Nguồn tin của Bloomberg cho biết, Đức có kế hoạch vay thêm gần 40 tỷ euro (43 tỷ USD) trong năm nay để đối với những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine. Với số tiền đó, Đức sẽ nợ tổng cộng khoảng 151 tỷ USD.
Điều chỉnh này là cần thiết nhằm hỗ trợ tài chính cho một loạt các biện pháp được đưa ra để xoa dịu ảnh hưởng kinh tế từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và việc giá năng lượng tăng cao. Theo nguồn tin của Bloomberg, kế hoạch tài chính mới sẽ được các quan chức Đức trình lên nội các vào ngày 27/4.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, chính quyền Berlin đã vay nợ ở mức chưa từng có. Năm 2020, nợ ròng của Đức lên gần 140 tỷ USD. Số nợ của nước này đạt mức kỷ lục gần 232 tỷ USD vào năm 2021.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng công bố một quỹ ngoài ngân sách đặc biệt trị giá khoảng 108 tỷ USD để chi trả thêm cho mục đích quân sự và đáp ứng mục tiêu chi tiêu quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là 2% sản lượng kinh tế mỗi năm.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói rằng, việc vay vốn để tài trợ cho quỹ này sẽ được dàn trải trong vài năm. Với khoản vay đó, tổng nợ của Đức có thể vượt quá 151 tỷ USD vào cuối năm nay.
Theo Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, nước này sẽ giảm một nửa lượng dầu nhập từ Nga vào mùa hè và giảm hoàn toàn vào cuối năm nay. Mục tiêu tiếp theo của Berlin là giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga.
"Chúng tôi sẽ giảm một nửa lượng dầu từ Nga vào mùa hè và giảm xuống con số 0 vào cuối năm. Tiếp đó, khí đốt sẽ theo lộ trình chung của châu Âu", Ngoại trưởng Đức nói.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đang nỗ lực để giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga. Thống kê cho thấy, dầu của Nga chiếm 25% lượng nhập khẩu của Đức tính đến đầu tháng 4, giảm so với mức 35% trước khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nga cũng chiếm khoảng 55% nguồn nhập khẩu khí đốt của Đức.
Tuy nhiên, các viện kinh tế của Đức cảnh báo rằng, việc ngừng nhập khẩu năng lượng Nga ngay lập tức sẽ gây ra một cuộc suy thoái mạnh ở nền kinh tế lớn nhất Châu Âu vào năm 2023.
Bình luận