên sau khi nhập viện, bệnh nhân có thể mỉm cười, gật đầu với y, bác sĩ.
Mỗi ngày bệnh nhân đều được các bác sĩ tập vật lý trị liệu hai lần, điều chỉnh nước điện giải và chăm sóc vết loét vùng cụt.
Hội đồng chuyên môn đã đúng khi quyết định chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, sau khi đã loại hết virus corona ra khỏi cơ thể ông. Điều duy nhất có thể khẳng định đến nay, đó là khả năng sống của bệnh nhân 91 rõ ràng hơn bao giờ hết.
“Thời điểm bệnh nhân 91 mỉm cười và vẫy tay chào là 2 khoảnh khắc tôi và đồng nghiệp không thể nào quên. Chúng tôi gần như quên khái niệm thời gian từ khi tiếp nhận bệnh nhân. Các bác sĩ và e-kip điều trị đã nỗ lực tối đa, chúng ta có quyền hy vọng về khả năng hồi phục hoàn toàn của bệnh nhân này”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy xúc động.
Bình luận