• Zalo

GS trẻ nhất 2011: Các nhà khoa học trẻ còn thiếu tự tin

Giáo dụcThứ Năm, 10/11/2011 08:18:00 +07:00Google News

(VTC News)- “Tôi chưa thấy một thành công nào mà thiếu đi sự may mắn”. GS Nguyễn Quang Diệu, vị GS trẻ nhất được phong hàm GS năm 2011 chia sẻ.

(VTC News)- “Tôi chưa thấy một thành công nào mà thiếu đi sự may mắn”. GS Nguyễn Quang Diệu, vị GS trẻ nhất được phong hàm GS năm 2011 chia sẻ.

Hiện tại, GS Nguyễn Quang Diệu đang công tác tại viện nghiên cứu Max-Planck (CHLB Đức) và ông cho biết không thể về tham dự Lễ công nhận chức danh GS, PGS vào ngày 12/11 tới tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Ngay sau khi có thông tin, giảng viên Nguyễn Quang Diệu trở thành GS trẻ nhất năm 2011, VTC News đã có cuộc trò chuyện cùng nhà khoa học trẻ tuổi này.

GS Nguyễn Quang Diệu được phong hàm GS trẻ nhất năm 2011 khi mới 37 tuổi 

- Chỉ mới 37 tuổi nhưng ông đã được phong hàm giáo sư. Ông có thấy rằng mình là người may mắn?

Tôi chưa thấy một thành công nào mà thiếu đi sự may mắn. Riêng tôi thì một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công này là được sinh ra và được nuôi dưỡng trong một môi trường toán học.

- Yếu tố truyền thống gia đình đã ảnh hưởng như thế nào đến tính cách và sự nghiệp của giáo sư như hiện nay?

Bố tôi là giáo sư Toán học nên tôi cũng được kế thừa phần nào niềm đam mê nghiên cứu khoa học của ông.

- Để có được thành công như ngày hôm nay, chắc hẳn sẽ phải có một “hậu phương” vững chắc là điểm tựa cho mọi thành công của giáo sư?


Tuy công việc của vợ tôi và tôi khác nhau, nhưng vợ tôi luôn quan tâm đến quá trình làm việc và nghiên cứu khoa học của tôi. Đặc biệt vợ tôi rất biết thu xếp công việc gia đình nhất là những khi tôi đi công tác ở nước ngoài.

- Mỗi khi phải đi công tác xa nhà, GS sẽ dành tình cảm cho gia đình mình như thế nào?

Do có mối liên hệ đặc biệt với trường ĐH tổng hợp Toulouse 3 nơi tôi đã bảo vệ luận án TS và TS Habilitation  nên khoảng 2 năm một lần tôi được đi hợp tác nghiên cứu ngắn hạn tại đây.

Ngoài ra tôi cũng đã từng đến một số trường đại học khác để làm postdoct (sau tiến sỹ) như ĐHQG Seoul, ĐH Toronto. Mỗi khi đi nước ngoài thì tôi liên hệ với gia đình bằng internet. Gia đình luôn là nguồn động lực chính để tôi học tập và nghiên cứu khoa học.

- Là một người cha trong gia đình, GS thường giáo dục 2 người con của mình theo cách như thế nào?

Hai con tôi còn nhỏ, tôi luôn tranh thủ chơi với các con mỗi khi ở nhà.

- Nghĩ đến những nhà khoa học, đặc biệt là Toán học, người ta thường nghĩ đến một hình ảnh của những người thầy gầy gò, ăn mặc tềnh toàng...còn đối với GS, phong cách của một nhà khoa học trẻ khi mới 37 tuổi là như thế nào?


 Tôi không phải là còn trẻ trong môi trường làm việc của mình. Tôi cũng ăn mặc bình thường như những viên chức khác.

- Để nhận xét về tính cách của mình, có thể dùng những từ ngắn gọn nào để nói về GS?


Tôi là người sống khá nội tâm và ít nói.

- Ngoài những cuốn sách, những công trình Toán học thì những lúc rảnh rỗi, GS thường dành thời gian vào việc gì?

Tôi thích chơi với con và sau đó là chơi điện tử

- Có ý kiến cho rằng, việc phong tặng GS, PGS ở Việt Nam hiện nay đang chú trọng tới số lượng hơn là chất lượng. Nhiều người tỏ ra hoài nghi chất lượng với con số gần 9.000 GS, PGS. GS nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Nếu nhìn vào số lượng bài báo nghiên cứu khoa học của Việt Nam được đăng ở các tạp chí quốc tế trong những năm gần đây thì tôi thấy sự hoài nghi như vậy là không có cơ sở.

- Ở nước ngoài, học hàm GS, PGS có được nhà nước phong tặng giống như ở Việt Nam không thưa GS?

Ở các nước mà tôi đã đến thì việc phong học hàm GS không giống như ở Việt Nam. Việc phong GS hoàn toàn được quyết định bởi hội đồng khoa học của một trường đại học. Một yếu tố quan trọng để được phong GS ở nước ngoài là chất lượng các công trình khoa học, đặc biệt là các công trình chỉ đứng tên một mình ứng viên.

- Bắt đầu từ năm nay, tiêu chuẩn các GS, PGS phải sử dụng được tiếng Anh trong giao tiếp, nghiên cứu, giảng dạy liệu có hạn chế nhiều nhà khoa học có tài năng?


Việc sử dụng tốt tiếng Anh là rất cần thiết để các nhà khoa học có thể giao tiếp được với mối trường quốc tế. Vậy theo tôi tiêu chuẩn về việc sử được tiếng Anh trong giao tiếp, nghiên cứu, giảng dạy là rất hợp lý.

- Thưa GS bản thân GS có tự tin đối với việc giảng dạy và nghiên cứu bằng tiếng Anh của mình?

Tôi đã không ít lần được mời đọc các báo cáo bằng tiếng Anh tại nước ngoài, nên tôi cũng thấy tự tin trong việc giảng dạy và nghiên cứu bằng tiếng Anh.

- Ngoài vấn đề kinh phí, ngoại ngữ có phải là một rào cản để các nhà khoa học Việt Nam ít tham gia vào các cuộc hội thảo khoa học quốc tế?

Vâng cũng có thể một phần là như vậy. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là các nhà khoa học trẻ của chúng ta hơi thiếu tự tin (mặc dù có đủ khả năng)  khi “apply” để đi báo cáo tại các hội thảo khoa học quốc tế.

Xin cảm ơn GS và chúc GS thành công hơn nữa!


Bạn đọc gửi lời chúc đến GS Nguyễn Quang Diệu xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết.

GS Nguyễn Quang Diệu sinh ngày 17/7/1974

GS Nguyễn Quang Diệu bắt đầu làm luận án TS toán học tại  trường Đại Học Toulouse 3 (cộng hòa Pháp) và bảo vệ thành công luận án TS chuyên ngành giải tích phức về đề tài “Bao lồi đa thức địa phương của hợp thành các đồ thị hoàn toàn thực” tại  trường này vào tháng 6 năm 2000.

Tháng 8/2001, anh trở về Việt Nam và nhận công tác tại khoa Toán-Tin, trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội.  Từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2003, anh được mời làm thực tập sinh sau TS tại trường ĐH Sundsvall, Thụy Điển.  Tại đây, anh đã chuyển sang nghiên cứu lý thuyết đa thế vị phức.

Vào tháng 11/2006, bằng các công trình trong hướng nghiên cứu này, Nguyễn Quang Diệu đã bảo vệ luận án Habilitation Diriger des Recherches tại Đại Học Toulouse 3.  Sau đó, anh đã được bổ nhiệm làm PGS của trường ĐHSP Hà Nội vào cuối năm 2007.

Từ tháng 9/2007 đến tháng 8/2009,  anh được mời đi làm cộng tác viên khoa học tại trường ĐHQG Seoul và ĐHQG Chonnam (Hàn Quốc). Tại các trung tâm này, anh đã chuyển sang  nghiên cứu  lý thuyết toán tử và giải phương trình  d ngang với đánh giá.

Anh đã xuất bản 35 bài báo  khoa học, trong số đó có 4 bài báo đăng ở các tạp chí quốc gia và 30 bài đăng ở các tạp chí quốc tế  nằm trong danh mục SCI và SCIE.


Phạm Thịnh ( thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn