Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Park Beom-kye ngày 9/8 thông báo Phó Chủ tịch đồng thời là “người thừa kế” tập đoàn Samsung sẽ được ra tù vào ngày 13/8. Ông Park cho biết tình hình kinh tế của Hàn Quốc và thế giới, đại dịch COVID-19 là một số yếu tố được bộ cân nhắc khi đưa ra quyết định.
Trên thực tế, ông Lee đã thụ án đủ thời gian để được xét ân xá. Nhưng theo một số báo cáo truyền thông, một yếu tố không nhỏ có thể tác động đến quyết định này là nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn - giúp duy trì vị thế nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới của Hàn Quốc.
Lee Jae-yong thay đổi Samsung thế nào?
Lee Jae-yong (Jay Y) sinh ngày 23/6/1968 ở Seoul, Hàn Quốc. Ông bắt đầu làm việc cho Samsung vào năm 1991, đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Kế hoạch chiến lược và sau đó là "Giám đốc khách hàng" - một vị trí quản lý được thiết lập riêng cho ông.
Tháng 12/2009, Jay Y trở thành Giám đốc điều hành của Samsung Electronics. Kể từ tháng 12/2012, ông là Phó Chủ tịch của Samsung.
Theo The Guardian, sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul, và nhận bằng thạc sĩ tại Nhật Bản, Lee Yae Jong học tại Trường Kinh doanh Harvard trong 5 năm trước khi gia nhập Samsung. "Thái tử Samsung" được mô tả là nhà lãnh đạo khiêm tốn và có tư duy kinh doanh nhạy bén, quen biết rộng khắp châu Á và phương Tây. Lee Jae Yong được cho là có thể giúp Samsung lấn sân từ địa hạt phần cứng sang phần mềm và tăng cường quan hệ ngoại giao của Samsung.
Kể từ khi thay thế vai trò của cha, Jay Y. Lee đã trao quyền điều hành hoạt động hàng ngày cho các lãnh đạo cấp dưới trên toàn bộ hệ thống 60 công ty lớn nhỏ của tập đoàn. Ông tập trung vào các thương vụ sáp nhập, IPO cho các công ty con và bán những mảng kinh doanh không hiệu quả như trong lĩnh vực lĩnh vực hoá chất và quân sự.
Trong lĩnh vực smartphone, Samsung chịu áp lực cải cách, cạnh tranh đến từ cả thị trường trong nước và từ các nhà đầu tư nước ngoài. Những người thân cận tại Samsung tiết lộ Jae Yong đã thúc đẩy quan hệ đối tác với Apple và đóng vai trò cầu nối quan trọng trong mối quan hệ giữa hai tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Ông cũng nhận được sự kính trọng tại thung lũng Silicon.
Những người thân thiết nhận xét chính sự nhạy bén kinh doanh của vị phó chủ tịch đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi của gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Hàn Quốc. "Ông ấy rất nhạy bén và thấu đáo. Ông Lee cũng có công lớn trong việc đưa ra những quyết định quan trọng, chẳng hạn như việc Samsung chuyển từ sử dụng LCD sang OLED", một vị giám đốc điều hành của Samsung tiết lộ.
Theo Samsung, Phó chủ tịch Lee Jae-yong đã "đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các hoạt động kinh doanh mới và mối quan hệ với khách hàng và đối tác toàn cầu". Tập đoàn bác bỏ các báo cáo của truyền thông về những hành vi sai trái của ông Lee và nhận định điều này có thể ảnh hưởng đến "không chỉ Samsung và còn tương lai của nền kinh tế Hàn Quốc".
Tập đoàn cũng nhấn mạnh vai trò của ông Lee trong thỏa thuận 5G với Tập đoàn viễn thông KDDI của Nhật Bản vào năm ngoái bất chấp quan hệ song phương ngày càng xấu đi. Samsung Electronics báo cáo doanh thu hàng năm vào năm 2019 tương đương 12% sản lượng kinh tế của Hàn Quốc.
Giúp Hàn Quốc vực dậy ngành bán dẫn?
Vào những năm 1960, nền kinh tế Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ và trong những năm 1990, các tập đoàn lớn hình thành. Doanh thu của Samsung, Hyundai, Lotte, LG và SK chiếm 50% GDP của Hàn Quốc.
Kể từ đó, nền kinh tế Hàn Quốc ngày càng phụ thuộc vào các chaebol (các gia tộc giàu có).
Vào năm 2018, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tham dự lễ khai trương nhà máy của Samsung Electronics ở Ấn Độ và bắt tay với Lee Jae-yong, ông nói dứt khoát: "Tôi hy vọng Samsung Electronics sẽ đầu tư nhiều hơn vào Hàn Quốc và tạo ra nhiều việc làm hơn".
Ba mươi ngày sau, Samsung công bố kế hoạch mới đầu tư 180 nghìn tỉ won vào Hàn Quốc, đồng thời sẽ thuê 40.000 nhân viên mới và gián tiếp tạo ra 700.000 việc làm. Lúc này, Lee Jae-yong đang trong giai đoạn bị điều tra và sau đó bị giam giữ với án tù 2,5 năm.
Giờ đây, dưới tác động của đại dịch, kinh tế Hàn Quốc sa sút nghiêm trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 là -1%, thu chi tài khóa thâm hụt 71,2 nghìn tỉ won, lập mức cao kỷ lục. Ngay cả ngành công nghiệp bán dẫn của nền kinh tế Hàn Quốc cũng bị đẩy tới thời điểm nguy hiểm bởi những tác động từ Nhật Bản.
Vào tháng 7/2019, Nhật Bản bất ngờ tuyên bố sẽ tăng cường kiểm soát đối với nguyên liệu bán dẫn xuất khẩu sang Hàn Quốc, đồng thời bắt đầu đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Nhật Bản.
Khi đó Lee Jae-yong dù đang dính líu đến các vụ kiện, đã gấp rút đến Nhật Bản để thảo luận về vấn đề này nhưng không thành công. Trong khi Samsung là “đầu tàu” trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn ở Hàn Quốc, và Tổng thống Moon Jae-in từng tuyên bố Hàn Quốc phải duy trì vị trí của mình trong ngành này.
Đã có nhiều đồn đoán về việc ông Lee sẽ được ân xá trong bối cảnh Hàn Quốc cần tìm lại vị thế nhà sản xuất chip hàng đầu.
Mặc dù người đàn ông 52 tuổi vẫn nắm quyền kiểm soát Samsung từ phòng giam của mình ở ngoại ô phía nam Seoul, nhưng bản chất phân cấp nghiêm ngặt của doanh nghiệp do gia đình kiểm soát sẽ khiến một số khả năng giao dịch của ông bị hạn chế.
Theo Bloomberg, các nhà chức trách đã đưa ra quyết định ân xá Lee sau khi xem xét ý kiến công chúng, “thái độ khi bị giam giữ” của Lee và những lo ngại về tình hình kinh tế đang diễn ra do đại dịch và tình trạng thiếu chip toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trước đó đã hy vọng rằng việc Lee trở lại vị trí của mình sẽ không chỉ giúp Hàn Quốc duy trì vị thế là nhà sản xuất chip, mà còn giúp giảm thiểu tác động của đại dịch toàn cầu đối với nền kinh tế của nước này. Là tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, doanh thu của Samsung năm 2020 chiếm tới 20% GDP của Hàn Quốc.
Bloomberg nhận định, việc thả Lee có thể giúp cho tham vọng của Samsung trong việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở Mỹ, cũng như một thỏa thuận khác để Samsung Biologics sản xuất vaccine COVID-19 Moderna. Một trong những dự án Samsung đang cân nhắc liên quan đến những khoản đầu tư hàng tỷ USD vào các cơ sở bán dẫn ở Mỹ. Tập đoàn có trụ sở tại Seoul đang xem xét các địa điểm ở Austin, nơi họ đã có một nhà máy sản xuất chip, cũng như Phoenix và New York.
Tờ Wall Street Journal cũng trích dẫn lời những người ủng hộ Lee nói rằng nếu không có ông, Samsung đã không thể vượt qua suôn sẻ các tác động của tình trạng thiếu chip và đại dịch.
Nhưng tin tức Lee được ân xá cũng gây ra phản ứng trái chiều khi Hàn Quốc đang cố gắng chấm dứt ảnh hưởng của các tập đoàn gia đình. Lee Kun-hee đã tuyên bố rằng ông sẽ không giao lại công ty cho các con của mình. Bên cạnh đó, ở Hàn Quốc, tội phạm kinh tế như Jay Y sẽ phải chịu lệnh cấm lao động 5 năm và những người được ân xá bị cấm đi ra nước ngoài. Hiện chưa rõ "thái tử Samsung" có được bộ tư pháp miễn trừ hay không.
Bình luận