Trong bài phát biểu dẫn đề, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã có những lời lẽ lên án mạnh mẽ các hoạt động bồi đắp, quân sự hoá phi pháp 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam và cho rằng Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất từ hoà bình và hợp tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nếu Trung Quốc tiếp tục có các hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng thì lợi ích của chính Trung Quốc sẽ bị đe dọa trước tiên.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh nguyên tắc duy trì trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc và luật pháp quốc tế, đảm bảo lợi ích bình đẳng của tất cả các nước, đồng thời phản đối việc Trung Quốc đưa vũ khí và các khí tài quân sự ra các đảo nhân tạo được nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông và khẳng định “sẽ tiếp tục các hoạt động hàng hải và hàng không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Không như mọi năm, năm nay dẫn đầu đoàn Trung Quốc là một chuẩn tướng đang là Phó chủ tịch Học viện Khoa học quân sự quân đội Trung Quốc. Đoàn Trung Quốc chỉ có một cuộc gặp với đại diện Singapore và không có bài phát biểu quan trọng nào tại diễn đàn.
Việt Nam không tham dự cấp bộ trưởng nên không phát biểu tại phiên toàn thể tại đối thoại lần này. Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, đại diện Đoàn Việt Nam nêu quan điểm để giải quyết xung đột trên biển: “Tại Đối thoại Shangri-La lần này, Việt Nam tiếp tục trao đổi với mọi đối tác có liên quan để thống nhất mọi vấn đề trên biển được giải quyết bằng luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích chủ quyền của nhau, giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, chúng ta cũng tạo sự tin cậy và tăng cường hợp tác, tránh hiểu lầm và cố gắng để các nước gần nhau hơn”.
Như vậy, trái với những dự đoán rằng vấn đề Biển Đông có thể sẽ bị “chìm xuồng” tại đối thoại Shangri-La, các phát biểu của đại diện các cường quốc đều lên án hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông của Trung Quốc và kêu gọi các bên có yêu sách chủ quyền cần “đối thoại, hợp tác và cam kết bảo vệ luật pháp quốc tế và tự do hàng hải - hàng không”.
Trong bối cảnh chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố từ bỏ chính sách “xoay trục sang châu Á” của chính quyền B. Obama và chưa có những chính sách, cam kết rõ ràng về vai trò của Mỹ đối với khu vực, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis đã phản ánh quyết tâm của Mỹ trên Biển Đông, trong đó có thể bao hàm việc nước này gia tăng các chiến dịch tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển chiến lược này.
Điều này cũng phần nào cho thấy chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ không hoàn toàn đối lập mà ít nhiều có sự kế tục chính sách của chính quyền tiền nhiệm.
Tuy nhiên, giữa những tuyên bố, cam kết và hành động trên thực tế không phải lúc nào cũng có sự thống nhất. Giữa các nước luôn có sự cọ xát, đan xen về lợi ích chính trị, kinh tế, an ninh; vừa hợp tác, tranh thủ vừa cạnh tranh, mâu thuẫn.
Với vị trí địa - chính trị chiến lược của mình đồng thời là một nước có đầy đủ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam cần linh hoạt lựa chọn chính sách tối ưu, hợp lý nhất để vừa đảm bảo an ninh, chủ quyền, vừa khai thác được lợi ích trong hợp tác đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế và khu vực theo hướng có lợi cho đất nước.
Đầu tháng 6 hàng năm, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La (SLD) lại được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS).
Diễn đàn được đặt theo tên của Khách sạn Shangri-La ở Singapore, nơi nó được tổ chức lần đầu tiên năm 2002. Năm nay, Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 diễn ra từ ngày 02-04/6/2017 với sự tham gia của nhiều lãnh đạo quốc phòng, chuyên gia về an ninh quốc tế đến từ khoảng 40 quốc gia.
Tham gia đoàn Việt Nam tại hội nghị lần này có Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an với bài phát biểu trong phiên thảo luận đặc biệt có chủ đề "Các biện pháp thực chất nhằm tránh xung đột trên biển" diễn ra chiều 03/6.
Bình luận