• Zalo

Giảng viên đại học dùng bằng thạc sĩ giả

Giáo dụcThứ Hai, 09/02/2015 03:18:00 +07:00Google News

Một giảng viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã làm giả giấy công nhận bằng thạc sĩ của Cục Khảo thí Bộ GD-ĐT và nộp cho trường.

Một giảng viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã làm giả giấy công nhận bằng thạc sĩ của Cục Khảo thí Bộ GD-ĐT và nộp cho trường.

ThS N.A.Đ. là giảng viên thỉnh giảng khoa quản lý văn hóa nghệ thuật Trường ĐH Văn hóa TP.HCM từ năm 2012 đến nay.

Theo hồ sơ chúng tôi có được, ông N.A.Đ. học CĐ Sân khấu - điện ảnh ngành đạo diễn sân khấu, sau đó lấy bằng thạc sĩ ngành quản trị tiếp thị của Marketing Institute of Singapore - MIS năm 2007.
Bằng thạc sĩ của ông Đ. được MIS xác nhận không phải do đơn vị này cấp - Ảnh: M.Giảng
Bằng thạc sĩ của ông Đ. được MIS xác nhận không phải do đơn vị này cấp - Ảnh: M.Giảng 
Theo hồ sơ lý lịch của ông Đ. lưu tại Trường ĐH Văn hóa, ông Đ. khai trước khi giảng dạy tại đây ông từng làm việc tại nhiều tập đoàn, công ty truyền thông trong nước, giảng viên cao cấp marketing tại Học viện Coach Guirila (?), giảng dạy môn quản trị chiến lược, quản trị marketing tại ĐH Công nghệ Sài Gòn, giảng viên kỹ năng mềm tại ĐH Sài Gòn, giảng viên tâm lý giáo dục tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM...

Lấy bằng thạc sĩ trước, học ĐH sau


Thời gian qua ông Đ. dạy các môn marketing văn hóa nghệ thuật, gây quỹ và tìm tài trợ, xây dựng kế hoạch dự án văn hóa tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM.

Một điểm đáng chú ý là sau khi lấy bằng thạc sĩ năm 2007, năm 2009 ông Đ. mới bắt đầu học liên thông ĐH ngành quản lý văn hóa tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, năm 2011 tốt nghiệp.

Lý giải về việc học ngược này, ông Đ. cho biết trước khi dạy ở đây ông đã giảng dạy ở nhiều nơi khác. Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM mời ông dạy các môn về văn hóa trong khi chuyên ngành của ông là quản trị tiếp thị nên ông phải học liên thông ĐH ngành quản lý văn hóa để sau đó giảng dạy!

Liên quan đến thông tin ông Đ. đi học chỉ trong vài ngày tại Singapore là được cấp bằng thạc sĩ, ông Đ. cho biết ông học hoàn toàn tại Việt Nam với thời gian hai năm rưỡi.

Đầu vào chương trình không yêu cầu phải có bằng ĐH. Toàn bộ việc học này được thực hiện tại một trường nghề ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM với học phí 7.500 USD/năm.

Tuy nhiên trường nghề này liên kết với các đơn vị nước ngoài đào tạo chui nhiều khóa thạc sĩ, ĐH nên sau đó đã bị thanh tra và đóng cửa. Người phụ trách trường nghề này nguyên là chuyên viên phòng đào tạo một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM.

Trong khi đó, ThS Trịnh Đăng Khoa - phó trưởng khoa quản lý văn hóa nghệ thuật - cho biết ông Đ. có phương pháp sư phạm tốt, kiến thức môn học đảm bảo, tuy có điều hay bị sinh viên phản ảnh là hơi “nổ”.

Về pháp lý ông Đ. có bằng thạc sĩ, có giấy công nhận của Bộ GD-ĐT nên việc mời thỉnh giảng hoàn toàn bình thường, không có gì sai.

“Người có bằng thạc sĩ rồi đi học ĐH là bình thường. Người ta có nhu cầu đi học để bổ sung kiến thức là chuyện đáng khuyến khích. Không phải có bằng cao hơn là không cần học bậc thấp hơn” - ông Khoa nói thêm.

Cũng liên quan đến vấn đề giảng dạy của ông Đ., một giảng viên của trường cho biết năm 2013 ông này bị sinh viên lớp liên thông ĐH tại Sóc Trăng phản ảnh với trường về phương pháp sư phạm cũng như kiến thức chuyên môn chưa chuẩn dẫn đến việc trường ngừng mời thỉnh giảng một năm.

Ông Khoa xác nhận đúng là có sự cố tại Sóc Trăng nhưng đó là va chạm ngoài chuyên môn, nảy sinh vấn đề văn hóa giao tiếp chứ không liên quan đến năng lực chuyên môn. Sau sự cố này, trường đã ngừng mời thỉnh giảng khoảng một năm đối với ông Đ., sau đó khoa có đề nghị mời thỉnh giảng lại.
Giấy công nhận giả với số vào sổ 002976 do ông Đ. nộp cho Trường ĐH Văn hóa TP.HCM
Giấy công nhận giả với số vào sổ 002976 do ông Đ. nộp cho Trường ĐH Văn hóa TP.HCM 
Bằng thạc sĩ giả, giấy công nhận giả

Chúng tôi liên hệ phòng đào tạo của trường để tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến ông Đ.

Một cán bộ phòng đào tạo cho biết trường cũng từng nghi ngờ bằng thạc sĩ của ông này vì theo một giảng viên môn tiếng Anh lớp liên thông ĐH (ông Đ. theo học), khả năng tiếng Anh của ông Đ. chỉ bập bẹ, khó có thể học thạc sĩ hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Đó là lý do trường ngưng mời thỉnh giảng một năm đối với ông Đ.. Trường yêu cầu ông Đ. phải mang bằng ra Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT làm thủ tục công nhận để tiếp tục thỉnh giảng. Ông Đ. sau đó đã nộp cho trường giấy công nhận bằng thạc sĩ do cục trưởng Mai Văn Trinh ký ngày 20-5-2014.

Từ khoa đến phòng đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đều lấy tờ công nhận này làm căn cứ xác thực văn bằng, tiếp tục mời thỉnh giảng.

Sáng 5-2, sau khi nhận được hồ sơ và giấy công nhận bằng thạc sĩ của ông Đ. do phòng đào tạo cung cấp, chúng tôi đã liên hệ với Cục Khảo thí nhờ xác nhận tính pháp lý của giấy công nhận bằng thạc sĩ cấp cho ông Đ.

Phó cục trưởng Cục Khảo thí - PGS.TS Trần Văn Nghĩa - nhìn qua giấy chứng nhận đã nghi ngờ và cho biết nhiều khả năng đây là giấy công nhận giả. Sau khi tra số vào sổ, ông Nghĩa khẳng định đây là giấy chứng nhận giả.

“Mẫu giấy chứng nhận rất giống mẫu của bộ, tuy nhiên phông chữ có chỗ không đúng, chữ ký cục trưởng không đúng và đặc biệt là số vào sổ ghi trên giấy này đã được cấp cho một người khác. Như vậy đây là giấy giả. Hiện nay cục nhận được vài chục tờ giấy công nhận giả như thế này” - ông Nghĩa nói thêm.

Cùng với khẳng định này, ông Nghĩa gửi cho chúng tôi giấy công nhận thật đã cấp cho người khác có cùng số vào sổ với giấy của ông Đ.

Chúng tôi đã liên lạc với ông Đ. và đặt vấn đề giấy công nhận của ông là giả và ông là người trực tiếp đi làm hay người khác làm thay, ông Đ. cho biết hết sức bất ngờ với thông tin này! Theo ông Đ., ông nhờ dịch vụ làm thủ tục công nhận này, họ yêu cầu gửi giấy tờ gì thì ông gửi giấy tờ đó.

Song song với việc xác minh tính pháp lý của giấy công nhận, chúng tôi cũng đã gửi ảnh chụp bằng thạc sĩ của ông Đ. sang MIS nhờ xác minh một số nội dung: đây có phải là bằng do viện cấp hay không và hình thức đào tạo là gì.

Thật bất ngờ khi bà Chen Yi Fei - phụ trách kiểm tra đánh giá của MIS - xác nhận: bằng thạc sĩ của ông Đ. không được MIS cấp và từ trước đến nay viện chưa bao giờ đào tạo, cấp bằng thạc sĩ quản trị tiếp thị.

Tốt nghiệp THPT làm phó khoa Trường ĐH Hồng Bàng?

Liên quan đến bằng tiến sĩ “ma”, chúng tôi có thêm thông tin ông N.M.M. - phó trưởng khoa khoa học xã hội và nhân văn Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng - sử dụng bằng tiến sĩ học từ xa của một trường ĐH Mỹ và không được công nhận tại Việt Nam.

Chúng tôi đã liên hệ với trường và cả ban giám hiệu, chánh văn phòng, phòng tổ chức nhân sự đều đồng thanh khẳng định: trong hồ sơ lưu của trường ông M. chỉ có chứng chỉ tú tài phần hai (tương đương tốt nghiệp THPT hiện nay) được cấp năm 1968 và chỉ là nhân viên giúp việc tại khoa, không phải là phó khoa.

Trường cũng khẳng định ông M. chưa từng nộp bất kỳ bằng cấp thạc sĩ hay tiến sĩ nào vào trường ngoài chứng chỉ tốt nghiệp nói trên. Cũng theo trường, bất kỳ người nào có bằng tiến sĩ nước ngoài phải được Cục Khảo thí công nhận trường mới chấp nhận.

Tuy nhiên, chúng tôi tìm hiểu và nhận thấy trong hai số tạp chí khoa học của trường vào tháng 2 và tháng 9-2012, ông N.M.M. là trưởng ban biên tập với học vị tiến sĩ.

Trong khi đó, theo danh sách học viên chương trình đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ của Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM, ông M. được trường xác nhận học vị tiến sĩ với chức danh trợ lý hiệu trưởng.

Trên trang web tuoitrehongbang.vn - cổng thông tin học sinh - sinh viên chính thức của trường, ông N.M.M. được giới thiệu là tiến sĩ và là phó khoa khoa học xã hội và nhân văn của trường. Khi chúng tôi đưa ra các chứng cứ này, đại diện ban giám hiệu nhà trường ậm ừ và cho biết có sự nhầm lẫn gì đó, để kiểm tra lại!

Trong khi đó trao đổi với chúng tôi, ông N.M.M. xác nhận trước đây có theo học tiến sĩ từ xa của một trường ĐH Mỹ và có nộp bằng tiến sĩ này cho trường. Sau khi có thông tin không công nhận, tháng 10-2014 ông đã rút toàn bộ bằng cấp ra khỏi trường, không làm phó khoa nữa và hiện chỉ là người hướng dẫn sinh viên thực tập.


Theo Minh Giảng/ Tuổi trẻ
Bình luận
vtcnews.vn