Ngày 13/4, 5 trong số các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức đã đưa ra cảnh báo rằng nếu tất cả nguồn cung cấp năng lượng từ Nga bị cắt ngay lập tức theo đề xuất của Liên minh châu Âu (EU), tăng trưởng kinh tế Đức sẽ giảm từ 2,9% năm 2021 xuống còn 1,9% trong năm nay và ở mức 2,2% vào năm 2023.
“Nếu nguồn cung cấp khí đốt bị cắt, nền kinh tế Đức sẽ trải qua một cuộc suy thoái mạnh”, ông Stefan Kooths, phó chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel, nói.
Cụ thể, ông Kooths chỉ ra rằng nền kinh tế Đức có thể mất hơn 238 tỷ USD vào năm 2022 và 2023, tương đương 6,5% GDP.
Ông Marcel Fratzscher, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, cho biết việc cấm vận năng lượng Nga có thể để lại “tác động lâu dài” và “gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế hơn cả đại dịch COVID-19”: “Điều này sẽ làm xói mòn vĩnh viễn khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Đức, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hóa chất, sản xuất thép và phân bón”.
Các viện kinh tế cũng cảnh báo rằng việc chấm dứt nhập khẩu năng lượng của Nga sẽ khiến số người thất nghiệp ở Đức tăng từ 2,37 triệu lên 2,79 triệu vào năm sau. Tỷ lệ lạm phát năm nay cũng có thể chạm mức kỷ lục 7,3%.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Viện kinh tế Allensbach cho thấy có tới 30% người Đức ủng hộ lệnh cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu năng lượng của Nga.
Đức là một trong những nhà nhập khẩu năng lượng lớn. Năm ngoái, nước này nhập tới một nửa nhu cầu khí đốt và than, cùng 1/3 nhu cầu dầu từ Nga. Berlin có kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung dầu để giảm phụ thuộc vào Nga trong cuối năm nay và từ bỏ nguồn khí đốt này trong 2 năm tới.
Theo phân tích của các viện nghiên cứu, cho dù Đức tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, nền kinh tế của đất nước vẫn sẽ bị ảnh hưởng do nhiều yếu tố gồm cuộc xung đột Nga-Ukraine, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 và lạm phát tăng cao. Do đó, dự báo tăng trưởng của Đức trong năm nay đã hạ từ 4.8% hồi tháng 10/2021 xuống còn 2,7%.
Các dự báo trên được đưa ra bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Viện Nghiên cứu Kinh tế Halle và RWI.
Tuần trước, EU đã đồng ý cấm nhập khẩu than của Nga từ tháng 8. Một số quốc gia thành viên kêu gọi liên minh cấm nhập khẩu cả dầu và khí đốt, nhưng Berlin đã phản đối động thái này vì lo ngại mức thiệt hại quá lớn về mặt kinh tế cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Đức.
Bình luận