Có dõi theo thông tin tỉnh Thanh Hóa, từ thời kỳ các Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Trọng Quyền, Phạm Văn Tích, Nguyễn Văn Lợi, rồi Mai Văn Ninh và Bí thư đương nhiệm Trịnh Văn Chiến, thì mới có thể thấy được cuộc chuyển mình ngoạn mục của xứ Thanh.
Đương nhiên, sự “chuyển mình ngoạn mục” ấy có tính kế thừa từ các thế hệ tiền nhiệm. Nhưng rõ ràng, chỉ vài năm gần đây, Thanh Hóa đã “thoát xác” hoàn toàn, mà trong khuôn khổ loạt bài này, tác giả chỉ muốn nói đến “hiện tượng Sầm Sơn”.
Đêm trắng bạc đầu
Câu chuyện hàng trăm người dân thị xã Sầm Sơn kéo lên tụ tập trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa hồi đầu tháng 3/2016 phản đối dự án cải tạo đường Hồ Xuân Hương gây náo loạn các cấp chính quyền, ban ngành địa phương. Hàng chục cuộc họp. Hàng trăm cán bộ được huy động để giải quyết vấn đề. Nhưng đều chưa thực sự hiệu quả. Có thể nói cả bộ máy từ tỉnh đến cơ sở không nắm được tâm tư nguyện vọng của dân. Bằng chứng là sau nhiều ngày, bà con ngư dân vẫn kéo lên tỉnh “đòi biển”.
Đêm hôm đó, tôi có gọi điện cho Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến. Ông đang rất đau đầu, vì chưa tìm được “nút thắt” là gì để có thể đưa ra cách tháo gỡ. Thế nhưng, khi nghe điện thoại của tôi, ông Chiến vẫn dành sự chia sẻ nhiệt tâm như ngày nào.
“Khi dân có đề xuất có ý kiến, mình lại không có mặt kịp thời để giải thích, và ngư dân bị kẻ xấu kích động, một số bộ phận xấu còn cho tiền dân. Chúng nói với dân sắp tới tỉnh thu toàn bộ bãi biển giao cho FLC, và sắp tới ngư dân không có chỗ đậu thuyền, đi tắm phải mất tiền, không được tự do, không được chụp ảnh…
Sau đó, dân rất bức xúc, nhưng không có ai giải thích cho dân hiểu. Khi bức xúc lên đến đỉnh điểm thì giải thích không ai tin, không ai nghe. Lại thêm việc kẻ xấu kích động, người dân có suy nghĩ đi ngược với chủ trương của tỉnh”, ông Chiến chia sẻ.
Vụ việc dân bức xúc 9 ngày, nhưng đỉnh điểm là 7 ngày. Thị ủy Sầm Sơn, UBND thị xã giải thích, dân không nghe. Khi còn đám lửa nhỏ không dập đi, nó to rồi không dập được.
Dân kéo lên tỉnh, mỗi ngày lên một đông, đại diện UBND tỉnh đứng ra giải thích, nhân dân không tin nữa, dân không nghe. Ngay lúc đó, Bí thư Tỉnh ủy mới họp yêu cầu UBND tỉnh giải thích nhưng dân vẫn không tin.
Ông Chiến chia sẻ: “Ba ngày rất căng thẳng, tôi mất ba đêm không ngủ được, sau đó tôi quyết dứt khoát phải làm. Đầu tiên, tôi cử 4 lãnh đạo đại diện UBND tỉnh về tận phường Bắc Sơn, xã Quảng Cư, phường Trường Sơn, phường Trung Sơn 4 của thị xã Sầm Sơn làm việc với bà con, nhưng vẫn không làm dịu được tình hình.
Với trách nhiệm là người đứng đầu tỉnh, tôi phải là người đứng ra giải quyết. Đêm mùng 6/3, tôi bắt buộc phải nghĩ ra cách, nghĩ toàn bộ kịch bản để đối thoại dân rồi mà vẫn cảm thấy không ổn. Phải đến lúc gần 2h sáng 7/3, tôi chợt lóe trong đầu suy nghĩ: Vậy có ai cấm dân không được neo đậu tàu thuyền không?. Tôi cho thư ký xem lại thì thấy rõ là không có văn bản nào chỉ đạo cấm ngư dân. Như vậy là được rồi! Nút thắt là ở đây rồi…”.
Những tiếng vỗ tay của lòng dân
Bí thư Chiến kể tiếp: “Sáng 7/3, tôi thấy đầu óc rất tỉnh táo, sáng suốt, dù phải thức trắng nhiều đêm. Sáng hôm đó, xuống tiếp dân có 1 tiếng 45 phút thì xong”.
Sau phần nhận khuyết điểm và xin lỗi ngư dân đã để xảy ra vụ việc, ông Chiến nói: “Bờ biển là của đất nước ta, của nhân dân ta, trong đó có Sầm Sơn. Bờ biển thì phải được nhà nước quản lý, bằng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển để làm sao bờ biển được khai thác tốt nhất, tạo điều kiện cho đơn vị đó phát triển nhanh nhất, đảm bảo lợi ích cho người dân. Không có chuyện tỉnh thu biển, bờ biển để giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào, vì làm như vậy là vi phạm quy định pháp luật”.
“Dân thấy như vậy kẻ xấu tuyên truyền tỉnh thu biển giao cho FLC là sai. Bây giờ thấy đấy, tắm thoải mái có ai thu tiền, chụp ảnh cứ chụp, bán hàng rong thì phải kiểm soát lại, quy hoạch lại. Tôi mới hỏi bà con có ai cấm bà con đậu thuyền trên bãi biển 3,5 km dọc bờ biển không?”, ông Chiến kể.
Lúc đó, 600 chỗ trong hội trường trung tâm Thanh thiếu niên kín hết chỗ, ngoài ra phải lắp 2 màn hình ra ngoài sân. Xung quanh trung tâm kín người.
Bí thư Trịnh Văn Chiến thẳng thắn: “Mình nghĩ đúng rồi và từ tâm mình là phải đảm bảo lợi ích người dân, tôi rất tự tin vào những suy nghĩ của mình để xuống đối thoại với dân.
13 ý kiến phát biểu của người dân đều trùng nhau, tôi tóm lại ý và báo cáo lại bà con. Tôi mới đi thẳng vào vấn đề, nhẹ nhàng với người dân, để họ trình bày ý kiến. Tôi nói, bà con đồng ý thì cho tôi tràng vỗ tay.
Thứ nhất, tỉnh có chủ trương nâng cấp bờ biển, đường Hồ Xuân Hương cho đẹp theo nghị định 59 của Chính phủ năm 2005, bây giờ chủ trương của tỉnh là xây dựng bãi biển Sầm Sơn trở thành bãi biển đẹp nhất của tỉnh, của cả nước, bà con đồng ý không?.
Người dân vỗ tay đồng ý.
Người dân đề nghị để lại diện tích bãi biển làm nơi neo đậu cho ngư dân, người đề nghị ít nhất là 350 m, người đề nghị nhiều nhất là 1.500 m và gần đền Độc Cước.
Một số người dân trong buổi đối thoại nhận thấy việc làm sai, đề nghị nhà nước giơ cao đánh khẽ. Cái này có đúng không?.
Một nửa vỗ tay.
Một số ý kiến khác, tôi tiếp thu và yêu cầu UBND Sầm Sơn, phường xã tổng hợp lại và trả lời sau cho bà con. Bà con đồng ý không?
Cả hội trường nhao nhao, giờ im phăng phắc, không còn ý kiến nào nữa”.
Ông Chiến nói tiếp: "Bà con mà thấy từ ông Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành, Chủ tịch Sầm Sơn, lãnh đạo các phường mà ra văn bản, thậm chí là nói thôi rằng cấm bà con neo đậu tàu thuyền, thì với tư cách là người đứng đầu tỉnh, tôi sẽ xử lý nghiêm khắc.
Trong trường hợp các lãnh đạo tôi nhắc mà không làm đúng tư tưởng chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy thì tôi sẽ hủy hết, xử lý trách nhiệm đến nơi đến chốn.
Bây giờ không ai cung cấp cho tôi bằng chứng về việc tỉnh cấm thì tôi tuyên bố nhé: Ai đồng ý với chủ trương chính sách của tỉnh thì nhận tiền theo chính sách 705, bà con được tuyên truyền được nghe cả rồi. Còn ai không đồng ý thì cứ tiếp tục đi biển, tiếp tục neo đậu tàu thuyền. Có ai cấm đâu.
Thế là bà con vỗ tay ầm ầm".
Bí thư Chiến kể thêm: "Tôi cứ nghĩ trong đầu có một cái công văn họp rất kỹ nội dung này, sau đó thì có một thông báo số 01 ngày 2/10/2015, trong đó có 3 ý chỉ đạo quan trọng. Đó là: Nghiên cứu giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các cơ quan hữu quan tìm bến mới cho ngư dân, đầu tư hạ tầng thật tốt sau đó hỗ trợ ngư dân mang thuyền bè lên đó thuận lợi; Xây dựng chính sách phù hợp cho ngư dân; Tổ chức vận động tuyên truyền thuyết phục, tạo sự đồng thuận cho ngư dân. Tôi còn chỉ đạo vào đó là chỉ khi nào đủ các điều kiện cần thiết mới di chuyển bến mới".
Theo Bí thư Tỉnh ủy, tỉnh tạo mọi điều kiện cho ngư dân phát triển, làm ăn. Hiện tỉnh chưa cấm bà con neo đậu tàu thuyền thì cứ việc neo đậu. Nhưng rõ ràng là phải quy hoạch và làm theo lộ trình, để làm sao vẫn đảm bảo cho bà con làm ăn, sinh sống và vẫn phải vì mục tiêu phấn đấu Sầm Sơn thành đô thị du lịch, dịch vụ đẹp, văn minh, xứng tầm khu vực...
Trong quá trình phát triển nó có những câu chuyện như thế. “Nhưng nghĩ lại, tôi thấy dân mình rất tốt. Nhưng lo cho dân phải theo quy định, chính sách…”, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến nói.
Cuộc trò chuyện kéo dài nhiều tiếng đồng hồ của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa với PV báo điện tử VTC News còn mở ra câu chuyện về những trăn trở và sự quyết đoán, dám làm, dám chịu – đúng đặc tính của con người xứ Thanh.
Vậy, bí quyết nào đã giúp Sầm Sơn từ tai tiếng trở thành nổi tiếng?. Mời quý vị đón đọc các kỳ tiếp theo.
Bình luận