Ông Lê Văn Sử cho biết, hiện giá tôm Cà Mau giảm từ 8.000 - 23.000 đồng/kg. Các size tôm thẻ chân trắng cũng giảm sâu. Nông dân chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. "Một số ý kiến cho rằng chuỗi sản xuất tôm bị gãy đổ là có cơ sở”, ông Sử quan ngại.
Ngoài ra, mực tươi, mực khô các loại giảm 30% giá. Cá ngoài chợ giảm từ 20-29%. "Nhìn vào đây, có thể thấy dịch bệnh ảnh hưởng đến người dân thế nào", ông Sử nói thêm.
Tại buổi ra mắt Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản do Bộ NNPTNT tổ chức sáng nay 31/8, ông Sử cũng nhấn mạnh những khó khăn của tỉnh khi vừa chống dịch vừa sản xuất.
“Biện pháp của tỉnh là siết chặt vòng biên giới, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất bên trong. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn ra mỗi lúc một khác, có lúc diễn biến rất nhanh. Mối nguy có thể đến từ nhiều phía. Nguồn lây đến từ chuỗi cung ứng cũng rất đáng lo ngại", ông Sử nói.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, có lúc, tỉnh phải thay đổi biện pháp quản lý. Sự thay đổi này tác động từng lúc đến hoạt động sản xuất, thậm chí có lúc rất khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
“Đến nay, chúng tôi đã tổ chức cho gần 40 doanh nghiệp chế biến nông sản với gần 10.000 công nhân. Tổng số công nhân của Cà Mau là 40.000 người, hoạt động trong các khu công nghiệp. Từ đó, có thể thấy khâu sản xuất đang bị giảm mức độ", ông Sử dẫn giải.
Vị lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng ghi nhận diễn đàn tạo điều kiện tháo gỡ khá nhiều cho sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tuy vậy, số nông sản đã tiêu thụ được còn khiêm tốn so với lượng do nông dân sản xuất.
Để giải quyết những khó khăn này, ông Sử kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có những chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ người dân thông qua doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được hỗ trợ thì họ sẽ duy trì kết nối được với nông dân, tránh gãy đổ chuỗi sản xuất.
“Người dân không phải lo chi phí sản xuất thì chính quyền, ngân hàng không phải lo cho người dân vay, chỉ cần cho doanh nghiệp vay. Tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm đến mô hình này. Thay vì lo cho từng hộ nông dân vay vốn, thì chỉ cần cho doanh nghiệp vay vốn”, ông Sử đề xuất giải pháp.
Giá tôm miền Tây giảm mạnh, chi phí nuôi tăng
Thời gian gần đâym giá tôm tại nhiều tỉnh miền Tây liên tục giảm mạnh, từ 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, sáng 27/8, giá tôm thẻ kích cỡ 30 con/kg được tư thương mua với giá 135.000 đồng/kg để giao cho các nhà máy. Tùy theo khu vực thuận lợi hoặc khó vận chuyển, giá 135.000 đồng/kg được xác định thấp hơn 2 tháng trước (đầu vụ) từ 30.000-40.000 đồng/kg.
Tôm hùm bông - đặc sản Quy Nhơn năm ngoái được bán 1,9-2,1 triệu đồng và hiếm khi có giá dưới một triệu đồng một kg nay chỉ còn 700.000 đồng. Thậm chí, một số người nuôi phải bán theo hình thức cân xô vì giá giảm quá sốc.
Còn tại Bến Tre, giá tôm cũng giảm mạnh trong khoảng gần một tháng qua, khiến người nông dân thu không đủ bù chi. Nếu như tôm thẻ chân trắng loại 33 con trước đây bán được 150.000 đồng - 180.000 đồng thì nay chỉ có giá 118.000 đồng/kg. Còn loại 150 con giá chỉ có 45.000 đồng/kg. Trong khi tiền thuốc, thức ăn ngày càng tăng thì giá tôm rớt khiến người nuôi phần lớn đều thua lỗ.
Nguyên nhân giá tôm giảm là do các tỉnh xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng khiến việc đi lại của công nhân thủy sản khó khăn nên các doanh nghiệp hạn chế nhập tôm nguyên liệu.
Ngoài ra, sức tiêu thụ tại các nhà hàng chậm khiến nhiều loại thủy hải sản vốn được ưa chuộng nay quay đầu giảm giá mạnh.
Tôm rớt giá trong khi chi phí lại tăng vọt do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cụ thể, việc hạn chế đi lại cũng khiến khâu mua bán khó khăn, chi phí thuê người bắt tôm tăng mạnh. Bởi những người đi bắt tôm buộc phải xét nghiệm COVID-19 nên họ cũng tính vào giá bắt tôm.
Bình luận