• Zalo

Đừng tận thu thuế người bệnh, người nghèo

Kinh tếThứ Ba, 22/08/2017 07:46:00 +07:00Google News

Gốc rễ của vấn đề là chi tiêu tiết kiệm, giảm thiểu những công trình ngàn tỉ đắp chiếu… chứ không phải cứ chăm chăm tăng thuế với cả người nghèo.

Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng thuế VAT với hàng hóa tiêu dùng từ mức 10% hiện nay lên 12%. Đáng chú ý là Bộ Tài chính còn đề xuất loại một số nhóm hàng hóa, dịch vụ lâu nay được ưu đãi thuế VAT sang nhóm chịu thuế thông thường, dù đây là những hàng hóa thiết yếu của người dân, bao gồm cả người bệnh và người nghèo.

Những hàng hóa, dịch vụ này sẽ tăng thuế VAT từ 5% hiện hành lên 12% như bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh…

Người bệnh, học sinh… còng lưng gánh thuế

Phản ứng trước thông tin đề xuất tăng thuế VAT đối với cả những mặt hàng liên quan đến người bệnh, các doanh nghiệp lẫn chuyên gia đều phản đối. Bà NTB, giám đốc một công ty thiết bị y tế, nhận định việc tăng thuế VAT đồng nghĩa với giá thành các thiết bị phục vụ y tế tăng mạnh. Khi đó các bệnh viện phải mua thiết bị y tế, thuốc với giá cao hơn hiện nay.

Đừng tận thu thuế người bệnh, người nghèo - ảnh 1

Tăng thuế VAT ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo. Ảnh: HOÀNG GIANG 

“Bộ Tài chính không thể lấy lý do bội chi ngân sách để tăng thu thuế. Tăng VAT trong lĩnh vực y tế thì hậu quả trực tiếp là người bệnh bị ảnh hưởng, người dân nghèo càng khó tiếp cận với chính sách chăm sóc sức khỏe.

Thậm chí cắt giảm chi phí chữa bệnh, không dám đi chữa bệnh. Chẳng hạn người nghèo thu nhập 5 triệu đồng/tháng thì dành gần như toàn bộ cho chi tiêu ăn uống, tiêu dùng, nay giá thuốc tăng thì lấy tiền đâu mà chữa bệnh” - bà B. nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại học phí, các loại phí dịch vụ học tập sẽ tăng khi thuế VAT của các nhóm hàng phục vụ giáo dục được đề xuất tăng từ 5% lên 6%. Anh Vũ, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM bức xúc: Thuế VAT có tăng cao hơn nữa thì các công ty sản xuất, kinh doanh dụng cụ học tập cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi họ tính hết vào giá thành sản phẩm hoặc tính vào học phí. Như vậy học sinh là đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng.

“Nước sạch bị đề xuất tăng thuế VAT từ 5% lên 12%; xăng dầu, điện, quần áo… tăng từ 10% lên 12%. Thịt, rau, thuốc, vaccine, dụng cụ học tập… cũng tăng thuế nữa thì người dân chịu làm sao nổi” - anh Vũ than thở.

Nông dân chịu thiệt

Theo Luật Thuế VAT hiện hành thì phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT. Thế nhưng trong đề xuất mới đây của Bộ Tài chính đã chuyển phân bón, tàu đánh bắt xa bờ và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sang đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất 5%...

Nhiều ý kiến lo ngại thuế VAT tăng, giá phân bón bị đẩy lên cao thì nông dân là người chịu thiệt nhất. Vì vậy việc đưa mặt hàng phân bón vào nhóm hàng tăng thuế VAT là không cần thiết. Việc quan trọng là nâng chế tài xử phạt, quản lý chặt nạn làm phân bón giả, nhái để bảo vệ chính nông dân.

Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nhìn nhận thuế VAT đối với thức ăn chăn nuôi tăng, cộng thêm thuế VAT các loại chi phí đầu vào như điện, xăng, nước, vận tải… tăng thì chắc chắn doanh nghiệp (DN) phải tăng giá thức ăn chăn nuôi.

“Khi đó người chăn nuôi chịu thiệt nhiều nhất, lợi nhuận giảm và với tình hình chăn nuôi đang gặp khó như hiện nay thì khả năng lỗ nhiều hơn. Ngành chăn nuôi khi đó rơi vào tay các DN nước ngoài” - ông Bình lo lắng.

Không hiểu nỗi khổ của dân

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng chúng ta đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho ngư dân phát triển đánh bắt xa bờ, ra khơi bám biển nhưng lại đánh thuế ngư cụ là điều khó chấp nhận.

1503197780-1

Hình minh họa. 

“Luật Thuế VAT đã được Quốc hội thông qua hơn một năm và cần có sự ổn định nhưng bây giờ Bộ Tài chính lại muốn thay đổi là không hợp lý. Mặt khác, những hàng hóa, dịch vụ như y tế, giáo dục, nước sạch… nên ổn định về thuế bởi liên quan đến an sinh xã hội” - vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đề nghị Bộ Tài chính nên đi tìm những nguồn thu khác như chống tham nhũng, trốn thuế, nợ thuế… thay vì chăm chăm tăng thuế.

Cũng theo ông Phú, Chính phủ đang có chủ trương kích cầu tiêu dùng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn vùng biển của Tổ quốc. Do vậy việc Bộ Tài chính đề xuất áp và tăng thuế VAT đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp, thuốc chữa bệnh, ngư nghiệp là đi ngược với tinh thần của Chính phủ. Đó là chưa kể đề án tăng thuế của Bộ Tài chính không đầy đủ cơ sở (tính hiệu quả, tính khả thi và không công bằng) và đánh thuế vào đối tượng nghèo là nông dân, ngư dân.

Cũng theo vị chuyên gia này, Bộ Tài chính đánh thuế các thiết bị y tế là đánh vào người nghèo và thẳng thắn cho rằng: “Người bệnh đang phải nằm ghép giường, giá thuốc tăng cao, bây giờ gánh thêm thuế VAT nữa thì làm sao họ chịu đựng được. Do đó, Bộ Tài chính cần tham vấn ý kiến toàn dân chứ không nên muốn tăng là tăng. Dường như Bộ Tài chính không hiểu nỗi lòng dân”. 

Tránh ngồi máy lạnh làm chính sách

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng việc tăng thuế VAT cần được xem xét hết sức thận trọng và đây là loại thuế gián tiếp tác động đến tiêu dùng, dân sinh. Thuế là yếu tố cấu thành giá và khi thuế tăng thì chắc chắn giá tăng lên, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát, trong khi đây là yếu tố kiểm soát kinh tế vĩ mô.

Mục tiêu của chúng ta là ổn định kinh tế vĩ mô. Khi lương thấp, giá hàng hóa tăng sẽ ảnh hưởng đến sức mua và tạo dây chuyền ảnh hưởng đến sản xuất, an sinh lao động. Tính chung việc tăng thuế sẽ tác động mạnh nhất đến tầng lớp thu nhập thấp, trung bình.

Do vậy, ông Long đề xuất cơ quan thuế cần khảo sát thực tế đối với từng loại hàng hóa, ngành hàng để có cách đánh giá khách quan, đồng thời cần có thêm ý kiến chuyên gia độc lập phân tích thêm, tránh trường hợp các nhà làm chính sách chỉ “ngồi bốn bức tường” làm chính sách theo cảm tính với mục tiêu tăng thu.

“Việc giải quyết vấn đề nợ công không chỉ cứ tăng thu mà cần nghiên cứu giải pháp giảm chi, chống thất thu thuế. Nếu không làm được điều đó thì có tăng thuế bao nhiêu cũng không đạt được mục tiêu” - ông Long nêu quan điểm.

Theo TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Chính sách công, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, việc cần làm hiện nay là tinh giản bộ máy và cắt giảm chi tiêu để hiệu quả hơn chứ không phải là tiếp tục tăng thuế và tăng các nguồn thu, nhất là loại thuế đánh vào người nghèo, có tính lũy thoái như thuế VAT.

“Nhà nước kiến tạo là một nhà nước phải hiệu quả, giúp cho đời sống của người dân dễ chịu hơn, hoạt động kinh doanh của các DN dễ dàng hơn chứ không phải ngày càng tạo thêm gánh nặng cho người dân và DN, nhất là những người có vị thế bất lợi hơn trong xã hội” - TS Huỳnh Thế Du nêu quan điểm.

Đề nghị tăng thuế bông vệ sinh, thuốc chữa bệnh…

Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất tăng thuế VAT đối với hàng loạt mặt hàng, dịch vụ. Trong đó, riêng với một số dịch vụ, hàng hóa như nước sạch, một số loại máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, giáo dục… đề xuất tăng thuế VAT từ 5% lên 10%. Đặc biệt bệnh nhân cũng nằm trong nhóm bị ảnh hưởng của việc tăng thuế này.

Video: Đề xuất tăng thuế VAT - tăng thu hay tận thu?

Chẳng hạn, nhóm y tế có một số máy móc, thiết bị phải tăng thuế VAT như máy nội soi, siêu âm, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp; máy móc, thiết bị, dụng cụ dùng để khám, gây mê, mổ, khâu, băng bó, tiêm, hô hấp; bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh... Nhóm hàng hóa phục vụ giáo dục như các loại mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, compa…

Thu thuế VAT quá cao

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nếu thuế VAT các mặt hàng tăng thêm 2% có thể giúp ngân sách thu thêm 59.000 tỉ đồng, từ đó tăng tỉ trọng thu ngân sách từ VAT của Việt Nam lên 33%. Theo các chuyên gia, tỉ lệ này là quá cao.

“Đây có lẽ là thông tin không tốt cho các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng” - báo cáo của HSC nhận định.

(Nguồn: plo.vn)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn