Phút 83, trận ra quân tại giải U20 World Cup giữa U20 Việt Nam và U20 New Zealand. Từ đường xẻ bóng của đồng đội, một cái bóng áo đỏ băng lên như lốc bên biên trái, vượt qua hai cầu thủ cao to bên phía đối phương và chuyền vào như đặt. Chỉ đáng tiếc, pha chạm bóng vụng về của Nguyễn Hoàng Đức trong vòng cấm đã khiến cơ hội trôi qua
Trên khán đài, số ít cổ động viên New Zealand... nín thở. Trận đấu sắp kết thúc, và họ không tin một cầu thủ nhỏ bé bên phía U20 Việt Nam có thể đột phá giữa hàng phòng ngự gồm toàn những "người khổng lồ" bên phía U20 New Zealand.
Cầu thủ đã có pha đi bóng tốc lực trên đất Hàn Quốc và suýt kiến tạo bàn thắng lịch sử hôm ấy, chính là Hà Đức Chinh.
Bóng đá Việt Nam không có duyên với các tiền đạo. Nói cách khác, tiền đạo Việt Nam, chân "vàng" thì ít mà... chân gỗ thì nhiều vô kể. SEA Games cách đây ba năm, U23 Việt Nam từng "khóc hận" trước U23 Myanmar dù tạo ra hàng tá cơ hội ngon ăn. Lý do là bởi, các chân sút của HLV Toshiya Miura khi ấy, với "đầu tàu" là Mạc Hồng Quân, chỉ đúng một lần chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng.
Hồ Tuấn Tài ở SEA Games 29 cũng là một câu chuyện buồn khác. Phút cuối cùng trong trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia, Tuấn Tài có bóng, đối mặt thủ môn đối thủ và sửa lòng đưa bóng đi... chạm khung gỗ.
Trận hòa tai hại trong thế hơn người khiến U22 Việt Nam xuống tinh thần, để rồi thua thảm U22 Thái Lan trong trận cuối và bị loại từ vòng bảng. Tuấn Tài, cũng như Hồng Quân trước đây, lập tức trở thành đề tài chế giễu. Trang cá nhân của tiền đạo người Nghệ An nhận nhiều lời chỉ trích, châm chọc, thậm chí lăng mạ. Nếu Đức Chinh muốn hiểu hơn về cảm giác của người đồng nghiệp khi ấy, chân sút này đã được toại nguyện hôm nay.
Những pha đối mặt bị bỏ lỡ, khiến tuyển Việt Nam từ thế dẫn trước và có khả năng đánh sập "chảo lửa" Bukit Jalil của Malaysia, nay chỉ có trận hòa 2-2 và đối diện nhiều rủi ro trong trận lượt về. Mà đây có phải lần đầu Đức Chinh "gỗ" đâu!
Đức Chinh bỏ lỡ cơ hội... có tiếng từ khi còn chơi trong màu áo U19 Việt Nam. Tiền đạo thuộc biên chế SHB Đà Nẵng có thể dứt điểm dội cột dọc dù khung thành đã bỏ trống, sút bóng trúng người thủ môn trong những tình huống tiền đạo sút hỏng còn khó hơn ăn. Tiền đạo gây dựng tên tuổi bằng những bàn thắng, còn Đức Chinh khiến người ta nhớ bằng những lần chuyển hóa bàn thắng thành cơ hội.
Nhưng kỳ lạ ở chỗ, Đức Chinh dứt điểm kém thật, mà vẫn luôn được các HLV ưu ái sử dụng. HLV Hoàng Anh Tuấn bỏ qua Tiến Linh, mặc định Đức Chinh cho một vị trí mũi nhọn ở U19 hay U20 Việt Nam sau này. HLV Hữu Thắng để Đức Chinh đá cao nhất, cặp với Công Phượng, mãi sau mới chuyển vị trí ấy cho Tuấn Tài. HLV Park Hang Seo để Đức Chinh dự bị cho Anh Đức và Tiến Linh, song ở trận đấu với sức ép khủng khiếp nhất (chung kết trên sân Malaysia), ông lại tạo cơ hội cho cậu học trò "chân gỗ".
Vì sao?
Vì ông nhìn thấy giá trị của từng cầu thủ mình có trong tay và tin họ với niềm tin "sống chết", nên ông mới là HLV, còn chúng ta... thì không. Nói về những pha bỏ lỡ của cậu học trò, HLV Park Hang Seo chỉ nhẹ nhàng nhắc nhỏ: "Họ nên dứt điểm chỉn chu hơn".
Ông hiền lành, gần gũi như Lưu Bị, song dụng binh lạnh lùng như Tào Tháo. "Không tin thì không dùng, còn đã dùng là phải tin".
Ông không nhìn Đức Chinh ở những pha đối mặt hỏng ăn hay dứt điểm dội cột trước khung thành trống. Mà ông nhìn Đức Chinh như một mũi nhọn từng chạy như gió cuốn và suýt khiến U20 New Zealand phải "chết lặng". Niềm tin của thầy Park đã đúng một nửa khi Đức Chinh đốt cháy năng lượng ở Bukit Jalil, đẩy lùi hàng phòng ngự Malaysia xuống sát mép vòng cấm, phá vỡ cấu trúc đội hình do HLV Tan Cheng Hoe dày công xây dựng.
Tại sao một Malaysia rất giỏi gây áp lực, lại sơ hở đến mức để thua hai bàn từ những tình huống tuyến hai? Đội chủ nhà có lùi sâu như vậy không, nếu tuyển Việt Nam không có trung phong bền bỉ, giỏi chịu đựng để lao vào chiến đấu với đối thủ, bất chấp mặt sân Bukit Jalil đông cứng lại sau cơn mưa, còn hậu vệ Malaysia luôn thích... đá chân hơn đá bóng?
Hai tình huống bỏ lỡ mười mươi trong hiệp một cũng đến từ sức rướn và khả năng chọn vị trí nhạy bén của Đức Chinh. Tất nhiên, khi tiền đạo bỏ lỡ cơ hội, mọi công đoạn anh ta làm được trước đó sẽ bị khán giả lãng quên. Đức Chinh dứt điểm không tốt, mà theo chuyên gia Phan Anh Tú thì "Đức Chinh đã thiếu nhịp, thiếu sức rướn, thiếu một chút tinh tế để rướn, nhử đối phương". Trung phong của tuyển Việt Nam bỏ lỡ cơ hội bởi anh... quá nhanh, quá vội trước sức ép của tám vạn khán giả tại Bukit Jalil.
Mà nói về nhanh với vội, sao trách được những đứa trẻ lần đầu đứng ở "chảo lửa" nóng bỏng, khi tuổi đời mới hơn 21 cái xuân xanh một chút?
Duy Mạnh cũng "cóng", khi nhiều lần mắc lỗi vị trí và phải phạm lỗi kín với đối thủ. Văn Hậu một lần để "xổng" đối thủ dẫn đến bàn thua, một lần phạm lỗi dẫn đến quả đá phạt (cũng thành bàn) của đối thủ. Văn Lâm không thể hiện được sự chắc chắn trong vài tình huống. Với những cầu thủ đang ở độ tuổi trưởng thành, mỗi vấp váp là một trải nghiệm.
Xin đừng nói chữ "nếu", bởi với một chữ "nếu" đơn thuần, bóng đá Việt Nam đã thống trị đỉnh cao Đông Nam Á từ lâu. Nếu không phải Đức Chinh, liệu ai có thể làm tốt những pha đối mặt này?
Văn Toàn ư? Tiền đạo người Hải Dương từng có nghìn phút không ghi bàn ở V-League, bỏ lỡ nhiều cơ hội khi còn đá cho U19 Việt Nam và mới trở lại sau chấn thương.
Anh Đức ư? Người còn có biệt danh "chân gỗ" trước khi Đức Chinh xuất hiện. Hay Tiến Linh, Văn Đức - những cầu thủ cũng bỏ lỡ hai pha đối mặt ở những tình huống dễ dàng sau đó.
Dùng chữ "nếu", thì hợp lý nhất, vẫn là chữ "nếu" của chuyên gia Nguyễn Sỹ Hiển: "Nếu không phải Đức Chinh, có lẽ chúng ta chẳng có cơ hội để mà bỏ lỡ".
Đức Chinh đã khóc khi bị thay ra trong hiệp hai. Cổ động viên tiếc một, cầu thủ còn tiếc gấp năm, gấp mười lần như thế. Trả lời phỏng vấn VTC News, cựu trợ lý Lê Huy Khoa từng tâm sự: "Cầu thủ tiếc đến... chết đứng người khi U23 Việt Nam thua U23 Uzbekistan đúng phút cuối". Hơn ai hết, Đức Chinh hiểu rõ trách nhiệm của một tiền đạo, hiểu rõ lỗi lầm mắc phải trong trận đấu cần hạn chế sai sót nhất.
Sáng nay, khi toàn đội hình chính được HLV Park Hang Seo cho nghỉ ngơi, Đức Chinh vẫn lầm lũi ra sân. Để không lặp lại sai lầm cũ, không có cách nào tốt hơn tập luyện.
Tập luyện, tập luyện và tập luyện. Vì giấc mơ trường cửu của dân tộc sắp thành hiện thực, vì những niềm tin xứng đáng được đền đáp, khi người hâm mộ đã yêu thương và chờ đợi quá lâu.
Và vì mai là một ngày mới. Một ngày không còn nước mắt, cay đắng, chỉ có những điều tốt đẹp để người ta hy vọng.
Bình luận